Mắc kẹt với Nghị định 20, doanh nghiệp mong được bãi bỏ

(Dân trí) - Kể từ khi được ban hành vào tháng 2/2017, Nghị định 20/2017/NĐ-CP về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết đã gây ra nhiều áp lực đối với cộng đồng doanh nghiệp. Nhưng qua 2 nằm rõng rã với nhiều văn bản gửi lên Bộ Tài chính, doanh nghiệp vẫn mòn mỏi chờ đợi sẽ được cơ quan quản lý cứu, vì hàng nghìn tỷ đồng có thể “ra đi”, đưa doanh nghiệp đến bờ vực phá sản.

Mắc kẹt với Nghị định 20, doanh nghiệp mong được bãi bỏ - 1

Nghị định 20/CP được cho là có nhiều điểm gây vướng mắc với hoạt động doanh nghiệp (Ảnh minh họa)

Đang thua lỗ vẫn phải mệt mỏi chờ đợi

Sắp kết thúc năm tài chính 2019, hàng loạt thắc mắc, kiến nghị xoay quanh việc Doanh nghiệp bị khống chế tỷ lệ lãi vay với các bên liên kết lại nổi lên. Vấn đề gây vướng nhất của Nghị định 20 là việc khống chế tỷ lệ lãi vay. Khoản 3, Điều 8 quy định: "Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của Tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế" - tức 20% EBITDA. Khi đó, phần chi phí lãi vay vượt quá 20% sẽ bị coi là chi phí không hợp lý và bị tính thuế.

Quy dịnh này khiến hàng loạt doanh nghiệp “mắc kẹt” suốt 2 năm qua. Kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê cho thấy, đối với doanh nghiệp tư nhân trong nước, bình quân tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu vào khoảng 3/1, tức là cứ có 4 đồng vốn thì khu vực này chỉ có 1 đồng vốn chủ sở hữu, còn 3 đồng phải đi vay.

Tính toán dựa trên số liệu này cũng cho thấy tỷ suất lợi nhuận trên vốn của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước chỉ khoảng 1,12%. Như vậy có thể thấy Nghị định 20 sẽ khiến thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp cao hơn và lợi nhuận thật của doanh nghiệp bị giảm đáng kể, không ít doanh nghiệp bị lỗ nặng.

Trong khi đó, Nghị định này lại dường như không ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) – vốn là đối tượng chính mà Nghị định 20 nhắm đến để chống chuyển giá lại ít phải vay, tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của loại hình doanh nghiệp này chỉ là 1,8/1, thấp hơn khu vực trong nước rất nhiều, trong khi đó tỷ suất lợi nhuận trên vốn của khu vực FDI lại rất cao, gấp 5,4 lần khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước (6,5 so với 1,12).

Một trường hợp cụ thể đại diện cho khối doanh nghiệp tư nhân là CTCP Hoàng Anh Gia Lai cũng nguy cơ bị tăng lỗ sau thuế hơn 490 tỷ đồng vì Nghị định 20. Cụ thể, báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm 2019 của CTCP Hoàng Anh Gia Lai cho biết, nếu Tập đoàn thực hiện việc ước tính và ghi nhận chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng dẫn của Nghị định 20 cho kỳ kế toán bán niên, chỉ tiêu "thu nhập khác" sẽ giảm 335,3 tỷ đồng, chỉ tiêu Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành sẽ tăng 155,5 tỷ đồng, chỉ tiêu lỗ trước thuế và sau thuế sẽ tăng với số tiền lần lượt là 335,3 tỷ đồng và 490,6 tỷ đồng. Đồng thời, chỉ tiêu lỗ lũy kế và thuế các khoản phải nộp nhà nước tại ngày 30/6/2019 sẽ tăng cùng số tiền là 490,6 tỷ đồng.

Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cũng cho biết bản thân công ty mẹ phải nộp thêm 762 tỷ đồng thuế TNDN năm 2017 nếu khống chế trần chi phí lãi vay ở mức 20% EBITDA. Tương tự các công ty con của EVN cũng phát sinh thêm cả trăm tỷ tiền thuế phải nộp. Trong khi đó, bản chất các giao dịch liên kết có tính chất "cho vay lại" giữa EVN và các đơn vị thành viên được thực hiện theo quy định của Chính phủ và tuân thủ nguyên tắc giá thị trường.

Quy định trái luật thì cần bãi bỏ ngay

Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, khoản 3 điều 8 Nghị định 20 đang không phù hợp với Luật doanh nghiệp về nguyên tắc tự do kinh doanh, cũng như Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp về cách xác định chi phí, và đặc biệt cũng không phù hợp với thông lệ quốc tế.

Cụ thể, điều 7 Luật doanh nghiệp qui định quyền của doanh nghiệp là được “tự do kinh doanh trong các ngành nghề mà pháp luật không cấm”, tuy nhiên, qui định giới hạn về chi phí lãi vay của Nghị định 20 lại không tôn trọng quyền tự do kinh doanh, đồng thời triệt tiêu sự đầu tư và phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Việc quy định khống chế chi phí được trừ đối với lãi vay không vượt quá 20% lợi nhuận trước chi phí lãi, khấu hao áp dụng cho toàn bộ các khoản vay (từ bên liên kết và bên độc lập, ngân hàng thương mại) cũng là một quy định hoàn toàn mới không được quy định tại Luật Thuế TNDN.

Đặc biệt, Nghị định 20 là văn bản Qui định về quản lý thuế với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, tuy nhiên khoản 3 Điều 8 lại không có hướng dẫn cụ thể về giao dịch liên kết đặc thù dẫn đến việc áp dụng khống chế chi phí lãi vay theo Nghị định 20 cho tất cả các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, kể cả trường hợp không có giao dịch vay vốn từ các bên liên kết.

Trước những tiếng kêu cứu của doanh nghiệp, trong cuộc họp của Bộ Tài chính hồi tháng 7/2019, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho hay” Khống chế lãi vay tại Nghị định 20 chưa phù hợp, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Việc này Thủ tướng đã nhắc 3 lần. Tinh thần của Chính phủ vướng đến đâu gỡ đến đấy, không phải chờ sửa luật. Còn để Doanh nghiệp kêu rất nhiều mà không giải quyết là không được”.

Tuy nhiên, đã hơn một quý trôi qua, doanh nghiệp vẫn chưa thấy cơ quan quản lý có động tĩnh. Mong mỏi của doanh nghiệp chính là không phải chờ sửa luật mà cần được tháo gỡ ngay, bởi nếu tính khoản thuế của năm 2017, 2018 sẽ khiến doanh nghiệp thiệt hại hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng.

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico nhận định việc đưa ra trần chi phí lãi vay 20% tổng lợi nhuận là chưa hợp lý. Bởi theo quy định, các doanh nghiệp đều được khấu trừ các loại chi phí nếu là hợp lý, hợp lệ. Đặc biệt, hầu hết doanh nghiệp trong nước đều có chung đặc điểm là sử dụng nguồn vốn vay rất lớn. Thậm chí nếu có dự án khả thi với khả năng sinh lời cao thì ngân hàng có thể cho vay lên đến gần 100% cũng là bình thường. Vì vậy, quy định này sẽ khiến DN mất tính chủ động và cơ hội trong phát triển kinh doanh, mở rộng đầu tư sản xuất.

Ông Nguyễn Trần Nam – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho hay Khoản 3 điều 8 Nghị định 20 đã thủ tiêu động lực phát triển của doanh nghiệp, tạo ra chi phí vô lý, tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp. “Chính phủ giao Bộ Tài chính trả lời, Bộ Tài chính giao Tổng cục Thuế thì đại ý vẫn từ từ xem xét. Không biết từ từ thế nào nhưng việc thu thuế không từ từ. Doanh nghiệp thì rất sợ, nộp tiền vào rồi đố rút được ra”, ông nói.

Do vậy, các chuyên gia cho rằng cần xem xét bãi bỏ ngay Nghị định 20 bởi văn bản này đang đi ngược với Quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế TNDN cũng như thông lệ quốc tế và đang khiến doanh nghiệp mất đi động lực sản xuất, kinh doanh.

Nguyễn Hà