Máy phát, quạt sạc… “rình” thiếu điện

(Dân trí) - Mùa nắng mới ngấp nghé nhưng thị trường các sản phẩm đối phó với cắt điện (máy phát, quạt tích điện…) đã hỉ hả “vào cầu” gần tháng nay. Không “kiệm” lựa chọn nhưng người tiêu dùng vẫn phải chấp nhận mức giá chênh lệch lớn nếu không muốn mua hàng kiểu “may hơn khôn”.

Nhu cầu “đuổi” theo thời tiết

Lượng hàng tiêu thụ mạnh, bán “mát tay” là “thú nhận” chung đầy hồ hởi của các cửa hàng kinh doanh. Cửa hàng điện gia dụng 244 phố Ngọc Lâm (Long Biên, Hà Nội) cho biết, tháng trước, khách tập trung mua các loại đèn neon sạc, hàng Lạng Sơn đóng về thùng lớn thùng nhỏ đều “giải phóng” hết ngay. Cả dãy đồ điện xung quanh, nhà nào cũng bán khá.

Chạm vào đợt nắng nóng đầu tiên trong tình trạng cắt điện thời gian dài 12-15 tiếng đồng hồ, người mua lập tức nâng cấp nhu cầu lên mức mua hẳn quạt tích điện kèm chức năng đèn chiếu sáng.

Các loại quạt Citizen, LingQ của Trung Quốc, giá dao động từ 350-600 ngàn đồng ăn khách vì nhiều tính năng mà cũng chỉ đắt gấp khoảng 2 lần loại đèn sạc dòng cao cấp.

Cô chú Tân Ba (Yên Viên, Gia Lâm) nhiều bữa khốn khổ vì đợt cắt điện luân phiên từ đầu tháng 3. Nhà bán cháo sườn, xôi sáng, bữa nào cắt điện từ 4-5h sáng, hai cô chú lọ mọ với gạo đỗ, đường bột, thắp cả đèn bão cũng chẳng ăn thua, không đủ ánh sáng để làm.

Nghe ngóng mùa hè nóng nhiều, điện lại hụt lớn, chú Tân gạt hẳn ngần ngừ, sắm ngay một chiếc quạt Citizen model 168, được quảng cáo là có thể chạy liên tục 5h, chiếu sáng 1 bóng neon 7h đồng hồ không cần cắm điện.

Những gia đình có điều kiện hơn thì phương án tối ưu là máy phát điện. Giữa lần cắt điện thứ 3 từ đầu hè, anh Nguyễn Quốc Thành (136 Hào Nam, Đống Đa) quyết định đầu tư một chiếc Denyo, hàng Nhật, loại 5 “ký” (công suất phát điện 5KVA) giá 30 triệu đồng.

Mướt mát mồ hôi vì vần “khối sắt” mấy chục kg lên tận tầng 5, thở phào nhẹ nhõm, anh Thành cho biết, nhà có cháu nhỏ mới 8 tháng tuổi nên buộc phải mua vì nắng nóng, người lớn còn vất vưởng được, trẻ con thì chịu hẳn. Mức đầu tư không nhỏ nhưng cũng chỉ đủ để chạy quạt, chiếu sáng, bơm nước, cắm tủ lạnh, chẳng đủ tải để chạy điều hòa.

Nhà hàng “Cơm chay - lối sống mới” 485 Trần Khát Chân (Hai Bà Trưng) cũng tức tốc đi tìm mua máy phát điện tầm 5 “ký” vì thấy mới đầu tháng 4, tình hình điện đóm đã rất “căng” trong khi mấy năm trước phải tầm tháng 5 - 6 mới thiếu thốn. Ông chủ nhà hàng tưởng nhanh chân, không ngờ dạo qua thị trường mới hiểu mình vẫn thuộc hàng… “trâu chậm”.

Hàng Nhật, Mỹ, Thái… giá quá cao, anh chỉ định tìm máy phát của Trung Quốc nhưng loại “hàng công ty”, có xuất xứ, giấy tờ đàng hoàng cho yên tâm. Nắm trước được giá máy tầm 14-15 triệu đồng nhưng đi tìm cả buổi vẫn chưa đúng được mấy tiêu chí cơ bản nhất.

Đầu tư… “phập phù”

Bà chủ hàng máy phát điện Minh Toan (84 Ngô Thì Nhậm) thủng thẳng, máy tầm 0,8-5,5 “ký” đã bán gần kiệt từ tuần trước, có ngày cửa hàng xuất vài ba chục chiếc. Giá máy phát hiện cao ngất nhưng vẫn không đủ hàng để bán.

Loại 5 “ký” của Honda (trên 20 triệu đồng) hết sạch, loại 2 “kỳ” thì “cháy chợ” hầu hết các nhãn hiệu, cửa hàng giờ chỉ còn loại 2 “ký” chính hãng của Trung Quốc.

Máy phát, quạt sạc… “rình” thiếu điện - 1
  

Chiếc quạt tích điện Citizen 168
giá 620.000 đồng rất “ăn khách”
hiện nay.

Chấp nhận giá cao là chuyện đương nhiên trong bối cảnh “cầu” lớn, “cung” ăn theo lý do lạm phát, tiền mất giá. Ông chủ nhà hàng Cơm chay xác nhận, mới đầu mùa nóng, nhưng đi tìm mua máy phát thời điểm này nhẹ nhàng cũng phải chịu biên độ chênh lệch 1-2 triệu đồng so với bình thường.

Anh Thành (136 Hào Nam) kể, hàng hiếm, để mua được chiếc máy Denyo đúng ý, anh phải nhờ qua mối một hàng buôn ở Chợ Giời (phố Huế) lấy giúp. Mức báo giá của hãng chỉ nhỉnh hơn 27 triệu đồng, thanh toán thực, anh phải trả “vênh” lên 30 triệu đồng.

Hàng chính hãng thì khó mua, giá cao ngất. Còn lựa chọn “hàng chợ” trên thị trường thì chất lượng “trời ơi”, người tiêu dùng chỉ biết trông chờ… may rủi. Máy phát của Trung Quốc nhiều vô thiên lủng ở chợ Giời, không thiếu nhãn hiệu, công suất, giá chỉ bằng 1/3, thậm chí 1/4 so với hàng công ty tuy nhiên, phương tiện duy nhất để đảm bảo chính là hóa đơn bán hàng và lời cam kết miệng bảo hành 6 tháng của chủ hàng.

Các thiết bị để đối phó với cắt điện đơn giản hơn như quạt tích điện, đèn sạc cũng có thể trở thành món đầu tư “phập phù” với người tiêu dùng. Không thiếu hàng để chọn nhưng chung quy lại “đồ Tàu” vẫn gần như độc chiếm thị trường và chủ yếu là hàng không rõ nguồn gốc.

Bỏ ra 590.000 đồng mua chiếc quạt tích điện Citizen model 1225R tại một cửa hàng trên phố chuyên bán đồ điện gia dụng Phùng Hưng, chị Huyền Mai (Điện Biên Phủ) không khỏi băn khoăn vì sản phẩm không hề có phiếu bảo hành hay hướng dẫn sử dụng. Liệu pháp “trấn an” tốt nhất là tự động viên mình “may hơn khôn”.

Phương Thảo - Cấn Cường