Lý do ô tô Ấn Độ giá rẻ, hút khách

Chính phủ Ấn Độ khuyến khích đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực ô tô và thường xuyên đưa ra chính sách mới để phát triển ngành kinh tế mũi nhọn này.

Mẫu xe sản xuất tại Ấn Độ, bán ra toàn cầu. Ảnh: Rediff.
Mẫu xe sản xuất tại Ấn Độ, bán ra toàn cầu. Ảnh: Rediff.

Chính phủ Ấn Độ đặt mục tiêu biến ngành sản xuất ô tô trở thành động lực chính của sáng kiến “Sản xuất tại Ấn Độ”. Theo kế hoạch hành động ô tô của Ấn Độ giai đoạn 2016-2026, thị trường xe con của nước này sẽ tăng gấp 3, đạt 9,4 triệu chiếc vào năm 2026.

Chính phủ Ấn Độ có kế hoạch thực hiện Chương trình Giao thông đô thị xanh mới với ngân sách khoảng 3,75 tỷ USD, nhằm phát triển vận tải đô thị cùng với việc cắt giảm phát thải carbon, giảm đáng kể tình trạng ô nhiễm không khí, cung cấp khuôn khổ tài trợ các dự án giao thông đô thị ở cấp quốc gia, bang và thành phố.

Chính phủ Ấn Độ có kế hoạch thúc đẩy việc sản xuất, sử dụng xe hơi thân thiện với môi trường, như xe chạy bằng khí thiên nhiên dạng nén, xe lai (hybrid) dùng cả xăng và điện, xe điện. Chính phủ đã lập ra Chương trình Đẩy nhanh sản xuất, ứng dụng xe điện và xe lai. Ở Ấn Độ, xăng bắt buộc phải pha 5% ethanol.

Ô tô nhỏ sẽ đắt khách

Ngành ô tô Ấn Độ được dự báo tăng trưởng 10-15%, đạt 16,5 tỷ USD vào năm 2021, so với mức 7 tỷ USD năm 2016. Đến năm 2026, ngành này có thể tạo thêm 65 triệu việc làm, đóng góp 12% GDP Ấn Độ.

Ấn Độ không sản xuất ô tô với 100% công nghệ, linh kiện của nước này, nhưng tỷ lệ nội địa lên tới 97%, ông Vicent Cobee, Phó giám đốc phụ trách thương hiệu Datsun của Nissan Motor (Nhật Bản), nhận định.

Hãng xe hàng đầu Ấn Độ Maruti Suzuki cho rằng, thị trường xe con Ấn Độ sẽ đạt 4 triệu chiếc vào năm 2020, tăng gấp đôi so với năm 2015.

Theo ông Guillaume Sicard, Chủ tịch Nissan India Operations, việc Ấn Độ giảm thuế thu nhập cá nhân từ 10% xuống còn 5% (đối với người có thu nhập quy đổi dưới 7.500 USD/năm) sẽ thúc đẩy doanh số xe hơi cỡ nhỏ.

Ông Young Key Koo, Giám đốc điều hành Hyundai Ấn Độ, nói rằng, Ấn Độ là thị trường trọng điểm của hãng, không chỉ về số lượng mà còn về xuất khẩu các sản phẩm nhỏ sang 92 nước trên thế giới.

Ông Joachim Drees, Tổng giám đốc điều hành toàn cầu của MAN Trucks & Bus AG (Đức), nhận định, Ấn Độ có tiềm năng lọt vào top 5 thị trường lớn nhất, ngoài châu Âu, của MAN Trucks & Bus AG vào năm 2020. Hãng xe này đã chỉ định các nhà quản lý dày dạn kinh nghiệm nhất tới Ấn Độ để tăng xuất khẩu.

Các hãng xe nước ngoài bạo chi

Từ tháng 4/2000 tới tháng 9/2016, ngành công nghiệp ô tô Ấn Độ thu hút xấp xỉ 15,8 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, theo số liệu của Cục Chính sách và Xúc tiến Công nghiệp nước này. Mấy tháng qua, một số hãng xe ở Ấn Độ bắt đầu tăng tốc đầu tư để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu liên tục tăng.

Tập đoàn KIA Motors của Hàn Quốc đang lựa chọn địa điểm để xây dựng nhà máy đầu tiên ở Ấn Độ với vốn đầu tư 1 tỷ USD. KIA đang cân nhắc địa điểm ở bang Andhra Pradesh hoặc bang Maharashtra và nhà máy sẽ được đưa vào hoạt động vào cuối năm 2018 hoặc đầu năm 2019.

Nhiều nhà sản xuất ô tô Ấn Độ như Maruti Suzuki, Mahindra & Mahindra… cùng một số hãng xe nước ngoài, trong đó có Audi đang có kế hoạch giới thiệu các dòng xe tự lái (không cần người lái) tại thị trường Ấn Độ.

Hero MotoCorp (Ấn Độ) đang có kế hoạch nhảy vào phân khúc xe điện Ấn Độ. Hãng này mới đây bỏ ra gần 30,8 triệu USD để mua cổ phần trong công ty công nghệ năng lượng Ather Energy. Công ty cho thuê xe tự lái (không người lái) JustRide đã huy động được 3 triệu USD để tăng đầu tư và hợp tác trong lĩnh vực công nghệ xe thông minh.

Ford Motor (Mỹ) có kế hoạch chi 195 triệu USD để xây dựng trung tâm kinh doanh và công nghệ toàn cầu ở thành phố Chennai của Ấn Độ. Trung tâm này sẽ đóng vai trò chủ đạo trong việc phát triển sản phẩm, cung cấp giải pháp vận chuyển, dịch vụ kinh doanh cho thị trường Ấn Độ và các thị trường khác.

Suzuki Motor (Nhật Bản) dự định đầu tư 390 triệu USD để xây dựng nhà máy lắp ráp ô tô thứ hai của hãng ở Ấn Độ. Hãng vận tải trực tuyến Ola Cabs (Ấn Độ) có thể hợp tác với một nhà sản xuất xe điện để tung ra 1 triệu xe điện.

Nhà sản xuất ô tô lớn nhất Trung Quốc, SAIC Motor, có kế hoạch đầu tư 1 tỷ USD vào Ấn Độ vào năm 2018, đang nghiên cứu thành lập nhà máy sản xuất ở một trong ba bang Maharashtra, Andhra Pradesh và Tamil Nadu.

General Motors (Mỹ) dự kiến chi 1 tỷ USD từ nay tới năm 2020, chủ yếu để tăng công suất nhà máy Talegaon ở bang Maharashtra từ 130.000 xe lên 220.000 xe/năm vào năm 2025. FIAT Chrysler Automobiles (Ý-Hà Lan) gần đây đầu tư 280 triệu USD vào nhà máy Ranjangaon ở Ấn Độ để sản xuất dòng xe thể thao đa dụng mới Jeep Compass, dự kiến tung ra thị trường vào tháng 8.

Theo Thái An
Tiền Phong