1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Masan muốn mua lại toàn bộ công ty sở hữu mỏ Núi Pháo

(Dân trí) - Công ty CP Tập đoàn Masan (MSN) vừa công bố kế hoạch chào mua công khai toàn bộ cổ phiếu phổ thông đang lưu hành của CTCP Tài nguyên Masan – Masan Resources (MSR) thông qua công ty con là CTCP Tầm nhìn Masan (MH).

Thương vụ Masan mua lại dự án Núi Pháo hồi năm 2010 vẫn được xem là một thương vụ M&A kéo dài thời gian và phức tạp nhất từ trước đến nay với một loạt các giao dịch phát hành hối phiếu nhận nợ, quyền chọn mua, quyền chọn bán.
Thương vụ Masan mua lại dự án Núi Pháo hồi năm 2010 vẫn được xem là một thương vụ M&A kéo dài thời gian và phức tạp nhất từ trước đến nay với một loạt các giao dịch phát hành hối phiếu nhận nợ, quyền chọn mua, quyền chọn bán.

Theo kế hoạch, Masan sẽ chào mua toàn bộ cổ phiếu MSR với giá 15.500 đồng/cổ phiếu, ngang với mức giá khởi điểm khi lên sàn cách đây hơn 1 năm, để gia tăng tỷ lệ sở hữu hiện nay ở mức 72,7% lên 100%. Masan dự kiến đợt chào mua sẽ kết thúc trước quý 4/2016.

Kế hoạch chào mua công khai dự kiến sẽ áp dụng cho toàn bộ cổ đông phổ thông của MSR trên cơ sở tự nguyện, cho phép các cổ đông hiện hữu có thể hiện thực hóa khoản đầu tư của mình theo giá trị sổ sách của MSR hoặc tiếp tục tham gia vào giai đoạn phát triển chiến lược tiếp theo của MSR.

Hiện tại, Tập đoàn Masan thông qua Tầm nhìn Masan đang sở hữu 72,7% cổ phần tại MSR và Công ty MRC Ltd. - một quỹ đầu tư được đồng quản lý bởi Tập đoàn Đầu tư Fortress và Moubt Kellett sở hữu 20,04%. Ngoài ra, các cổ đông nhỏ lẻ còn lại với tỷ lệ không đáng kể. Mới đây, Công ty MRC Ltd đã thể hiện sự quan tâm tới việc bán lại cổ phần của mình trong đợt chào mua công khai này như là một phần kế hoạch tổng thể của quỹ trong việc tái cơ cấu các khoản đầu tư.

Masan dự định cấp vốn cho kế hoạch chào mua công khai của công ty con thông qua sự kết hợp giữa một khoản nợ 2 năm trị giá 35 triệu USD và phát hành 12 triệu cổ phiếu phổ thông với giá 95.000 đồng/cổ phiếu, cao gấp rưỡi thị giá hiện tại của cổ phiếu MSN. Ước tính, nếu đợt phát hành này diễn ra thành công, Masan sẽ thu về 1.140 tỷ đồng.

Liên quan tới dự án Núi Pháo, sau khi nhận được thông tin người dân huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên phản ánh Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo gây ô nhiễm môi trường, ngày 14/7, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Thái Nguyên về các vấn đề môi trường liên quan đến hoạt động của Công ty này.

Tại buổi làm việc trên, Bộ TN&MT đã thống nhất với đề xuất của UBND tỉnh Thái Nguyên sẽ tiến hành ngay việc thanh tra toàn diện về tài nguyên môi trường của Công ty Núi Pháo.

Bộ TN&MT cũng yêu cầu công ty Núi Pháo đánh giá toàn diện tác động tới môi trường, cuộc sống của người dân do các hoạt động của công ty gây ra. Đồng thời lập kế hoạch đầu tư, lắp đặt, vận hành hệ thống quan trắc liên tục, tự động đối với nước thải theo quy định.

Công ty Núi Pháo được thành lập năm 2004 và được cấp giấy phép khai thác năm 2005, thời điểm này đối tác nước ngoài là Tibron Canada đang nắm giữ 70% mỏ Núi Pháo, Việt Nam chỉ có 30%. Tuy nhiên, khủng hoảng kinh tế khiến Tibron năm 2007 đã bán lại Núi Pháo cho Quỹ đầu tư Dragon Capital, thế nhưng Dragon Capital cũng không thể lo liệu vốn để khai thác dự án và buộc phải tạm dừng khai thác vào năm 2008.

Năm 2010, Tập đoàn Masan tham gia vào dự án Núi Pháo với việc mua lại toàn bộ 70% cổ phần tại Công ty Núi Pháo từ tay Dragon Capital. Đến thời điểm hiện tại, Masan Group công bố đã nắm giữ 72,7% vốn tại dự án Núi Pháo.

Thương vụ Masan mua lại dự án Núi Pháo được xem là một thương vụ M&A kéo dài thời gian và phức tạp nhất từ trước đến nay với một loạt các giao dịch phát hành hối phiếu nhận nợ, quyền chọn mua, quyền chọn bán. Phải đến cuối năm 2013, thương vụ này mới chính thức được hoàn tất.

Để khai thác siêu dự án này, Masan đã thành lập tới 4 pháp nhân để tiếp quản dự án Núi Pháo, gồm Masan Horizon, Masan Resources, Masan Thai Nguyen Resources và Nui Phao Mining. Trong đó, Masan Resources (MSR) là công ty nắm vai trò đầu mối và Nui Phao Mining là công ty trực tiếp được cấp giấy phép khai thác thay cho liên doanh Nuiphaovica trước đây.

Phương Dung