Mẹ Việt vô tư dùng nước rửa chén mà không quan tâm xuất xứ?

(Dân trí) - Chị em có thể tiêu hàng triệu đến hàng chục triệu cho mỹ phẩm, có thể thuộc từng mã quốc gia để kiểm tra nguồn gốc nhưng với nước rửa chén, câu chuyện có xu hướng ngược lại.

Lỗ hổng khi nói đến sức khỏe làn da của phụ nữ

Dạo một vòng quanh những con phố mua sắm nổi tiếng ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, các cửa hàng mỹ phẩm luôn thu hút sự chú ý mãnh liệt của các chị em phụ nữ. Ngay cả trên địa hạt kinh doanh online, vô số dòng mỹ phẩm từ nhiều nguồn khác nhau luôn được cập nhật hằng ngày, hằng tuần nhưng vẫn không kịp đáp ứng nhu cầu của phái đẹp.

Bấy lâu nay, “nhất dáng, nhì da” vẫn luôn là tiêu chuẩn chị em theo đuổi. Thế nên đầu tư dưỡng da, bao gồm da mặt, da body, da vùng mắt, da tay nằm trong những ưu tiên top đầu của phái đẹp. Nhiều người còn nói vui, nghiện mỹ phẩm giống như vào mê cung, hễ “dính” phải là không tìm thấy lối thoát.

Phái đẹp luôn dành sự quan tâm lớn cho việc chăm sóc làn da.
Phái đẹp luôn dành sự quan tâm lớn cho việc chăm sóc làn da.

Da bao bọc toàn bộ cơ thể, có độ đàn hồi tuyệt vời để ta thoải mái cử động, làm việc; da ngăn ngừa những tác động của bên ngoài như tia cực tím, chất ô nhiễm, vi khuẩn ảnh hưởng đến cơ quan bên trong. Da là “cửa ngõ” bài tiết các chất độc qua tuyến mồ hôi, giúp thanh lọc cơ thể để duy trì diện mạo tươi tắn.

Rõ ràng da lá chắn quan trọng như vậy, nhưng cùng là đồ tiếp xúc trực tiếp với da: mỹ phẩm thì chị em cân nhắc đắn đo còn nước rửa chén lại chẳng màng xuất xứ!

Niềm tin thiếu căn cứ vào nước rửa chén ngoại

Nếu tính trung bình mỗi ngày 1 phụ nữ rửa chén bát 2 lần, trừ khoảng 100 bữa ăn ngoài, 265 ngày còn lại, số lần họ rửa chén là 530 lần. Còn nếu họ rửa chén cả 3 bữa trong ngày, thì 795 lần là 1 con số không hề nhỏ. Nước rửa chén bấy lâu nay vẫn là vật dụng thiết yếu của mỗi gia đình, tuy nhiên những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, trôi nổi trên thị trường, bằng một cách nào đó vẫn được nhiều người tin tưởng sử dụng.

Nguồn gốc, xuất xứ - yếu tố thường dễ bị bỏ qua khi chọn mua nước rửa chén.
Nguồn gốc, xuất xứ - yếu tố thường dễ bị bỏ qua khi chọn mua nước rửa chén.

“Tôi những người thân thiết giới thiệu dùng nước rửa chén Thái Lan nên cũng tin tưởng. Nước rửa chén đó đắt chứ không rẻ, nhưng đắt mới xắt ra miếng chứ!” – Chị H., 29 tuổi, quản lý nhà hàng, quận Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ.

Chị H. không phải là trường hợp duy nhất tin tưởng vào hàng ngoại, dù đọc nhãn mác, thành phần không hiểu gì. Chị L, 32 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội bộc bạch: “Tôi cũng băn khoăn vì nhà có con nhỏ, dùng đồ gì cũng phải đắn đo, phải tốt thì mới dùng. Đọc thành phần toàn chữ nước ngoài, có lên mạng tìm cũng không ra nhưng vì thấy nhiều người dùng nên cũng tin theo. Đắt thì mới ra tấm ra món được!”.

Có thể thấy, phụ nữ sẵn sàng bỏ ra rất nhiều công tìm hiểu, tra cứu, so sánh 1 loại mỹ phẩm nào đó trước khi mua. Thậm chí thuộc từng mã quốc gia, mã sản phẩm để đảm bảo những gì mình mua là chất lượng, rõ ràng xuất xứ nhưng đối với nước rửa chén – sản phẩm có tần suất sử dụng không kém gì mỹ phẩm – lại chỉ được lựa chọn bởi những lời truyền miệng không có chứng thực.

Giá thành chưa chắc đã đi đôi với chất lượng: Mẹ Việt hãy tiêu dùng thông minh!

Đã có rất nhiều trường hợp da tay bị bong tróc, khô ráp và ửng đỏ vì dùng nước rửa chén trôi nổi. Thành phần không rõ ràng, chữ nước ngoài không có bản Việt hóa, không rõ xuất xứ và hạn dùng là những nguy cơ nhãn tiền chúng ta có thể lường trước. Da tay vốn mỏng hơn các vùng da khác, lại là nơi thực hiện nhiều công việc khác nhau nên với sản phẩm tiếp xúc trực tiếp như nước rửa chén, chúng ta buộc phải lựa chọn 1 cách cẩn thận và thông minh.

Da tay bị bong tróc, khô ráp vì dùng nước rửa chén trôi nổi.
Da tay bị bong tróc, khô ráp vì dùng nước rửa chén trôi nổi.

Hàng đắt chưa chắc đã xắt ra miếng, giá thành chưa chắc đã đi đôi với chất lượng, đó là điều người tiêu dùng phải thừa nhận. MC Thùy Minh, người từng chuộng hàng ngoại mới đây đã chia sẻ câu chuyện bất ngờ khi sang Thái: “Mình từng mua hàng ngoại được người bán quảng cáo là "số 1 ở Thái Lan", mà tới lúc có dịp đi Thái chơi, tranh thủ tìm mua loại được quảng cáo hôm trước thì chẳng thấy bán ở các cửa hàng và siêu thị lớn luôn. Còn những nhãn hiệu quen thuộc bên nước mình thì xếp kín các kệ trong siêu thị bên Thái!”.

Bởi thế, thay vì chị em cứ tin tưởng vào những lời khuyên truyền miệng thiếu căn cứ, hãy tìm đến sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng và được cơ quan uy tín chứng nhận. Các nhà khoa học đã mất rất nhiều năm để tìm tòi, nghiên cứu và cho ra đời công nghệ mới, sẽ thật đáng tiếc nếu chúng ta tiếp tục thờ ơ với sức khỏe làn da và lãng phí những thành tựu quý báu như vậy.