1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

“Méo” số liệu vì gia hạn và đảo nợ?

(Dân trí) - Tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm 2013 được đánh giá là đã cải thiện nhưng vẫn còn những lo ngại, bởi với việc VAMC đi vào hoạt động, các ngân hàng không muốn bán nợ xấu cho VAMC sẽ có động cơ che giấu nợ xấu bằng việc đảo nợ, gia hạn nợ.

“Méo” số liệu vì gia hạn và đảo nợ?
Năm tháng, 24/124 tổ chức tín dụng có mức chênh lệch giữa thu và chi âm, 100 tổ chức tín dụng còn lại có lãi nhưng trong đó 57 đơn vị giảm lãi so với cùng kỳ các năm trước.

Trong báo cáo đánh giá vĩ mô 6 tháng cuối năm, nhóm nghiên cứu từ CTCK Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS) nhận định, mặc dù lãi suất đã giảm, tăng trưởng tín dụng thực tế trong 6 tháng đầu năm tăng nhanh trong các tháng gần đây, song tổng thể cũng chỉ đạt 4,5%. 

Thế nhưng, xung quanh con số 4,5% này lại vẫn còn có những lo ngại khác, chẳng hạn như bao nhiêu phần trăm tăng tín dụng đó là do gia hạn nợ, đảo nợ? 

“Chúng tôi đã tìm hiểu và được biết tình trạng gia hạn hay đảo nợ xảy ra không nhiều và cũng không dễ thực hiện trong tình hình hiện nay (chủ yếu là kéo dài thời gian trả nợ) và xảy ra chủ yếu với các ngân hàng nhỏ” – VCBS cho biết.

Tuy nhiên, theo nhóm phân tích, cũng không thể phủ nhận thực tế, khi Công ty quản lý tài sản quốc gia - VAMC thành lập và đi vào hoạt động, các ngân hàng không muốn bán nợ xấu cho VAMC sẽ có động cơ che giấu nợ xấu bằng việc đảo nợ, gia hạn nợ nói trên.

Hoạt động tư vấn, định giá tài sản sẽ sôi động

Công ty VAMC ra đời với nhiệm vụ chủ chốt là công cụ để Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ động giải quyết nợ xấu, hay nói cách khác phải sử dụng nguồn lực một cách chủ động để phá băng tín dụng đang bị tắc nghẽn bởi nợ xấu. 

Dự kiến, các hoạt động mua bán nợ sẽ được diễn ra trong thời gian tới. Vì đây là hoạt động khá mới mẻ tại Việt Nam nên hoạt động tư vấn và định giá tài sản thế chấp sẽ trở nên sôi động và sẽ có rất nhiều việc phải làm đối với các công ty chứng khoán. 

Quyết tâm của NHNN là xử lý được 80 - 100 nghìn tỷ nợ xấu trong năm 2013, do vậy, việc hối thúc mua bán nợ của VAMC đối với các ngân hàng sẽ trở nên ráo riết. 

Tuy nhiên, VCBS đánh giá, thực tế khả năng VAMC chỉ có thể mua được từ 30-40% trong tổng số này trong năm 2013 căn cứ vào tiến độ hiện tại. 

Lợi nhuận không còn là mục tiêu ưu tiên

Trong thời gian tới, NHNN sẽ nghiêm túc yêu cầu các ngân hàng thực hiện phân loại nợ theo Thông tư 02 (đã lùi hạn 1 năm) và không gia hạn thêm. Càng tới gần thời hạn đó, các ngân hàng sẽ dành rất nhiều thời gian vào việc xử lý và thu hồi nợ, đánh giá tài sản đảm bảo. 

Trước sức ép của NHNN, đây được dự báo sẽ là các hoạt động chính trong thời gian tới đối với hệ thống ngân hàng, chứ không phải vì mục tiêu lợi nhuận với tăng trưởng tín dụng không bền vững như trước.

Trong 6 tháng đầu năm, tỷ lệ lãi biên ròng (NIM) sụt giảm vẫn là xu hướng chung của hầu hết các ngân hàng nhằm đẩy mạnh hoạt động cho vay, tuy nhiên sự sụt giảm diễn ra mạnh hơn ở các ngân hàng lớn có cổ phần Nhà nước chi phối so với các ngân hàng bán lẻ. 

Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu gần đây nhất được công bố là 4,65% theo báo cáo của các ngân hàng, cao hơn mức 4% vào cuối năm 2012, cho thấy chi phí dự phòng tiếp tục ở mức cao. Điều này tiếp tục ảnh hưởng tới lợi nhuận của toàn hệ thống.

Theo thống kê của NHNN, trong 5 tháng đầu năm 2013, mức chênh lệch giữa thu nhập so với chi phí lũy kế của toàn hệ thống mới đạt 18.200 tỷ đồng; bằng 109% chênh lệch thu chi 5 tháng 2012 nhưng chỉ bằng 88% so với 2010 và 61% so với 2011. Trong đó, 24 trên tổng số 124 tổ chức tín dụng có mức chênh lệch giữa thu và chi âm. 100 tổ chức tín dụng còn lại có lãi nhưng trong đó 57 đơn vị giảm lãi so với cùng kỳ các năm trước.

Ngân hàng không mặn mà đẩy mạnh cho vay doanh nghiệp

Theo VCBS, có một số nguyên nhân gây nên khó khăn trong việc đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng ngân hàng dù lãi suất đã giảm. 

Một là, sức cầu nền kinh tế quá yếu khiến nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp tốt đã giảm đi phần lớn, trong khi các ngân hàng trở nên thận trọng hơn với các doanh nghiệp còn lại do lo ngại rủi ro. 

Hai là, các Ngân hàng cũng tích cực thu hồi nợ và dư nợ ngoại tệ giảm mạnh do chính sách chống đô la hóa đã phát huy tác dụng mạnh mẽ, khiến cho 2 tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng âm. 

Ngoài ra, với thanh khoản dồi dào nhưng các ngân hàng nay có thêm sự lựa chọn là nguồn cung trái phiếu Chính phủ lớn nên không cần quá mặn mà với việc đẩy mạnh cho vay doanh nghiệp.

Tâm lý vẫn dè dặt và thiên về thận trọng hơn trong cho vay cho nên tín dụng do vậy sẽ vẫn ì ạch để tăng trưởng. Để nâng cao hiệu quả của chính sách tiền tệ, tập trung đẩy mạnh tốc độ tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu là những bước đi cấp thiết dù có đau đớn trước khi Việt Nam có thể hi vọng vào một sự phục hồi và tăng trưởng nhanh trở lại ở mức trên 6%.

Bích Diệp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm