Mang gà đồi, lợn cắp nách... đi hội nhập?
(Dân trí) - Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, các chuyên gia khuyến nghị ngành chăn nuôi Việt Nam nên ưu tiên vào các phân ngành không phải đối mặt với cạnh tranh gay gắt từ hàng ngoại nhập do thói quen dùng như thịt tươi hơn đông lạnh hoặc các sản phẩm mang tính đặc sản như gà thả đồi, lợn mán, lợn cắp nách…
Tại một Diễn đàn về chính sách nông nghiệp diễn ra mới đây, ông Okiura Fumihiko, Phó trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), sự phát triển của ngành chăn nuôi đang tụt lại so với các ngành khác trong nền kinh tế. Dự báo sẽ đối mặt với cạnh tranh khốc liệt hơn khi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết và chính thức có hiệu lực.
Ngành chăn nuôi yếu đủ đường
Cố vấn cao cấp của Tổ chức Oxfam tại Việt Nam thậm chí còn cho rằng, xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế nhiều hơn sẽ tác động mạnh tới kinh tế Việt Nam và đặc biệt là các hộ nông dân. Điều đáng lo ngại nhất là khi Việt Nam tham gia TPP sẽ xuất hiện tình trạng độc quyền, không đảm bảo quyền lợi của người chăn nuôi bởi TPP chỉ chủ yếu tập trung vào doanh nghiệp.
Nhìn nhận chi tiết hơn, TS Nguyễn Đức Thành, Việt trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, ngành chăn nuôi Việt Nam đầu vào đã không tự chủ được và ngày càng bị lấn át bởi các doanh nghiệp từ Trung Quốc, Thái Lan… Trong khi đó, đầu ra cũng bị cạnh tranh khốc liệt, không có thế mạnh xuất khẩu mà chỉ tiêu thụ trong nước.
"Với đặc điểm sản xuất nhỏ lẻ, lệ thuộc nhập khẩu, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm thấp, liên kết lỏng lẻo dẫn tới năng suất thấp, thức cạnh tranh yếu, bất lợi thế thương mại, ngành chăn nuôi được đánh giá là một trong những ngành chịu tác động mạnh khi Việt Nam gia nhập các Hiệp định thương mại tự do TPP, AEC”, ông Thành cho biết.
Báo cáo của VEPR cũng chỉ ra rằng sản xuất trong nước có xu hướng bị thu hẹp do cạnh tranh đến từ các nước TPP, đặc biệt là ngành thịt. Theo đó, thịt đông lạnh sẽ phát triển do yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm của người dùng ngày một tăng lên, thịt nóng ngoài chợ sẽ không đáp ứng được điều này.
"Đồng thời, người tiêu dùng, các nhà nhập khẩu sẽ được hưởng lợi trong khi người sản xuất, nhà nhập khẩu lớn bị thiệt hại do không cạnh tranh được với các mặt hàng từ nước ngoài. Sau TPP, dòng thương mại có xu hướng thay đổi theo mức cắt giảm thuế quan, chuyển sang nhập khẩu sữa bột từ NewZealand, trâu bò sống từ Úc và các sản phẩm thịt từ Mỹ", VEPR nêu.
Mang lợn cắp nách, gà đồi đi hội nhập
Phía VEPR cho rằng, để khắc phục những tồn tại kể trên, ngành chăn nuôi nên ưu tiên vào các phân ngành không phải đối mặt với cạnh tranh gay gắt từ hàng ngoại nhập do thói quen dùng như thịt tươi hơn đông lạnh hoặc các sản phẩm mang tính đặc sản như gà thả đồi, lợn mán, lợn cắp nách…
Bên cạnh đó, cần hỗ trợ các hộ chăn nuôi về vốn, đất đai để chuyển sang quy mô lớn hơn. Về vấn đề thị trường, doanh nghiệp phải tự chủ nhiều cần chương trình phối hợp cấp quốc gia khuyến khích tiêu dùng nội địa. Hỗ trợ tăng cường minh bạch thông tin thị trường, đề xuất có quy chuẩn về truy xuất nguồn gốc đầy đủ thông tin về sản phẩm, thành phần, ngành sản xuất, vùng nuôi, trại trồng…
Chia sẻ về giải pháp,TS. Đào Thế Anh, Hội khoa học phát triển nông thôn Việt Nam, Phó viện trưởng Viện Cây Lương thực và Cây thực phẩm nói cũng cho rằng: "Hiện nay, chúng ta nhập khẩu đồ chăn nuôi công nghiệp từ Trung Quốc song lại xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi quy mô nhỏ hàng sạch đi Trung Quốc. Do đó, tôi cho rằng nên khuyến khích chăn nuôi nhỏ lẻ phát triển đặc sản địa phương và tập trung vào thị trường trong nước”.
Nhiều chuyên gia cũng đồng quan điểm khi cho rằng, ngành chăn nuôi cần chú trọng tới thị trường trong nước để không bị thua ngay trên sân nhà.
“Thách thức lớn nhất là sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, giá thành cao, sản phẩm không có thương hiệu. Điểm nữa là cơ sở giết mổ nhỏ không đảm bảo an toàn thực phẩm, dịch bệnh nhiều, hầu như không kiểm soát nổi. Mở cửa thị trường thì sản phẩm phải sạch kể cả thị trường trong nước và quốc tế. Vấn đề quan tâm nhất hiện nay của người tiêu dùng là an toàn thực phẩm, tiếp đó là phải hạ giá thành sản phẩm”, một vị cho hay.
Ngoài ra, cũng cần đầu tư gỡ khó chính sách cho doanh nghiệp chăn nuôi thì mới hi vọng có thể đứng vững trên sân nhà. Đặc biệt là cơ chế tín dụng cần phải thay đổi theo hướng “đổ” thêm vốn cho doanh nghiệp trong ngành cũng như giảm lãi suất cho vay để nâng tính cạnh tranh.
“Rào cản lớn nhất của ngành chăn nuôi khi hội nhập là chính sách. Có mấy trăm ông buôn đất mà nhà nước có gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ, 50 nghìn tỷ trong khi hàng triệu hộ nông dân chăn nuôi lại không được gì. Ngoài ra cũng chú ý một số điểm như: tái cơ cấu ngành cũng rất chậm, các chính sách đào tạo ngành không có nhiều, giờ không còn trường nào đào tạo chuyên ngành chăn nuôi nữa, kỹ sư hay bác sĩ thú ý cũng chỉ lý thuyết chứ thực hành rất kém”, các chuyên gia nhìn nhận.
Phương Dung