Ô tô công tăng thêm 171 chiếc dù nhiều nơi "thừa mứa"
(Dân trí) - Mặc dù lượng xe công dư thừa trên cả nước hiện nay khoảng 7.000 chiếc, song trong 6 tháng đầu năm 2016, tổng số ô tô công vẫn tăng thêm 171 chiếc, đó là chưa kể có nhiều bộ, ngành vẫn chưa có báo cáo về rà soát, sắp xếp xe ô tô công gửi Bộ Tài chính.
Theo thông tin được ông La Văn Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính đưa ra tại cuộc họp sơ kết vừa diễn ra, trong 6 tháng đầu năm, cả nước đã tăng 613 tài sản với tổng nguyên giá 1.501 tỷ đồng.
Trong đó, số ô tô công đã tăng thêm 171 chiếc, trong đó mua mới 56 chiếc và nhận điều chuyển 115 chiếc. Tuy nhiên, đến ngày 16/6 vẫn còn 8 trong số 43 bộ ngành và 18 trong tổng số 63 địa phương chưa có báo cáo về rà soát, sắp xếp xe ô tô công gửi Bộ Tài chính.
Ngoài ra, cũng theo Cục Quản lý công sản, tính từ ngày 1/1/2016 đến ngày 17/6/2016, khối bộ, ngành, cơ quan trung ương đã thực hiện điều chuyển 20 xe ô tô với tổng nguyên giá 12,33 tỷ đồng cho các bộ, ngành địa phương có nhu cầu sử dụng theo quy định; thực hiện thanh lý 264 xe ô tô phục vụ công.
Được biết, kết quả bước đầu đợt rà soát xe công của tất cả các bộ, ngành, địa phương mà Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính đang thực hiện cho thấy, lượng xe công dư thừa cả nước hiện nay khoảng 7.000 chiếc.
Một số bộ, ngành, địa phương dư thừa nhiều xe gồm có: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (thừa 176 xe), Bộ Công Thương (thừa 57 xe), hệ thống công đoàn của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam (thừa 82 xe), tỉnh Bình Thuận (thừa 29 xe), tỉnh Quảng Ninh (thừa 73 xe)...
Trong khi đó, tổng chi phí để nuôi khoảng 14.000 xe công hoạt động trong một năm bao gồm xăng xe, chi phí bảo dưỡng, tiền lương cho lái xe... khoảng 13.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tình trạng lạm dụng xe công đang diễn ra khá phổ biến. Không khó để thấy những chiếc xe biển xanh thường xuyên xuất hiện tại các đám cưới, đám giỗ, các sự kiện lễ hội, thậm chí là đi ăn nhậu, chở người nhà đi lại với mục đích cá nhân, cho mượn v.v...
Chính vì thế nên theo đánh giá của ông Nguyễn Sỹ Cương, đại biểu Quốc hội khoá XIII (mới tái cử khoá XIV), chi phí thực tế có thể lớn hơn rất nhiều với số tiền chi phí "nuôi xe" (xăng xe, chi phí cầu đường, lương lái xe...) lên tới hàng chục triệu đồng/tháng.
Để giảm thiểu chi phí xe công, hiện một số cơ quan đơn vị đã áp dụng cơ chế khoán xe công, có nơi đưa ra mức khoán 10 triệu đồng/tháng. UBND thành phố Hà Nội cũng đang dự kiến triển khai khoán xe công trong thời gian tới, ước tính tiết kiệm được 200 triệu đồng/xe/năm.
Tuy nhiên, cơ chế khoán này rất ít người tự nguyện sử dụng. Bởi, đi xe biển xanh ngoài việc được phục vụ đến tận nơi thì còn giải quyết được cả "khâu oai" cho các cán bộ, công chức nhà nước - điều mà nếu áp dụng chế độ khoán xe công không đáp ứng được.
Bích Diệp