10 nền kinh tế lớn nhất thế giới, trước và sau đại dịch ra sao?
(Dân trí) - Đại dịch Covid-19 đã làm đảo lộn thứ hạng của những nền kinh tế lớn nhất thế giới sau khi nhiều nước rơi vào cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử hiện nay.
Theo phân tích của CNBC về các dự báo kinh tế của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đức vẫn chiếm 4 vị trí hàng đầu trong bảng xếp hạng những nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, một vài thứ hạng đã thay đổi do hậu quả của đại dịch. Thậm chí, một quốc gia đã rớt khỏi bảng xếp hạng 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
CNBC đã so sánh tổng sản phẩm quốc nội danh nghĩa bằng đồng USD giữa các quốc gia được cung cấp trong cơ sở dữ liệu Triển vọng kinh tế Thế giới của IMF.
GDP danh nghĩa ước tính giá trị thị trường của tất cả hàng hóa và dịch vụ thành phẩm được sản xuất trong một nền kinh tế nhưng không loại trừ những thay đổi về mức giá hoặc lạm phát. Do đó, số liệu này có thể cao hơn hoặc thấp hơn giá trị kinh tế thực.
Tuy nhiên, giá trị GDP danh nghĩa tính theo đồng tiền chung là một cách để đo lường và so sánh quy mô kinh tế của các quốc gia khác nhau, đồng thời cho thấy các diễn biến - chẳng hạn như đại dịch - đã ảnh hưởng đến các nền kinh tế như thế nào.
Dưới đây là những thay đổi lớn trong xếp hạng 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới trước và sau dịch Covid-19 bùng phát mà CNBC đã liệt kê.
Ấn Độ đã tụt hậu so với Vương quốc Anh
Ấn Độ - nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới trong năm 2019 - nay đã tụt xuống vị trí thứ 6 sau Vương quốc Anh.
Theo phân tích của CNBC về dữ liệu của IMF, quốc gia Nam Á này đã không giữ được vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng các nền kinh tế toàn cầu cho đến năm 2023.
Năm ngoái, Ấn Độ đã bị ảnh hưởng bởi các đợt đóng cửa giãn cách xã hội nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn đại dịch. Nền kinh tế của nước này được IMF dự báo giảm 8% trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 3/2021 này.
IMF kỳ vọng Ấn Độ sẽ hồi phục nhanh và tăng trưởng ở mức 12,5% trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 3/2022. Tuy nhiên, một số nhà kinh tế khuyến cáo, số ca nhiễm Covid-19 tăng cao có thể làm giảm triển vọng hồi phục của đất nước này. Tuần trước, Ấn Độ đã vượt Brazil trở thành nước có số ca nhiễm cao thứ hai thế giới, sau Mỹ.
Trong báo cáo phát ra hôm đầu tuần, các nhà kinh tế của Bank of America lo ngại, số ca nhiễm Covid-19 gia tăng có thể khiến cản trở sự phục hồi của nền kinh tế này.
Các nhà kinh tế ước tính, nếu Ấn Độ tiếp tục thực hiện đóng cửa trên toàn quốc trong vòng 1 tháng sẽ khiến GDP hàng năm của nước này giảm 100-200 điểm phần trăm.
Brazil rớt khỏi Top 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới
Năm 2019, Brazil là nền kinh tế lớn thứ 9 của thế giới. Tuy nhiên, trong năm 2020, nước này đã xuống vị trí thứ 12, trở thành quốc gia duy nhất rớt khỏi Top 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Phân tích của CNBC cho thấy, quốc gia Nam Mỹ này sẽ nằm ngoài Top 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới cho đến ít nhất là năm 2023.
Brazil hiện có số ca nhiễm lớn thứ 3 trên toàn cầu và đứng thứ hai về tổng số người chết do Covid-19. Tuy nhiên, Tổng thống nước này vẫn hạ thấp mối đe dọa từ Covid-19 và nhiều lần từ chối việc áp lệnh phong tỏa đất nước để kiểm soát đại dịch.
Theo IMF, nền kinh tế Brazil đã giảm 4,1% trong năm ngoái, dự đoán năm nay sẽ tăng trưởng ở mức 3,7%.
Hàn Quốc lọt vào Top 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới
Năm ngoái, Hàn Quốc đã thay thế Brazil trở thành nền kinh tế lớn thứ 10 thế giới. Phân tích của CNBC cho thấy, Hàn Quốc sẽ duy trì thứ hạng này ít nhất là đến năm 2026.
Hàn Quốc là một trong những quốc gia sớm nhất (ngoài Trung Quốc) ghi nhận các ca lây nhiễm Covid-19 vào đầu năm 2020. Tuy nhiên, nước này đã thành công trong việc ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 vào năm ngoái. Việc kiểm soát tốt đại dịch cùng với tăng trưởng trong xuất khẩu chất bán dẫn đã đưa nền kinh tế Hàn Quốc giảm ở mức khiêm tốn 1% trong năm 2020.
Trong một báo cáo phát ra tuần trước, các nhà kinh tế từ công ty tư vấn Capital Economics cho biết, bất chấp đại dịch, các lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu của nước này vẫn tăng trưởng mạnh mẽ.
IMF dự đoán, nền kinh tế Hàn Quốc có thể tăng ở mức 3,6% trong năm nay.