“Lụt” tiến độ cổ phần hóa các “ông lớn”!
(Dân trí) - Tiến độ cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang chậm lại khiến cho mục tiêu cổ phần hóa 289 DNNN trong năm 2015 khó khả thi.
Báo cáo “Cập nhật tình hình phát triển Kinh tế Việt Nam” 6 tháng đầu năm 2015 của Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 20/7 đã đưa ra cảnh báo trên. Đồng thời, WB cũng khuyến cáo, CPH các DNNN đang là thách thức cải cách khu vực kinh tế Nhà nước của Việt Nam.
6 tháng cuối năm, mỗi ngày cổ phần hóa 1,2 DN
Trong báo cáo trên, WB nêu rõ, tiến độ cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN) năm 2015 đang chậm lại, trong 3 tháng đầu năm 2015 chỉ CPH được 29 DNNN, đạt hơn 10%. Chính vì vậy, nhiệm vụ CPH 289 DNNN trong năm 2015 khó khả thi.
Theo kế hoạch, để hoàn thành mục tiêu của Chính phủ CPH hơn 432 DNNN từ năm 2011 - 2015, nhiệm vụ của năm 2015 sẽ rất nặng nề khi số DNNN phải CPH trong năm nay sẽ là 289 DN.
Nếu thực hiện đúng kế hoạch đề ra, mỗi tháng của năm, số DNNN được CPH phải lên đến 24 DN/tháng. Tuy nhiên, thực tế của các DNNN trong từ 3 tháng và 6 tháng đầu năm, mỗi tháng chỉ đạt 10 DN.
Trước đó, ngày 25/6, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển Doanh nghiệp Nhà nước cũng cho biết, CPH các DNNN đang rất chậm chạp, 6 tháng đầu năm 2015 cả nước mới thực hiện CPH được 61 DNNN, chỉ đạt 21% kế hoạch đề ra. Do nhiệm vụ năm 2015 phải hoàn thành CPH 289 DNNN nên áp lực sẽ đè nặng lên 6 tháng cuối năm khiến mỗi tháng phải cổ phần 38 DNNN.
Quá trình CPH các DNNN được thực hiện bắt đầu từ năm 2011, nhưng trong ba năm đầu đạt con số rất thấp lần lượt là 12 DN năm 2011, 33 DN năm 2012 và 60 DN năm 2013. Chỉ đến năm 2014, nhờ thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt, con số DNNN được cổ phần hóa, tái cơ cấu đã tăng lên 167 DN (trong đó CPH 143 doanh nghiệp, chuyển 1 DN thành công ty TNHH hai thành viên trở lên, giải thể 3 DN, sáp nhập 14 DN và đề nghị phá sản 3 DN).
Đặc biệt, theo các phương án sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp đã được phê duyệt, trong 2 năm 2014-2015, cả nước phải hoàn thành sắp xếp 479 DNNN (trong đó CPH 432 DN; bán, giao, giải thể, phá sản 22 DN, sáp nhập, hợp nhất 25 DN). Tuy nhiên, nếu căn cứ theo Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg ban hành tháng 6/2014 của Chính phủ về phân loại DNNN thì số DNNN phải thực hiện tái cơ cấu, CPH trong năm 2014 – 2015 tăng thêm 100 DN.
Ế vì Nhà nước lo giữ chỗ!
Mặc dù nắm trong tay nhiều điều kiện song vì sao trong 5 năm qua, việc bán cổ phần các DNNN đang gặp nhiều khó khăn. Theo đại diện củaWB, nguyên nhân khiến quá trình CPH chậm, tỷ lệ thoái vốn Nhà nước tại các Tập đoàn, Tổng công ty không đạt kế hoạch không phải do nhà đầu tư “chê” những lợi thế mà DNNN sẵn có mà do cơ chế chính sách chưa được cởi bỏ hết.
Theo báo cáo của WB, ngoài các nguyên nhân về cơ chế, chính sách bất cập, các nhà đầu tư còn quan ngại đến sự minh bạch thông tin số nợ của DNNN trước khi bán; minh bạch trong quá trình thẩm định và định giá DNNN trước cổ phần…
Bên cạnh đó, nguyên nhân quan trọng nhất chính là việc Nhà nước vẫn cố giữ phần vốn quá lớn tại nhiều DNNN trong quá trình CPH và hậu cổ phần, dù nhiều trong số đó không phải là ngành chính và cần bán hết phần vốn Nhà nước cho DN tư nhân.
Ông Sandeep cho biết: “Bên cạnh các yêu cầu thủ tục phức tạp, quá trình triển khai CPH còn bị ảnh hưởng bởi các nhà đầu tư thờ ơ vì quá ít cổ phiếu được bán ra của các DN được cổ phần hóa, đặc biệt là cổ phiếu thiểu số tại DNNN”.
Thực tế cho thấy, trong quá trình bán cổ phần các DNNN, các Bộ, ngành vẫn giữ số phần vốn Nhà nước tối thiểu tại các DN này ở mức 51%, có nơi 65%, 75% thậm chí 97%. Chính vì giữ phần vốn Nhà nước trong DNNN nhiều, khiến sau CPH, cơ chế điều hành, cách quản trị vẫn như cũ dù có hội đồng quản trị, song với ít cổ phần hơn, các nhà đầu tư sẽ mất tiếng nói và những quyết sách quan trọng. Đây là nguyên nhân khiến cho các nhà đầu tư không mặn mà khi DNNN chào bán.
Những lý do ông Sandeep nêu ra hoàn toàn có cơ sở bởi cuối năm 2014, Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đã đưa ra báo cáo khẳng định, quá trình CPH các Tập đoàn, TCT đang gặp khó do Nhà nước duy trì tỷ lệ nắm giữ phần vốn Nhà nước tại các DN này quá cao, từ 51% đến 97%. Chính vì vậy mà các tổ chức quỹ đầu tư ngần ngại góp vốn vì họ sẽ khó có được ý kiến quyết định dù có tham gia HĐQT.
Đồng thời, trong một hội nghị về các giải pháp đẩy mạnh CPH các DNNN, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã chỉ ra điểm nghẽn lớn khiến CPH, đồng thời đề nghị Nhà nước bán 100% vốn ở các DN không phải them chốt, không cần nắm giữ vốn. Ông Dũng nhấn mạnh: CPH chỉ bán vài % vốn Nhà nước tại DN là không hiệu quả, làm mất thời gian. Ở các DNNN ngoài ngành, Nhà nước không cần nắm giữ vốn nên bán trên 51% cổ phần, thậm chí bán 100% cổ phần.
Nguyễn Tuyền