Máy bay chở khách “Made in China” sẽ được sản xuất hàng loạt

(Dân trí) - Hãng chế tạo máy bay Trung Quốc Comac đã nhận được sự chấp thuận của Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc để bắt đầu sản xuất hàng loạt máy bay chở khách.


Máy bay ARJ21-700 tại sân bay quốc tế Thành Đô, Trung Quốc. (Nguồn: Honeywell)

Máy bay ARJ21-700 tại sân bay quốc tế Thành Đô, Trung Quốc. (Nguồn: Honeywell)

Cụ thể, Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc đã cấp giấy chứng nhận sản xuất mẫu máy bay chở khách có sức chứa 90 hành khách cho Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc (Comac).

Theo đó, hãng máy bay này sẽ cung cấp được 5 chiếc máy bay vào cuối năm nay.

Được biết máy bay chở khách “Made in China” đầu tiên này có tên ARJ21. Tập đoàn Comac đã mất hơn một thập kỷ để thiết kế, xây dựng, đưa nó ra thị trường và ARJ21 đã được cất cánh lần đầu tiên hồi tháng 6 năm ngoái.

Theo The Business Times, với phạm vi bay tối đa khoảng 3.700 km, ARJ21 được coi là đối thủ cạnh tranh của các mẫu tàu bay do Bombardier Inc và Embraer SA sản xuất.

Theo một trang báo của Trung Quốc, chuyến bay thử đầu tiên của ARJ21 đời đầu tiên là vào năm 2008 và đã được cấp Giấy chứng nhận vào năm 2014.

Sự phát triển về mảng hàng không của Trung Quốc là một phần trong chương trình “Made in China 2025” đầy tham vọng dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, người đã xác định ngành hàng không vũ trụ là ngành có thể đưa quốc gia này cạnh tranh với Đức và Nhật về năng lực công nghệ và sản xuất chế tạo.

The Business Times cho biết thêm rằng loại máy bay nhỏ này được cung cấp động cơ của General Electric Co và hiện đã có 413 đơn đặt hàng từ 19 nước cho mẫu máy bay này. Trong đó, có tập đoàn Leasing Group Holdings Ltd của Trung Quốc, một công ty niêm yết ở Hong Kong, đã đồng ý mua 60 chiếc ARJ21 trong một hợp đồng trị giá khoảng 2,3 tỷ USD vào năm ngoái với giá niêm yết.

Tuy nhiên, Comac vẫn cần có giấy chứng nhận từ Cơ quan Quản lý hàng không Liên bang Hoa Kỳ và các cơ quan chức năng châu Âu để có thể bán và vận hành loại máy bay này ở nước ngoài.

Hồng Vân (Tổng hợp)