(Dân trí) - Hành trình hồi sinh của các trung tâm tài chính lớn nhất thế giới đang gặp khó khăn bởi giới nhân viên không còn thích quay lại bàn làm việc nữa.
Các trung tâm tài chính của thế giới chật vật hồi sinh sau Covid-19
Hành trình hồi sinh của các trung tâm tài chính lớn nhất thế giới đang gặp khó khăn bởi giới nhân viên không còn thích quay lại bàn làm việc nữa.
Gần 15 tháng sau lệnh phong tỏa để ngăn chặn đại dịch Covid-19 lây lan, một số trung tâm tài chính quan trọng của thế giới đang gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút nhân viên trở lại văn phòng làm việc.
Hoạt động công sở ở London, New York và San Francisco vẫn thấp hơn 50% so với mức bình thường, theo dữ liệu theo dõi vị trí người dùng của Google. Bằng chứng từ các trung tâm tài chính lớn khác như Frankfurt, Singapore và Hồng Kông cũng cho thấy quy định hạn chế liên quan đến đại dịch Covid-19 đã thay đổi thói quen của mọi người và gây ra các vấn đề mới.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 dần ổn định ở một số nơi trên thế giới, các công ty như Apple hay JPMorgan Chase & Co. cũng rục rịch cho nhân viên trở lại văn phòng làm việc để duy trì văn hóa doanh nghiệp cũng như tinh thần làm việc nhóm vốn bị rạn nứt sau nhiều tháng chỉ gặp nhau qua Zoom.
Quá trình này sẽ phức tạp và phụ thuộc lớn vào các yếu tố nằm ngoài sự kiểm soát của các doanh nghiệp, như tiến độ tiêm chủng vắc xin Covid-19, tốc độ lây lan của các biến thể, sự sẵn sàng của các phương tiện vận tải và thời gian trường học mở cửa.
Các doanh nghiệp cũng phải đối mặt với áp lực ngày càng gia tăng từ nhân viên, vì nhiều nhân viên cảm thấy thoải mái hơn khi làm việc từ xa. Google, American Express Co. và Unilever đang áp dụng các chính sách cho phép nhân viên làm việc ở ngoài văn phòng vài ngày trong tuần dù dịch Covid-19 có dấu hiệu lắng xuống.
Mặc dù tình hình giữa các thành phố, thậm chí doanh nghiệp, có sự khác biệt, song có một điều rõ ràng là để trở lại cuộc sống như trước khi đại dịch bùng phát còn một chặng đường dài và bất kỳ đợt bùng phát mới nào xảy ra cũng có thể làm chệch hướng mọi kế hoạch.
Frankfurt, Đức
Quận tài chính Zeil của Frankfurt bắt đầu náo nhiệt trở lại khi các quán bar và cà phê được mở cửa trở lại từ cuối tháng 5. Tuy nhiên, các đám đông trên đường phố hiện nay phần lớn là người mua sắm và những người muốn giải tỏa bức bối sau một thời gian dài ở nhà. Quận tài chính này nhìn chung vẫn vắng vẻ một cách kỳ lạ, thỉnh thoảng chỉ có một vài nhân viên ra vào một trong nhiều tòa nhà cao tầng, vì luật liên bang yêu cầu nhân viên trong những lĩnh vực không thiết yếu tiếp tục làm việc tại nhà cho đến cuối tháng 6.
Bằng chứng là các chỉ số theo dõi hoạt động kinh doanh ở Frankfurt vẫn thấp hơn mức bình thường. Dữ liệu từ Google ở khu vực này cho thấy hoạt động nơi công sở giảm 17%. Số lượng hành khách tại sân bay Frankfurt, một trong những sân bay bận rộn nhất châu Âu, cũng chưa bằng một nửa so với mức trước đại dịch. Doanh thu của khối nhà hàng và khách sạn - mảng kinh doanh buộc phải đóng cửa trong đại dịch Covid-19 - cũng cho thấy tình hình tương tự, theo số liệu văn phòng thống kê liên bang Đức thu thập được.
Trở ngại lớn đối với việc trở lại cuộc sống bình thường là tốc độ tiêm chủng vắc xin Covid-19 chậm chạp ở khắp châu Âu. Tỷ lệ người được tiêm đầy đủ ở Frankfurt chỉ khoảng 25% tính đến ngày 20/6. Tuy nhiên, con số này có thể tăng nhanh trong những tuần tới.
Hình ảnh về một quận tài chính hoang vắng có thể thay đổi nhanh chóng. Bởi, tỷ lệ lây nhiễm giảm và chính phủ có thể không gia hạn quy định ở nhà vào cuối tháng 6. Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp Đức đang vận động chính phủ để nới lỏng các quy định, điều này cho thấy họ muốn nhanh chóng kêu gọi nhân viên trở lại làm việc ở văn phòng
London, Anh
Liệu dân văn phòng ở London có thể quay trở lại văn phòng hay không khi mà thành phố đang phải đối mặt với một biến thế mới có khả năng lây truyền cao?
Các quy định hạn chế liên quan tới dịch Covid-19 tại Anh đã được gỡ bỏ vào ngày 21/6. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của biến thể Delta, Thủ tướng Anh Boris Johnson buộc phải hoãn việc tái mở cửa đất nước cho tới tháng 7.
Deutsche Bank, Goldman Sachs và các ngân hàng khác ở London đều phải tạm dừng kế hoạch đưa nhân viên trở lại văn phòng. Đây rõ ràng là đòn giáng đối với các nhà hàng, quán rượu và nhà bán lẻ, những đối tượng vốn phụ thuộc lớn vào giới văn phòng về doanh thu. Khi kỳ nghỉ hè sắp tới, doanh nghiệp có lẽ phải đợi tới tận tháng 9 thì nhân viên mới ồ ạt quay trở lại làm việc.
Tuy nhiên, tốc độ lây nhiễm của các biến thể mới có thể khiến quá trình trở lại bàn làm việc của giới văn phòng ở London thêm phức tạp. Tại Manchester, cách London hơn 300 km, số ca nhiễm có liên quan tới biến thể Delta tăng mạnh, khiến nhiều người lo sợ và tiếp tục ở nhà. Doanh số bán sandwich tại các cửa hàng của Pret a Manger do đó giảm gần 10% trong tuần trước. Tại London, doanh số cũng chững lại.
Đối với giới nhân viên văn phòng, mối lo chính khi quay trở lại văn phòng là rủi ro bị nhiễm Covid-19 khi đi làm, theo kết quả khảo sát của Phòng thương mại và Công nghiệp London với 520 lãnh đạo doanh nghiệp. Giải quyết những lo ngại này sẽ là chìa khóa để kích thích đà phục hồi chậm chạp của London.
Trước thông báo của Thủ tướng Johnson, cả giao thông đường bộ và phương tiện giao thông đều đang phục hồi. Giao thông ở Square Mile thậm chí nhộn nhịp hơn tháng 7 năm ngoái, theo số liệu của Mapbox. Tháng 5, hoạt động trong tuần cũng nhộn nhịp hơn tháng trước đó.
Vào ngày 10/6, giao thông tại 15 ga tàu điện ngầm quan trọng trong và xung quanh London và Canary Wharf đạt đỉnh kể từ khi lệnh phong tỏa được áp dụng vào tháng 3/2020, theo Công ty vận tải London - đơn vị vận hành mạng lưới tàu điện ngầm của thành phố. Tuy nhiên, mọi thứ vẫn chưa thể về lại mức trước đại dịch.
Số lượng du khách lên cao nhất vào giữa tuần trước và giảm trở lại vào cuối tuần, giống như trước khi đại dịch bùng phát. Điều này cho thấy phần lớn giao thông ở London là nhờ giới nhân viên văn phòng. Các nhà bán lẻ và quán rượu sẽ theo dõi tình hình rất cẩn thận trong những tuần tới để xem số lượng người đi làm trở lại có tiếp tục tăng hay không ngay cả khi làn sóng lây nhiễm mới bắt đầu.
Hồng Kông
Ở Hồng Kông, hầu hết nhân viên văn phòng đều đã trở lại làm việc nhưng việc họ có ở lại lâu dài hay không sẽ phụ thuộc vào việc chính quyền thành phố có thể thuyết phục nhiều công dân tiêm vắc xin hay không.
Trong bối cảnh, số ca nhiễm hàng ngày ở Hồng Kông dao động gần 0 trong nhiều tuần qua, tỷ lệ nhân viên trở lại văn phòng gần như đã trở lại mức trước đại dịch. Tháng 3, số lượng hành khách hàng ngày trung bình tham gia lưu thông trên các tuyến đường sắt chính của MTR Corp. đạt 73% mức của cùng kỳ năm 2019, theo số liệu của chính phủ. Các ngân hàng như Goldman Sachs và HSBC đều đã mở cửa văn phòng trở lại cho tất cả nhân viên.
Tuy nhiên, thành phố này vẫn đang chật vật do tỷ lệ tiêm vắc xin Covid-19 ở mức tương đối thấp so với các trung tâm tài chính khác. Đây là trở ngại lớn đối với Hồng Kông trong quá trình tái mở cửa hoàn toàn nền kinh tế.
Mặc dù là một trong số ít nơi trên thế giới có thể cung cấp vắc xin cho tất cả người lớn, 2,75 triệu liều vắc xin chỉ đủ để tiêm cho 18,3% dân số, theo số liệu từ Vaccine Tracker của Bloomberg. Con số này thấp hơn nhiều mức 28,3% của Singapore và 29,1% của London.
Chính quyền đang tìm kiếm sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp trong việc triển khai tiêm chung. Trong đó, Cơ quan tiền tệ Hồng Kông thúc giục tất cả tổ chức tài chính tích cực khuyến khích những nhân viên hay tiếp xúc với khách hàng hoặc làm ở bộ phận hỗ trợ đi tiêm vắc xin.
Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông Carrie Lam mới đây công bố chiến dịch mới nhằm đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vắc xin tới tháng 9. Chiến dịch sẽ triển khai các biện pháp như nghỉ phép cho lương cho các công chức đã tiêm chủng, đồng thời áp dụng thêm lệnh hạn chế với những ai chưa tiêm chủng.
Singapore
Ở Singapore, xu hướng làm việc ở nhà đang trở nên thịnh hành. Các biện pháp hạn chế giống như lệnh phong tỏa được tái áp dụng vào tháng 5 sau khi số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt lên vài chục ca mỗi ngày. Đây chỉ là con số khiêm tốn so với các thành phố khác như New York hay London nhưng lại là mức tăng đáng kể đối với quốc gia này. Kết quả, số lượng nhân viên làm việc tại các văn phòng giảm 23% so với tháng 4, theo ước tính của công ty tư vấn bất động sản Knight Frank.
Việc áp dụng lịch làm việc linh hoạt đang làm chậm lại quá trình đưa giới văn phòng trở lại làm việc ngay cả trước khi đợt dịch gần đây nhất bùng phát. Ví dụ, tại Standard Chartered, khoảng 80% nhân viên văn phòng ở Singapore có thể làm việc từ xa. Quỹ tín thác đầu tư bất động sản lớn nhất Singapore, CapitaLand Integrated Commercial Trust cho biết 51% nhân viên trở lại văn phòng làm việc trước đợt bùng phát dịch hồi tháng 5.
Theo số liệu của chính phủ, tỷ lệ văn phòng trống tại Singapore tăng 9,8% trong quý I, cao hơn một chút mức 9,6% của quý trước đó. Tốc độ nhân viên trở lại làm việc thấp cũng ảnh hưởng tới giá thuê văn phòng. Giá thuê trung bình tháng đối với văn phòng được săn đón nhất đã giảm 5 quý liên tiếp tính đến hết quý I năm nay, giảm 1,2%, theo Savills.
Ngay cả khi các biện pháp hạn chế liên quan tới Covid-19 bắt đầu được nới lỏng, các doanh nghiệp có văn phòng nhỏ sẽ gặp trở ngại trong việc thực thi biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Đồng thời, hầu hết doanh nghiệp sẽ phải vật lộn để giải quyết mong muốn được làm việc từ xa của các nhân viên, Christine Li - giám đốc nghiên cứu thị trường châu Á - Thái Bình Dương ở Knight Frank - cho hay.
"Hầu hết doanh nghiệp muốn nhân viên trở lại văn phòng làm việc một cách thường xuyên hơn nhưng thế giới hậu Covid-19 đã phát triển theo một cách khác. Văn phòng làm việc trở nên giống như một điểm du lịch quốc tế - nơi mà mọi người không quay trở lại thường xuyên.
Li dự đoán tốc độ nhân viên trở lại văn phòng làm việc sẽ chậm lại do các doanh nghiệp vẫn đang ngồi theo dõi tình hình dịch bệnh để xem liệu có nên gia hạn hợp đồng thuê hay chuyển địa điểm hay không. "Các doanh nghiệp sẽ thận trọng trong 1 - 2 quý nữa cho tới khi dịch bệnh lắng xuống".
Mỹ
15 tháng sau khi bị tàn phá bởi dịch Covid-19, các văn phòng ở New York đang dần "thức dậy" sau một "giấc ngủ đông" khi các ông chủ của Phố Wall và Thị trưởng Bill de Blasio kêu gọi nhân viên trở lại văn phòng làm việc.
Hầu hết biện pháp hạn chế liên quan tới dịch Covid-19 đã được dỡ bỏ vào tháng 5, mở đường cho người lao động trở lại làm việc. JPMorgan, ngân hàng lớn nhất nước Mỹ, đang yêu cầu toàn bộ nhân viên trở lại văn phòng, ít nhất là theo hình thức làm việc luân phiên, vào đầu tháng 7. Goldman Sachs cũng đã thực hiện một kế hoạch tham vọng hơn, đó là yêu cầu gần như toàn bộ nhân viên ở chi nhánh New York trở lại văn phòng trước 14/6.
Phương tiện công cộng của thành phố cũng dần "hồi sinh" dù thấp hơn nhiều mức trước đại dịch. Số lượng hành khách trung bình mỗi tháng đi tàu điện ngầm tính đến tháng 5 thấp hơn 58% so với thời kỳ trước dịch, cải thiện hơn mức 63% được ghi nhận vào tháng 4, theo Cơ quan quản lý Giao thông Đô thị. Lượng hành khách tham gia tuyến tàu Metro North, hệ thống tàu và cầu của thành phố tăng lên và cả 3 đều trong tình trạng đông đúc nhất kể từ tháng 3/2020.
Dữ liệu cụ thể cho thấy mức độ sử dụng một số trạm dừng của tàu điện ngầm gần các trung tâm kinh doanh chỉ bằng một phần nhỏ của thời kỳ trước đại dịch do tốc độ trở lại văn phòng làm việc tương đối chậm. Lượng khách dừng ở các điểm dừng ở Grand Central, Times Square và Lexington Avenue tính đến tháng 5 đều chưa bằng 1/3 mức trước đó.
Tại các khu dân cư như West Village và Upper East Side, các nhà hàng và quán bar lại chật cứng người khi đời sống xã hội dần "hồi sinh". Ngược lại, ở những khu vực tập trung văn phòng làm việc như Manhattan, đường phố lại vắng lặng hơn. Chỉ 22% nhân viên văn phòng ở New York trở lại văn phòng tính đến ngày 16/6, theo số liệu từ công ty về bảo mật Kastle Systems.
Lượng cung văn phòng trong quý I tại Manhattan đạt mức cao nhất trong ít nhất 30 năm qua. Diện tích văn phòng cho thuê lại cũng đạt 2 triệu m2, cao hơn 62% so với thời kỳ trước đại dịch, cao hơn con số được ghi nhận sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008 và vụ khủng bố 9/11, theo Savills. Tất cả đều cho thấy quá trình trở lại bàn làm việc của giới văn phòng đang diễn ra rất chậm chạp.
Giao thông trên các con phố và vỉa hè của San Francisco bắt đầu đông đúc trở lại. Hơn 80% dân số của thành phố này đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin Covid- và chính quyền California cũng đã dỡ bỏ hầu hết quy định hạn chế vào ngày 15/6.
Tuy nhiên, đằng sau khung cửa kính của các tòa nhà văn phòng, hành lang vẫn vắng vẻ và bàn làm việc vẫn trống trơn. Một số công ty công nghệ - từng là động lực thúc đẩy kinh tế của San Francisco như Salesforce.com, Airbnb và Twitter đang phải tìm cách cho thuê lại văn phòng vì họ đang áp dụng lịch làm việc linh hoạt trong dài hạn. Hơn 9 triệu feet vuông văn phòng đã được cho thuê lại trong quý I năm nay, cao nhất kể từ năm 2005, theo Savills.
Tính đến ngày 16/6, chỉ khoảng 19% nhân viên văn phòng ở khu vực xung quanh tàu điện ngầm tại San Francisco đã trở lại làm việc, theo Kastle Systems. Mức thấp nhất trong 10 thành phố được Kastle Systems khảo sát.
Có lẽ phải đến tháng 9 khu vực này mới được chứng kiến cuộc sống trở lại bình thường. Hiện tại, các công ty như Uber Technologies, Apple và Google, đều đưa ra kế hoạch linh hoạt đối với việc đưa nhân viên trở lại văn phòng.
Ngay cả một số công ty có kế hoạch trở lại văn phòng sớm hơn cũng dự đoán rằng họ cần nhiều tháng để đạt được mục tiêu đó. Atlassian Corp. sẽ mở cửa lại văn phòng ở Thung lũng Silicon vào cuối tháng 6 và văn phòng ở San Francisco trong 4 - 5 tuần nữa. Dự kiến, ít nhất 1/4 số nhân viên sẽ quay trở lại làm việc nhưng công ty cũng không đưa ra bất kỳ kỳ vọng nào về vấn đề này.