Mãn nhãn với vườn cây bonsai dáng quái giữa “lưng chừng trời” ở Hà Nội
(Dân trí) - Hàng chục cây cảnh giá trị được cẩu lên tầng 11 của một tòa nhà trên đường Nghi Tàm (Hà Nội) khiến giới chơi cây nể phục.
Giới chơi cây cảnh nghệ thuật thường nhắc tới một vườn cây cảnh nghệ thuật “lưng chừng trời” ở giữa lòng Hà Nội của một đại gia nhìn chất phác. Bởi ông thường chỉ mặc quần sooc ngắn, đi dép như một nông dân thực thụ.
Ông chính là nghệ nhân Nguyễn Gia Thọ, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Sinh vật cảnh Việt Nam, Chủ tịch cây cảnh TP. Hà Nội. Trong giới Sinh Vật Cảnh Việt Nam mọi người thường gọi vui ông là “Thọ Nhựa” vì ông trưởng thành từ ngành nhựa
Ông Thọ là một người yêu cây cảnh nghệ thuật. Từ lâu ông đã đi khắp mọi miền đất nước để sưu tầm những cây quý, dáng quái đem về nhà chơi và tạo tác. Theo thời gian, ông đã hình thành cho mình một lối chơi riêng biệt, không giống bất kỳ nghệ nhân nào. Cây của ông sưu tầm rất đa dạng, từ sanh, si, đa, đề cho tới những cây ăn quả, song đặc điểm chung của những cây này là đều có dáng lạ và quái.
Những người chơi cây thường đặt cây ở mặt đất, nhưng riêng ông Thọ lại đặt vườn cây của mình trên tầng thượng của toà nhà. Vườn cây cảnh của ông được đặt trên tầng 11 của tòa nhà rộng lớn trên đường Nghi Tàm (quận Tây Hồ) do ông làm chủ. Từ khu vườn, có thể ngắm hồ Tây, sông Hồng, khung cảnh Hà Nội… với tiền cảnh là những cây cảnh, hình dạng quái dị rất đã mắt.
Ông Vương Xuân Nguyên, Chánh văn phòng Hội Sinh vật cảnh Việt Nam cho biết, rất hiếm người đặt vườn trên tầng 11 như thế bởi những cây nhỏ đưa lên cao đã khó, những cây lớn khó gấp nhiều lần. Gia chủ phải dùng cẩu chuyên dụng đưa cây, chậu đá lớn lên cao rất kỳ công, rất tốn công sức và tiền bạc.
Theo các chuyên gia về sinh vật cảnh, các cây trong vườn của ông Thọ đều có giá trị rất cao. Nhiều cây có giá nhiều tỷ đồng nhưng chủ yếu là cây ông mua chơi hoặc từ những cây lúc mua cũng không nhiều tiền nhưng ông Thọ đã phát hiện vẻ đẹp hiếm có của nó, về chăm sóc, tạo dáng thêm nên càng gia tăng phần giá trị. Nhưng chủ nhân của số cây tuyệt đẹp này thường không bán nên có nhiều cây cũng khó xác định giá trị đầy đủ của nó theo thị trường.
Trong các cuộc giao dịch mua bán cây của ông Thọ cũng diễn ra nhất nhanh chóng bởi ông thích là mua bởi ông hiểu được giá trị nghệ thuật cũng như giá trị công lao to lớn của người nghệ nhân làm ra cây cũng như câu chuyện ý nghĩa bên trong tác phẩm nên cây có đắt một chút ông vẫn “xuống tiền”
Ví như cây sanh cổ “ Thạch Sanh” ông Thọ mua của một đôi vợ chồng người Hải Dương với giá 4 tỷ đồng, có một số ý kiến chê đắt nhưng ông nói: “Tôi mua cả sự tâm huyết 20 năm người làm ra nó, trong tác phẩm thấy được sự thăng trầm của họ muốn gửi gắm. Mình thấu hiểu được tâm tư, tình cảm nên đắt rẻ không quan trọng vì đó là nghệ thuật bonsai – vô giá”.
Cùng Dân trí chiêm ngưỡng vườn cây trên cao trị giá “triệu đô” giữa lừng chừng trời ở Hà Nội: