Màn kịch đấu giá tài sản công

Chính phủ vừa đồng ý để bộ Tài chính xây dựng Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công nhằm siết chặt quản lý, tránh thất thoát những gì vốn thuộc về Nhà nước.


Quản lý đấu giá thanh lý tài sản nhà nước vẫn là chủ đề nóng hiện nay. Ảnh: Hồng Vĩnh

Quản lý đấu giá thanh lý tài sản nhà nước vẫn là chủ đề nóng hiện nay. Ảnh: Hồng Vĩnh

Màn kịch đấu giá

Đầu tháng 6, dư luận Hà Tĩnh xôn xao quanh việc bán đấu giá thanh lý 135 xe máy bị Công an huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) thu giữ. Lô xe có giá khởi điểm 115,6 triệu đồng. Hội đồng đấu giá của Công an huyện Can Lộc đã ủy quyền cho chi nhánh Cty CP Đấu giá Phú Quý tại Hà Tĩnh thực hiện đấu giá.

Tuy nhiên, nhiều người có nhu cầu mua xe tìm tới địa chỉ theo thông báo của Cty Phú Quý lại không thấy văn phòng ở đâu. Trong thời gian đăng ký tham gia đấu giá, rất nhiều cá nhân đã tìm cách liên lạc trực tiếp với lãnh đạo Cty Phú Quý nhưng câu trả lời cuối cùng chỉ nhận được là “lô xe đã bán!”. Trước sự việc lùm xùm này, Bộ Tư pháp đã gửi văn bản yêu cầu Sở Tư pháp Hà Tĩnh báo cáo vụ việc.

Vụ bán đấu giá quyền sử dụng đất của nhà nước tại lô đất số 3 Đặng Thái Thân (Hoàn Kiếm, Hà Nội) - trụ sở Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia cũng tai tiếng. Cty CP Đấu giá Thành An (Cty Thái An) được ủy quyền thực hiện thương vụ này. Tuy nhiên, Cty Thái An chỉ bán hồ sơ trong 2 tiếng đồng hồ (từ 14 - 16 giờ ngày 14/5/2015). Thậm chí, nhiều khách hàng tới trụ sở Cty Thái An đúng khung giờ trên cũng không mua được hồ sơ, vì “hồ sơ đã bán hết”.

Lập tức vào ngày 18/5/2015, Ban Quản lý Các dự án Khí tượng thủy văn (Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương) ra thông báo hủy hợp đồng ủy quyền bán đấu giá với Cty Thái An. Sau đó, Ban Quản lý Các dự án Khí tượng thủy văn lại ủy quyền thực hiện đấu giá cho Cty CP Đấu giá Bắc Trung Nam (Cty Bắc Trung Nam).

Cty Bắc Trung Nam lại tiếp tục gây lùm xùm, khi thông báo tổ chức đấu giá vào ngày 30/1/2016, đồng thời yêu cầu khách hàng nộp hồ sơ có kèm “phiếu đặt giá”. Ngày 1/6, Thanh tra Bộ Tư pháp đã công bố quyết định thanh tra việc chấp hành pháp luật về bán đấu giá tài sản của Cty Bắc Trung Nam.

Sở Tư pháp Hà Nội từng tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra công tác bán đấu giá tài sản tại một số tổ chức bán đấu giá trên địa bàn Hà Nội. Sở này đánh giá, “việc niêm yết, thông báo chưa đầy đủ nội dung đấu giá” rất có thể là một trong những thủ đoạn thông đồng dìm giá, đưa “quân xanh, quân đỏ” vào bán đấu giá và biến buổi đấu giá thành “màn kịch” được sắp đặt.

Hai bộ quản lý

Để siết chặt hơn nữa quản lý tài sản nhà nước, Bộ Tài chính đang xây dựng Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Trao đổi với PV Tiền phong, một lãnh đạo Bộ Tài chính lý giải về việc quản tài sản công: Hiện tài sản nhà nước chia thành 2 cấp, Bộ Tài chính chỉ quản lý tài sản đang xem là của nhà nước. Nhưng khi lãnh đạo các cơ quan sử dụng tài sản nhà nước quyết định thanh lý tài sản đó, thì phần thanh lý ra sao lại do Bộ Tư pháp quản lý, giám sát.

“Khi tài sản hết khấu hao, hết hạn sử dụng, tài sản đó sẽ được bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh thành và tương đương quyết định cho thanh lý. Khi bán tài sản phải lập hội đồng, tiến hành định giá theo giá thị trường thời điểm đó. Tiền bán nộp ngân sách nhà nước và hạch toán như nguồn thu ngân sách của năm đó”, vị lãnh đạo Bộ Tài chính nói. Ngân sách hằng năm sẽ được kiểm toán, kiểm tra, quá trình này sẽ xem xét việc thanh lý tài sản đó đúng hay không.

Với quản lý ô tô công, vị lãnh đạo Bộ Tài chính cho hay, hiện tại việc thanh lý ô tô công ra sao, tiền thu được bao nhiêu không thuộc thẩm quyền của bộ mà do Bộ Tư pháp thực hiện.

“Bộ Tài chính không quản lý mà chỉ nắm số lượng xe còn thuộc nhà nước là bao nhiêu, sử dụng thế nào, khi thanh lý có được làm đúng thủ tục không. Khi có quyết định đưa xe ra bán thanh lý, tài sản đó sẽ loại khỏi cơ sở dữ liệu quản lý công sản, khi đó chiếc xe sẽ nằm ngoài quyền quản lý của Bộ Tài chính. Việc bán thanh lý tài sản ra sao, giá thế nào, sẽ do Bộ Tư pháp giám sát”, đại diện bộ cho biết.

Theo Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước, tính tới 31/12/2015, tổng trị giá tài sản nhà nước là 1,031 triệu tỷ đồng (khoảng 47 tỷ USD).

TS Lê Đăng Doanh cho rằng, những ví dụ về lùm xùm đấu giá cho thấy việc quản lý, sử dụng tài sản công hiện nay đang có nhiều vi phạm, tùy tiện. Ông Doanh dẫn chứng trong quản lý và sử dụng xe công trước đây. “Không nước nào có chế độ xe công và quản lý dễ dãi như Việt Nam. Xe công bị sử dụng sai quy định, người không được dùng vẫn dùng, rồi dùng xe công vào mục đích cá nhân, đi lễ hội, giỗ chạp…”, ông Doanh nói. Ông Doanh cho rằng, việc quản lý xe công càng cần nghiêm túc, chặt chẽ.

Theo Lê Hữu Việt - Khánh Huyền
Tiền Phong