Mất đơn hàng vì không trả lời email!

(Dân trí) - Doanh nghiệp Việt Nam thường hay mắc phải 2 vấn đề là đưa ra giá chào quá gấp hoặc không trả lời lại email hỏi giá của họ.

Điểm yếu của doanh nghiệp Việt khi tiếp cận với các thị trường lớn hơn thì thường rất lo ngại và tự ti rằng mình không cạnh tranh được.
Điểm yếu của doanh nghiệp Việt khi tiếp cận với các thị trường lớn hơn thì thường rất lo ngại và tự ti rằng mình không cạnh tranh được.

Phát biểu tại toạ đàm về cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) diễn ra chiều ngày 14/9, ông Nguyễn Văn Thân - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ cho hay, với hàng loạt FTA đã và đang chuẩn bị kí kết sẽ giúp mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam nhưng đồng thời cũng là sân chơi khá mới mẻ nên doanh nghiệp còn bỡ ngỡ, chưa nắm rõ những khó khăn cũng như thuận lợi.

Chia sẻ tại toạ đàm, ông Phạm Khắc Tuyên - Trưởng phòng Đông Bắc Á - Vụ thị trường châu Á Thái Bình Dương chia sẻ, điểm yếu của doanh nghiệp Việt khi tiếp cận với các thị trường lớn hơn thì thường rất lo ngại và tự ti rằng mình không cạnh tranh được. Tác phong làm việc thiếu chuyên nghiệp cũng như khó khăn về ngôn ngữ cũng là rào cản của doanh nghiệp trong nước khi đàm phán với đối tác nước ngoài.

Ông Tuyên nêu ví dụ, khi một doanh nghiệp Hàn Quốc muốn đặt hàng, doanh nghiệp Việt Nam thường hay mắc phải 2 vấn đề là đưa ra giá chào quá gấp hoặc không trả lời lại email hỏi giá của họ. Một vấn đề nữa là khi đã nhận được đơn hàng rồi thì chất lượng các đơn hàng giao cho khách cũng không được đồng đều, chỉ được 2-3 đơn hàng đầu là tốt.

“Các doanh nghiệp khi tham gia giao dịch với các doanh nghiệp như Hàn Quốc phải lưu ý ngay từ khâu trao danh thiếp, nhận danh thiếp, trân trọng đọc tên họ để họ cảm thấy rằng họ được tôn trọng và cảm thấy đối tác có tư duy làm ăn chuyên nghiệp. Kế đó, tới khâu trả lời email, không nên quá vội vàng mà trả lời quá cao hoặc quá thấp, sau phải điều chỉnh dễ gây mất niềm tin mà nên đưa ra mức giá chào sau khi đã nghiên cứu các đối thủ khác”, ông Tuyên nói.

Đại diện Bộ Công Thương, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Xuất nhập khẩu cũng cho rằng, doanh nghiệp trong nước có quy mô vốn nhỏ, hạn chế về kiến thức, kinh nghiệm, trình độ quản lý cũng như khả năng tiếp cận thị trường.

“Trong quá trình hội nhập, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với cạnh tranh cả trong và ngoài nước, khả năng vận dụng những ưu đãi của FTA cũng hạn chế. Việt Nam còn thiếu vắng những doanh nghiệp đầu tàu, mũi nhọn để vươn ra chiếm lĩnh thị trường thế giới, nền kinh tế cũng dễ bị tổn thương trước biến động của thế giới khi phụ thuộc vào thị trường bên ngoài”, ông Hải nói.

Doanh nghiệp có dám “liều” để phát triển?

Trao đổi về những cơ hội mà FTA mang lại, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng, do gần gũi về địa lý nên xuất khẩu có xu hướng gắn bó với khu vực Đông Á, việc ký kết hàng loạt FTA với khu vực này càng làm lệch cán cân thương mại, vốn chiếm tới 60-70% kim ngạch. Do đó, việc đàm phán FTA với các nước như Chile, EU, Liên minh Á Âu hay TPP sẽ giúp Việt Nam đa dạng hoá thị trường và hạn chế rủi ro khi phụ thuộc quá nhiều vào 1 thị trường lớn.

Theo ông Khánh, các nước như Mỹ, EU hay Nga… đều là thị trường có sức mua lớn, giúp xuất khẩu có điều kiện tăng nhanh hơn, cải thiện cơ cấu xuất nhập khẩu. Cơ cấu hàng hoá của các thị trường này bổ sung cho Việt Nam chứ không cạnh tranh, giúp gia tăng lợi ích hơn là ký kết các FTA với các đối thủ cạnh tranh như Trung Quốc hay ASEAN.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, để tận dụng được cơ hội mà các FTA mang lại, còn phải xem Việt Nam đặt mình ở đâu trong xu hướng toàn cầu hoá này. Bên cạnh đó, cần lưu ý tới việc Việt Nam có động cơ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước và thúc đẩy quá trình đổi mới, cải cách hay không.

“Về các FTA, thuế quan sẽ có độ mở cao khi gần như sẽ xoá bỏ hết theo lộ trình. Thách thức lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam là về cạnh tranh, đặc biệt là với những lĩnh vực mà vị thế cạnh tranh chưa được mạnh như chăn nuôi”, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) nhấn mạnh.

Còn theo TS Võ Trí Thành: “Việt Nam là anh hùng hay liều khi chưa xong WTO đã nhảy vào 15 FTA khác? Tôi nghĩ liều cũng thể hiện một phần anh hùng. Bởi chúng ta phải chấp nhận chọn rủi ro để phát triển hoặc không rủi ro và đứng yên tại chỗ”.

TS Thành phân tích thêm, để phát triển trong bối cảnh hội nhập sâu và rộng như hiện nay, doanh nghiệp Việt phải chú trọng tới khâu sử dụng người tài, phát triển công nghệ tốt nhất. Tiếp đó, phải quan tâm tới tài chính, tiền và quản trị rủi ro cũng như hiểu biết về pháp luật để bảo vệ chính mình. Ông cũng lưu ý tới việc phát triển thị trường ngách khi Việt Nam mở cửa cho các doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư trong nước.

“Nhiều ngành có cơ hội phát triển nhưng chưa phải là tất cả cơ hội. Cơ hội là vô tận! Samsung xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch của Việt Nam, doanh nghiệp mình làm bao bì cho họ, cung cấp dịch vụ logistic, công nghiệp hỗ trợ, thậm chí làm du lịch, xây nhà cho công nhân thuê cũng là tham gia xuất khẩu một phần rồi!”, ông Thành nói.

Phương Dung

Mất đơn hàng vì không trả lời email! - 2