1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Doanh nghiệp sợ hội nhập vì... quá nhiều thông tin

(Dân trí) - Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, nhiều doanh nghiệp sợ hội nhập bởi phải tiếp xúc với quá nhiều thông tin trái chiều dẫn đến bị rối, không biết lựa chọn "món" gì phù hợp với mình.

hoi-nhap-1441699410198
"Thông tin, ý kiến nhiều chiều khiến doanh nghiệp bây giờ giống như người lần đầu vào ăn buffet, nhiều quá không biết chọn món gì, đôi khi thấy hoảng", lãnh đạo Bộ Công Thương nói.

Trao đổi với báo chí mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chia sẻ, Việt Nam được thế giới đánh giá là quốc gia tích cực trong việc đàm phán và chủ động hội nhập quốc tế (trong đó có hội nhập quốc tế về kinh tế). Bộ Công Thương ngoài việc chủ động và tích cực tham gia đàm phán còn chủ động trong việc cung cấp thông tin về kết quả Đàm phán của các Hiệp định đã được ký kết, thậm chí kể cả các Hiệp định sẽ được ký kết trong tương lai gần (ví dụ như: FTA Việt Nam – EU, TPP...).

Lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định, phần lớn các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may, nông lâm thủy sản, vận tải... chắc chắn sẽ vui mừng vì được hưởng lợi rất nhiều từ các FTA đã và sắp được ký kết.

Về việc cung cấp thông tin của các Hiệp định thương mại tự do, theo ông Hải, đối với các Bộ, ngành tham gia đàm phán (trong đó có Bộ Công Thương) thì quan trọng nhất là soạn tài liệu thông tin chính thức (với yêu cầu đầy đủ, dễ hiểu, chi tiết cho từng thị trường, mặt hàng, từng dòng thuế...), sau đó sẽ cung cấp, phổ biến ( tổ chức hội thảo, tọa đàm, cung cấp thông tin dưới dạng ấn phẩm, cũng như phần mềm...) đến các đối tượng quan tâm (Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp...).

Trước lo ngại rằng hiện nay doanh nghiệp còn sợ hội nhập do thiếu thông tin hội nhập, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành về Hội nhập kinh tế quốc tế Trịnh Minh Anh cho rằng, các thông tin về hội nhập không hề thiếu.

"Tôi xin trích dẫn câu nói: “Thông tin hội nhập rất sẵn có trên cổng thông tin các bộ, ngành, từ nội dung cam kết của các FTA đã ký cho đến các FTA đang đàm phán và các thông tin khác về các cơ hội, thách thức”. Đây là câu nói của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vào chiều ngày 28/8 tại hội nghị trực tuyến do 3 Phó Thủ tướng chủ trì tại Văn phòng Chính phủ. Sau khi nghe các phàn nàn về thiếu thông tin hội nhập, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã truy cập ngay vào các trang web của Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan và trả lời như vậy", ông Minh Anh dẫn chứng.

Ông Minh Anh cũng cho rằng, ở bất cứ giai đoạn nào, nước nào cũng có doanh nghiệp sợ hội nhập. Tuy nhiên, hội nhập bây giờ khác với 8 năm trước khi Việt Nam vào WTO. Trước kia khi vào WTO thì thông tin điện tử, mạng, báo, đài không nhiều như bây giờ. Khi đó chỉ có Bộ Thương mại, Bộ Tài chính và một số bộ chủ chốt tham gia đàm phán, dẫn dắt đàm phán thì đưa ra thông tin chính thống. Những cam kết về đàm phán lúc đấy đã đưa ra là chính thống, ít nhưng chất lượng, trọng tâm trọng điểm.

Trong khi đó, hiện nay, thông tin phát triển, báo đài đưa tin rất nhanh. Các bộ ngành cũng tích cực đưa tin tình hình đàm phán, cam kết hội nhập. Các phóng viên cũng rất tích cực truy cập các thông tin từ các tổ chức khác nhau trên thế giới như WB, IMF... thậm chí cả các trang không chính thức như Wikileaks, trích dẫn ý kiến nhiều chiều của các chuyên gia khác nhau...

"Thông tin, ý kiến nhiều chiều khiến doanh nghiệp bây giờ giống như người lần đầu vào ăn buffet, nhiều quá không biết chọn món gì, đôi khi thấy hoảng. Bởi vậy, doanh nghiệp hiện giờ sợ là vì nhiều thông tin và bị rối thông tin", ông nói.

Bên cạnh đó, vị này cho rằng, hiện không riêng gì Bộ Công Thương, Bộ Tài chính... mà nhiều cơ quan, tổ chức tư nhân, viện, trường… cũng đăng tin, tổ chức các hội thảo, lớp đào tạo, phổ biến thông tin hội nhập. Tại nhiều hội thảo, có khi đưa thông tin quá chi tiết, diễn giả khi trình bày về hiệp định thì phân tích rất kỹ từng dòng thuế, từng điều khoản cam kết.

"Có nhiều loại hình doanh nghiệp khác nhau tham dự một lớp học mà đưa vào nội dung quá chi tiết không liên quan nhiều là người ta nản. Có hội thảo, hay chuyên gia thì truyền tải thông tin theo kiểu “hội nhập có rất nhiều cam kết khó thực hiện, doanh nghiệp yếu hội nhập là chết, nguy hiểm lắm, thách thức nhiều lắm trong khi cơ hội chưa thấy đâu... Cả hai kiểu nêu trên đều gây hoang mang cho doanh nghiệp", ông nói thêm.

Phương Dung

 

Doanh nghiệp sợ hội nhập vì... quá nhiều thông tin - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm