1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Phúc thẩm Huyền Như:

Mẹ Huyền Như "từ chối" căn biệt thự 43 tỷ đồng?

(Dân trí) - Dù con gái thỉnh cầu tòa phúc thẩm xem xét trả lại căn biệt thự trị giá 43 tỷ đồng ở Quảng Nam cho mẹ già có chỗ nương náu lúc tuổi già, tuy nhiên, bà Lang, mẹ của Huyền Như đã không đến tòa để trình bày nguyện vọng của mình.

Trong phần kháng cáo, bị cáo Huyền Như muốn xin lại căn biệt thự cho mẹ
Trong phần kháng cáo, bị cáo Huyền Như muốn xin lại căn biệt thự cho mẹ

Huyền Như thỉnh cầu siêu biệt thự cho mẹ

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: 
 
Sáng 23/12, phiên tòa phúc thẩm bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như cùng nhiều đồng phạm tiếp tục phần thẩm vấn các bị cáo, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan để làm rõ các yêu cầu kháng cáo.

Đáng chú ý là việc bà Nguyễn Thị Lang, SN 1950, ngụ P.22, Q.Bình Thạnh, TPHCM là mẹ ruột của bị cáo Huyền Như đã không đến tòa dù trước đó, bà đã được cấp phúc thẩm triệu tập với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Phiên xét xử vào sáng 23/12, HĐXX cấp phúc thẩm xem xét đến căn căn biệt thự The Nam Hai tại xã Diện Dương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam trị giá 43 tỷ đồng do bà Nguyễn Thị Lang (mẹ Huyền Như) đứng tên. Hiện căn biệt thự do Công ty TNHH Indochina resort (Hội An) quản lý. Căn biệt thự này bị TAND TPHCM tuyên kê biên để đảm bảo thi hành án đối với các sai phạm của Huyền Như.

Trong phiên tòa sơ thẩm, dù mình đứng tên bất động sản hàng chục tỷ đồng này nhưng bà Lang không được triệu tập đến tòa với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Chấp thuận kháng cáo của bà Lang, cấp xử phúc thẩm đã triệu tập bà đến tòa. Những ngày trước, bà Lang vẫn tham dự. Ngày 22/12, bà Lang cũng đến tòa nhưng sau đó ra khỏi khuôn viên phiên tòa. Sáng 23/12, phiên tòa diễn ra phần liên quan đến tài sản, quyền lợi của mình nhưng bà Lang lại vắng mặt không lý do.

Vắng bà Lang, HĐXX hỏi Huyền Như về các yêu cầu của mình. Giống như ngày đầu phiên xét xử phúc thẩm, Huyền Như tái khẳng định, mình không kháng cáo mà chỉ thỉnh cầu HĐXX xem xét giải tỏa kê biên căn biệt thự The Nam Hai vì đó là tài sản do mẹ bị cáo đứng tên, hình thành trước khi bị cáo phạm tội. Hơn nữa, Huyền Như và chị gái là bị cáo Huỳnh Mỹ Hạnh cũng bị bắt trong vụ án này, để lại 3 đứa cháu nhỏ (2 con của Hạnh, 1 con của Như) cho bà Lang trông nom. Vì vậy, Huyền Như mong muốn có căn biệt thự khang trang để mẹ an nghỉ lúc tuổi già và có điều kiện nuôi nấng 3 đứa cháu thơ dại.

Trong phần kháng cáo, bị cáo Huyền Như muốn xin lại căn biệt thự cho mẹ
Mẹ Huyền Như động viên con gái qua cửa kính xe trong phiên xét xử trước, sáng nay bà không có mặt tại tòa

Chủ tọa hỏi: Tài sản này của ai mà bị cáo xin lại?. “Dạ, tài sản của mẹ bị cáo”, Như đáp. Chủ tọa lại vặn: “Nếu tài sản của mẹ, sao bị cáo lại bán cho người khác?”. Lúc này, Huyền Như khai: “Bị cáo không bán mà chỉ thế chấp cho chị Lê Thị Ngọc Nga (người đang bị cấp sơ thẩm kiến nghị khởi tố về hành vi cho vay lãi nặng trong vụ án này – PV)”.

Nhiều bị hại kháng cáo

Cũng trong buổi làm việc sáng nay, người đại diện của bà Lê Thị Ngọc Nga (ngụ R2-25 khu Hưng Phước 1, Phú Mỹ Hưng, quận 7, TPHCM) cho biết, bà Nga kháng cáo đề nghị HĐXX xem xét buộc Ngân hàng TMCP Công thương Vietinbank trả số tiền gốc là 149,47 tỷ đồng và lãi suất theo quy định của ngân hàng Nhà nước. Trước đó, bản án sơ thẩm có kiến nghị cơ quan điều tra tiếp tục xác minh làm rõ nếu đủ căn cứ thì khởi tố, điều tra, xử lý đối với hành vi của một số đối tượng cho vay lãi nặng vượt quá 10 lần nhưng chưa bị truy tố, xử lý trong vụ án này, trong đó có Lê Thị Ngọc Nga. Tuy nhiên, bà Nga không kháng cáo phần kiến nghị này. HĐXX đề nghị đối với việc bà Nga kháng cáo buộc Vietinbank trả tiền gốc và lãi thì có quyền khởi kiện bằng một vụ án khác.

Các bị cáo tại tòa
Các bị cáo tại tòa

Ông Nguyễn Duy Quang (SN 1948, chồng của bị cáo Nguyễn Thị Lành) cũng kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm tuyên không kê biên 2 sổ tiết kiệm của mình đứng tên. Ông Quang cho biết, bản án sơ thẩm tuyên kê biên 5 sổ tiết kiệm đối với Nguyễn Thị Lành nhưng trong đó có 2 sổ mang tên ông, trị giá 5,9 tỷ đồng. “Hai sổ tiết kiệm này tôi mở vào năm 2011. Tại thời điểm này, tôi với bị cáo Lành vẫn là vợ chồng. Tôi không biết, không hưởng lợi khi cho Huyền Như vay. Đề nghị xem xét hủy bỏ lệnh kê biên đối với sổ tiết kiệm mà tôi đứng tên”, ông Quang nói.

Ông Quang cũng chứng minh nguồn tiền 5,9 tỷ có được là bằng thu nhập của cá nhân mà ông dành dụm được từ năm 1978 đến nay trong quá trình công tác.

Bà Nguyễn Thị Kim Bình, SN 1983, ngụ 26/4, đường Trần Quý Cáp, P.11, Q.Bình Thạnh cũng kháng cáo đề nghị mở sổ tiết kiệm đứng tên mình với số tiền 19,130 tỷ đồng đã bị kê biên. Bà Bình cho rằng, tiền là của mẹ mình nhưng sổ tiết kiệm thì do bà đứng tên. Năm 2012, Bình mở sổ tiết kiệm tại Ngân hàng ACB rồi gửi sổ tiết kiệm đó cho dì ruột của mình là bị cáo Nguyễn Thiên Lý giữ.

Luật sư Nguyễn Huy Thiệp, đại diện theo ủy quyền của bà Đỗ Thị Ngọc Diệp, vợ bị cáo Phạm Anh Tuấn cũng cho biết, thân chủ của mình kháng cáo đề nghị tòa phúc thẩm xem xét lại việc kê biên căn nhà ở số 32/7 Thạch Thị Thanh, P.Tân Định, Q.1, TPHCM. Bà Diệp cho rằng, căn nhà trên do bà và chồng là Phạm Anh Tuấn đồng sở hữu. Đây là tài sản chung duy nhất và là nhà ở duy nhất của Diệp và 3 con nhỏ. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra vụ án, công an kê biên căn nhà này làm ảnh hưởng lớn đến quyền và lợi ích của bà Diệp.

Cũng trong sáng nay, ngoài bà Lang, mẹ Huyền Như thì đại diện Công ty TNHH thương mại và dịch vụ DIVA (liên quan đến kê biên căn nhà đối với bị cáo Nguyễn Thiên Lý) cũng vắng mặt dù trước đó có kháng cáo với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Công Quang – Trung Kiên
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm