Doanh nghiệp Việt, mãi cứ "nhỏ li ti" thì hội nhập làm sao!?
(Dân trí) - “Chúng ta đang có quá nhiều doanh nghiệp (DN) nhỏ, cỡ bé li ti, trong khi lại quá ít những DN cỡ vừa. Nếu mãi cứ nhỏ li ti mà thiếu những “tay đấm” đủ mạnh, chúng ta sẽ hội nhập sao đây!?
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: * Đà Nẵng: Đại gia ôm đất vàng 10 năm làm bãi rác * 7.000 tỷ: Giấc mơ 100 năm của 'đại gia' xứ Nghệ * Xem xét thu hồi các dự án ven biển chậm trễ triển khai * Hàng Trung Quốc chỉ được quá cảnh ở Việt Nam tối đa 120 ngày |
Theo TS Doanh, Việt Nam ngày càng hội nhập mạnh mẽ, các hàng rào bảo hộ thị trường sẽ phá bỏ và sân chơi ngày càng phẳng - đồng nghĩa sẽ gay gắt, quyết liệt hơn trước rất nhiều. Nếu quy mô nền kinh tế chỉ toàn các DN cỡ nhỏ, thiếu và rất ít DN cỡ thì cơ hội “đấu tay bo” hoặc đàm phán “bắt tay” hợp tác của các DN ngoài sẽ càng thất thế.
Đóng góp hơn 40% GDP, 30% thu ngân sách và 30% sản lượng công nghiệp hằng năm nhưng các DN nhỏ vừa của Việt Nam chỉ có số vốn hoạt động chỉ chiếm 30% tổng vốn hoạt động của các loại hình DN
Trích dẫn báo cáo về tình hình DN nhỏ và vừa được Hiệp hội DN nhỏ và vừa và Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố gần đây, TS Doanh khẳng định: Việt Nam đang có khoảng 500.000 DN nhỏ và vừa, đóng hơn 40% GDP, 30% thu ngân sách và 30% sản lượng công nghiệp. Khu vực này đang giải quyết khoảng 80% lao động Việt Nam.
Tuy nhiên, hiện số vốn hoạt động của các DN này chỉ khoảng 120 tỷ USD, chỉ chiếm 30% tổng vốn hoạt động của các DN. Nhiều DN nhưng ít, điều đó cho thấy quy mô của khu vực này đang gặp khó.
Đồng tình với quan điểm trên, TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI khẳng định: “DN lớn của Việt Nam chỉ chiếm 2%, DN cỡ vừa vừa cũng chỉ dưới 10%, còn lại là các DN nhỏ, siêu nhỏ, hộ gia đình. Nếu ở trong một ngành, muốn cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ là các tập đoàn xuyên quốc gia, doanh nghiệp có vốn lớn thì DN Việt Nam sẽ gặp bất lợi. Còn muốn bắt tay để được vào chuỗi cung ứng, sản xuất sản phẩm toàn cầu, đòi hỏi các DN Việt phải thoát kiếp “nhỏ” cả về quy mô lẫn năng lực tài chính. Rất khó để các TNCs nước ngoài “xứng ý, toại lòng” bắt tay với DN nhỏ khi họ tồn tại vấn đề trên”.
Trong một báo cáo về tình hình các DN nhỏ và vừa mới đây Viện CIEM cho biết, có đến 70% DN nhỏ, vừa không tiếp cận được vốn để duy trì sản xuất kinh doanh. Các DN này hoạt động thâm dụng vốn, nhân công rẻ và khai thác tài nguyên đến 80%. Gia công, hợp đồng phụ trong ngành dệt may chiếm 2/3 số đơn hàng của các DN trong nước.
Theo TS Doanh, “hơn ai hết, khu vực DN nhỏ và vừa đang tạo ra nhiều của cải, công ăn việc làm nhưng họ đang đứng trước nhiều thách thức nhất. Nguy cơ “bị ức chế” phải rời bỏ thị trường và không có vốn để sản xuất. Các DN phụ thuộc quá nhiều vốn đi vay, rủi ro tài chính lớn do cân đối kinh tế vĩ mô, tỷ giá có nhiều biến động, trong khi những hỗ trợ của Nhà nước chưa thực sự thiết thực”.
Còn chuyên gia Phạm Chi Lan khẳng định, “Để cạnh tranh toàn bộ nền kinh tế, không chỉ trông chờ vào 2% DN lớn, tầm cỡ mà cần dựa vào những DN nhỏ, vừa làm mắt xích liên kết. Chẳng đâu xa, Nhật Bản là nước có chính sách ưu đãi rất lớn DN nội địa, từ thời Minh Trị Duy Tân, đến sau Thế chiến 2 và đến ngày nay. Các chính sách của Nhật Bản như ưu tiên bảo hộ thị trường, chính sách vay không lãi suất, mở hướng đầu tư của hàng loạt DN nhỏ theo kiểu “tập đoàn cá mập” sang các nước khác… Chính vì nỗ lực rất lớn mà nay các DN nhỏ, truyền thống của họ đã trở thành những tên tuổi hàng đầu thế giới”.
Để giải quyết bài toán cho DN nhỏ, theo TS Lê Đăng Doanh, các DN nhỏ của Việt Nam cần thoát kiếp “nhỏ”, chuyển sang quy mô vừa.
“Hai thách thức mà DN Việt Nam gặp phải trong hội nhập là tăng cường về quy mô sản xuất và cải thiện năng lực tài chính. Thị trường đang được quyết định về người mua, nơi họ có nhu cầu và sắn sàng sử dụng các sản phẩm thay thế, các DN cần đổi mới sản phẩm theo thị hiếu tiêu dùng cùng mở rộng kênh bán hàng. Thứ hai là năng lực tài chính của các DN nhỏ đang rất yếu, chỉ cần mất thị trường, khủng hoảng cân đối tài sản là họ có thể chuyển từ DN nhỏ xuống quy mô siêu nhỏ, hộ gia đình, thậm chí phá sản ngay”.
Theo TS Doanh về lâu dài, bài toán vốn với các DN này không thể “ăn đong, giật gấu vá vai” được, các DN nhỏ và vừa cần có cơ chế quản lý rủi ro tài chính các dự án, sản phẩm ở các DN nhỏ đề phòng những trường hợp rủi ro vẫn có phương án bảo toàn.
Tuy nhiên, khác với quan điểm của các chuyên gia trên, TS Võ Trí Thành Phó Viện trưởng Viện CIEM cho rằng: Các DN nhỏ và vừa luôn rất nhạy cảm với thời cuộc và có thể thay đổi nhanh chóng. “Hội nhập sẽ tạo sân chơi phẳng cho phát triển, cơ hội có nhưng thách thức cũng có, anh không thể đòi tất cả lợi cho mình và bất lợi cho người khác. Chính những cái bất lợi, nếu nhận ra được trước sẽ có lợi để thay đổi, thích nghi và xoay chuyển thành điểm lợi. Hội nhập và cạnh tranh sẽ là cuộc chơi công bằng nhất, nơi các DN được thanh lọc bởi sức mạnh thị trường và cơ chế mới, tốt hơn cho tổng thể. Các DN nào cạnh tranh và tồn tại, sẽ là những hạt nhân tốt cho Việt Nam”, Ts Thành khẳng định.