Mảng bán lẻ của Masan tiếp tục mang về lợi nhuận trong quý I
(Dân trí) - Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều biến động, Chính phủ giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay từ 8%. Các doanh nghiệp tiêu dùng bán lẻ như Masan dự kiến được hưởng lợi, đứng trước cơ hội nắm bắt xu thế để tăng tốc trong năm nay.
Động lực từ những tín hiệu lạc quan
Nghị quyết 77 do Chính phủ vừa ban hành, nhận định kinh tế toàn cầu tiếp tục đối mặt với thương chiến, xung đột địa chính trị và nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng. Trong nước, sản xuất nông nghiệp, cung ứng điện chịu rủi ro do thời tiết cực đoan.
Các yếu tố mới, khó lường từ bên ngoài lẫn bên trong đang tạo sức ép lên ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát, tỷ giá. Tuy nhiên, Chính phủ đề nghị các bộ, cơ quan, địa phương không bi quan, tận dụng cơ hội, tháo gỡ khó khăn để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay từ 8% trở lên, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Kết thúc quý I, GDP ghi nhận mức tăng 6,93%, mức cao nhất trong giai đoạn 2020-2025 khi cả 3 khu vực kinh tế chủ lực là nông nghiệp, công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, đều tăng trưởng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng tới 10,8% trong tháng cuối cùng của quý đầu năm và CPI tháng 3 tăng 3,13% so với cùng kỳ năm 2024.
Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao, Chính phủ vẫn kiên định mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% cho năm 2025, do đó, động lực tăng trưởng không thể chỉ dựa trên xuất khẩu. Tiêu dùng nội địa lúc này được xác định là một trong những trụ cột quan trọng nhất, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp tư nhân nói chung và khối doanh nghiệp bán lẻ nói riêng, trong đó có Masan.

Khách hàng mua sắm tại hệ thống cửa hàng siêu thị của WinCommerce.
Theo báo cáo đánh giá của Công ty chứng khoán VCB (VCBS), Tập đoàn Masan (MSN) dự kiến đạt doanh thu 19.600 tỷ đồng trong quý I, tăng khoảng 4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi lợi nhuận là 900 tỷ đồng, tăng tới 87%. VCBS dự đoán doanh thu năm 2025 của MSN là gần 85.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt gần 5.000 tỷ đồng, tăng trưởng tương ứng 2,1% và 16,5% so với năm 2024.
Đánh giá về các hoạt động của MSN, VCBS cho rằng MCH (Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan) có cơ hội mở rộng doanh thu nhờ tập trung vào phân khúc thực phẩm tiện lợi cao cấp, với giá bán cao hơn 0,5-1,5 lần và biên LNG cao hơn 10-15% so với sản phẩm thông thường. Kỳ vọng niêm yết lên sàn HOSE trong năm 2025 cũng sẽ làm tăng giá trị tập đoàn, tạo dòng tiền cho MSN giảm nợ và tái đầu tư vào ngành hàng cốt lõi.
MML (Masan MEATLife) và MHT (Masan High-Tech Materials, mã chứng khoán MSR) dự kiến hưởng lợi từ giá bán tăng của thịt heo, đồng và vonfram trong năm 2025, khi 85% lượng tồn kho đồng của MSR đã được bao tiêu và nhu cầu cao từ xe điện, năng lượng tái tạo cùng chính sách kiểm soát xuất khẩu của Trung Quốc.
Theo thông tin từ Masan, WCM (WinCommerce) dự kiến ghi nhận lợi nhuận sau thuế trước phân bổ cổ đông thiểu số (NPAT Pre MI) dương trong quý I. Tính đến tháng 3/2024, WCM ước tính đã mở mới 155 cửa hàng. Điều này cho thấy kế hoạch mở rộng trong năm 2025 của doanh nghiệp đang đi đúng với lộ trình đề ra. Hơn 90% số cửa hàng mới tập trung tại miền Bắc và miền Trung - những khu vực trọng điểm của WCM với mức độ thâm nhập thị trường cao và cạnh tranh thấp.
Các chuỗi siêu thị mini của WinCommerce dự kiến ghi nhận tăng trưởng mạnh mẽ doanh thu bình quân hàng ngày LFL (cùng cửa hàng) đạt 11% trong quý I so với cùng kỳ, với mô hình cửa hàng WiN và WinMart+ nông thôn (Rural) tăng lần lượt 9,1% và 16,7%. Doanh thu trung bình hàng ngày của cửa hàng WiN đạt 25,2 triệu đồng và 17,1 triệu đồng tại cửa hàng WinMart+ Nông thôn.
Tăng trưởng chủ yếu nhờ lưu lượng khách tăng, cho thấy mức độ gắn kết tiêu dùng cao và tiềm năng mở rộng mạng lưới của doanh nghiệp. Khu vực nông thôn, nơi chiếm hơn 60% dân số Việt Nam đang trở thành động lực tăng trưởng tiềm năng.
Tác động thuế quan dự báo không đáng kể
Trên thực tế, thuế đối ứng của Mỹ không gây nhiều tác động đến hoạt động kinh doanh của Masan do thị trường Hoa Kỳ chỉ đóng góp chưa đến 1% vào doanh thu của Masan Consumer, trong khi các sản phẩm chủ lực của Masan High-Tech Materials hiện được miễn trừ khỏi các biện pháp thuế quan đã công bố. Đồng thời, giá các mặt hàng thiết yếu tại chuỗi bán lẻ WinCommerce vẫn duy trì tính cạnh tranh so với các kênh phân phối khác trên thị trường.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã đề xuất mức thuế 0% đối với Mỹ, giúp giảm chi phí nguyên vật liệu cho các ngành thực phẩm tiêu dùng - lĩnh vực chủ lực của Masan. Đây được xem là yếu tố hỗ trợ tích cực trong việc kiểm soát chi phí và duy trì biên lợi nhuận sản xuất.

Giá các mặt hàng thiết yếu tại chuỗi bán lẻ WinCommerce vẫn duy trì tính cạnh tranh.
Mặc dù không bị ảnh hưởng đáng kể, ban lãnh đạo Masan cho biết vẫn chủ động theo dõi sát diễn biến từ phía Mỹ và thị trường toàn cầu, chuẩn bị các phương án linh hoạt về cấu trúc sản phẩm và chính sách giá để kịp thời thích ứng với mọi kịch bản có thể xảy ra.
Theo thông tin doanh nghiệp, trong mọi giai đoạn khủng hoảng, từ biến động tài chính toàn cầu đến dịch Covid-19, Masan đều duy trì được sự tăng trưởng ổn định cả về doanh thu và lợi nhuận nhờ bám sát chiến lược phụng sự người tiêu dùng Việt Nam.
Đại diện lãnh đạo Masan nhấn mạnh: "Ngại khó không phải là DNA của người Masan, đồng thời kêu gọi nội bộ giữ vững tinh thần "Dám chiến - Dám thắng", tiếp tục kiên định với tầm nhìn dài hạn, tập trung vào nền tảng tiêu dùng - bán lẻ và linh hoạt trước mọi biến động kinh tế".