Mất hơn 8.500 tỷ đồng, người giàu nhất Việt Nam vẫn khiến triệu người choáng ngợp

(Dân trí) - Trong hai phiên sụt giảm của cổ phiếu VIC, tài sản trên sàn chứng khoán của ông Phạm Nhật Vượng đã hao hụt hơn 8.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, với mức giá hiện tại, Vingroup vẫn vượt xa các doanh nghiệp khác trên sàn với vốn hoá đạt 287.565 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần 16/11, mặc dù đạt được mức tăng 1,04 điểm (tương ứng 0,12%) lên 898,19 điểm nhưng chỉ số chính VN-Index vẫn lùi bước trước mốc quan trọng 900 điểm. Trong phiên, có lúc chỉ số này đã đạt gần 902 điểm.

Trên sàn HSX ghi nhận 175 mã tăng so với 128 mã giảm, trong khi đó con số này trên sàn HNX là 79 mã tăng và 74 mã giảm. Với sự ủng hộ của các mã lớn, HNX-Index tăng điểm tương ứng 1,98% lên 103,01 điểm.

Thanh khoản đạt 160,63 triệu cổ phiếu tương ứng 3.446,71 tỷ đồng trên HSX và 33,78 triệu cổ phiếu tương ứng 480,92 tỷ đồng trên HNX.

Dù giá cổ phiếu sụt giảm, ông Phạm Nhật Vượng vẫn đang sở hữu khối tài sản khổng lồ
Dù giá cổ phiếu sụt giảm, ông Phạm Nhật Vượng vẫn đang sở hữu khối tài sản khổng lồ

Cổ phiếu ngân hàng tiếp tục góp công lớn cho VN-Index và trở thành động lực tăng điểm của thị trường. Dẫn đầu là BID với mức tăng 1.200 đồng đã đóng góp 1,28 điểm cho chỉ số. Ngoài ra, VPB, HDB tăng trần lần lượt đóng góp xấp xỉ 1 điểm và 0,6 điểm cho VN-Index. Bên cạnh đó, CTG, MBB, CTB cũng tăng giá khá mạnh.

Mức tăng trần mạnh mẽ từ VPB và HDB đến từ thông tin lãnh đạo các ngân hàng này ra sức gom mua cổ phiếu. Tại VPBank, chủ tịch ngân hàng này là ông Ngô Chí Dũng đăng ký mua vào 8 triệu cổ phiếu. Cùng với đó, bà Vũ Thị Quyên – mẹ ruột ông Dũng cũng đăng ký mua 13 triệu cổ phiếu. Thời gian giao dịch dự kiến từ 21/11 đến 21/12 thông qua khớp lệnh trên sàn.

Trong khi đó, tại HDBank, tổng giám đốc ngân hàng này là ông Nguyễn Hữu Đặng cũng đăng ký mua vào 500 nghìn cổ phiếu và Phó Tổng giám đốc Trần Hoài Nam đăng ký mua vào 200.000 cổ phiếu.

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán hôm nay lại bị kìm hãm đáng kể bởi VHM, VIC và VNM. Trong đó, riêng VHM giảm 4.300 đồng đã lấy đi của chỉ số 4,48 điểm, thiệt hại từ VIC là 1,59 điểm và VNM là 1,08 điểm.

VIC phiên này giảm 1.600 đồng tương ứng 1,7% còn 90.100 đồng. Vốn hoá thị trường của Vingroup hiện đạt 287.565 tỷ đồng. Trong hai ngày, mã này sụt giảm tổng cộng 4.600 đồng khi trước đó đã giảm 3,2% vào ngày 15/11. Qua đó khiến tài sản trên thị trường chứng khoán của tỷ phú Phạm Nhật Vượng giảm 8.579,9 tỷ đồng.

Mặc dù đã hao hụt đáng kể tài sản tuy nhiên thống kê tài sản cổ phiếu mà người đàn ông giàu nhất Việt Nam đang sở hữu tại VIC vẫn còn tới 168.054 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng tài sản ròng mà ông Vượng đang có theo cập nhật của Forbes là 6,2 tỷ USD, xếp thứ 250 trên thế giới.

Mới đây, sau khi gây ấn tượng mạnh với những mẫu xe độc đáo của VinFast tại triển lãm Paris Motorshow, ngày 7/11, Vingroup tiếp tục khiến dư luận nức lòng với việc thành lập công ty Việt Nam Grand Prix vốn 1.000 tỷ đồng để tổ chức giải đua xe F1, dự kiến tổ chức lần đầu vào tháng 4/2020 tại khu Mỹ Đình.

Vingroup vẫn đang dẫn đầu thị trường về quy mô vốn hoá (nguồn: VDSC)
Vingroup vẫn đang dẫn đầu thị trường về quy mô vốn hoá (nguồn: VDSC)

Về diễn biến của thị trường, theo nhận định của BVSC, lực cầu giá thấp đã nhen nhóm ở một số nhóm cổ phiếu giảm mạnh như ngân hàng, thép… giúp cho các cổ phiếu này hồi phục tăng điểm trở lại. Tuy nhiên, BVSC cho rằng, đây nhiều khả năng chỉ là diễn biến hồi phục ngắn hạn và mang tính kỹ thuật.

Sau khi để mất vùng hỗ trợ quanh 905 điểm, diễn biến của thị trường nhiều khả năng sẽ có sự chuyển biến xấu hơn trong ngắn hạn.

Trong một vài phiên tới, dự báo thị trường sẽ nhận được sự hỗ trợ từ vùng hỗ trợ 889- 895 điểm. Chỉ số có thể sẽ cho phản ứng hồi phục kỹ thuật từ ngưỡng hỗ trợ này trước khi đối mặt với nguy cơ phá đáy 880-885 điểm.

Mai Chi

Mất hơn 8.500 tỷ đồng, người giàu nhất Việt Nam vẫn khiến triệu người choáng ngợp - 3