1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Chi hơn 4 tỷ USD để nhập nguyên liệu, thức ăn chăn nuôi

(Dân trí) - Tổng cục Hải quan cho biết, 7 tháng đầu năm 2015, Việt Nam đã chi khoảng 4,1 tỷ USD chỉ để nhập khẩu các nguyên liệu, thức ăn phục vụ cho ngành chăn nuôi.

Cụ thể, ngành chăn nuôi trong nước đã chi khoảng 1,9 tỷ USD để nhập khẩu thức ăn thành phẩm cho gia súc, gia cầm tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2014; chi 824 triệu USD nhập đậu tương tăng 20% so với cùng kỳ năm 2014; chi 451 triệu USD nhập khẩu ngô phục vụ cho chế biến thức ăn chăn nuôi (TĂCN) trong nước.

nuoiga2-7e00d
Nhập thức ăn chăn nuôi tăng mạnh trong khi sản xuất mặt hàng này trong nước có dấu hiệu khó khăn và tổng lượng đàn gia súc, gia cầm trong nước vẫn phát triển "dậm chân tại chỗ"

Thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam là Achentina (chiếm 38%), Hoa Kỳ (17,5%); Brazil (7,0%) và Trung Quốc…

Trước đó, 6 tháng đầu năm 2015, Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết tổng lượng đàn trâu bò đang phát triển “dậm chân tại chỗ”, tổng đàn gia cầm chỉ phát triển vài % so với cùng kỳ năm trước.

Nhập khẩu nhiều TĂCN không phải do chăn nuôi trong nước phát triển mà là do nguồn cung trong nước bị hạn chế, nhiều DN nhỏ sản xuất TĂCN phải từ bỏ thị trường do không cạnh tranh được với DN ngoại... Trong 5 tháng đầu năm 2015, sản lượng sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước ước đạt gần 6,03 triệu tấn, chỉ tăng khoảng 5% so với cùng kỳ năm 2014.

Về nhập khẩu TĂCN, 5 tháng đầu năm 2015 có xu hướng tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2014. Tổng lượng các loại nguyên liệu nhập khẩu là trên 5,98 triệu tấn, tăng 17,3%, giá trị nhập khẩu 2,31 tỷ USD tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước.

Theo ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam: TĂCN tại Việt Nam còn đắt so với sản phẩm cùng loại ở các nước. Thị phần sản xuất TĂCN ở Việt Nam phụ thuộc lớn vào các doanh nghiệp ngoại, khi chiếm hơn 63% nguồn cung thị trường. Tuy nhiên, các DN này chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài hoặc từ công ty mẹ ở Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia…

Mới đây, theo các nghiên cứu và đánh giá tác động của Hội nhập quốc tế như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam là thành viên, các chuyên gia kinh tế đều khẳng định: ngành chăn nuôi Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức từ cạnh tranh thị trường và mở cửa hội nhập. Các khó khăn đó là tính liên kết chuỗi trong sản xuất thức ăn chăn nuôi yếu, nhập khẩu thịt ngày càng nhiều, quá lệ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu và TĂCN nhập khẩu hay hiện tượng nhiều sản phẩm chăn nuôi trong nước đang có dấu hiệu giảm phát…

Nguyễn Tuyền

Chi hơn 4 tỷ USD để nhập nguyên liệu, thức ăn chăn nuôi - 2