“Lương 10 triệu mà khoán 30 triệu thì không thuyết phục”

(Dân trí) - Cho rằng, việc khoán sử dụng tài sản Nhà nước (xe công, nhà công vụ, điện thoại…) có thể thí điểm một số nơi song đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, không nên tách bạch tiền khoán này khỏi lương. Để giải quyết triệt để những bất cập trong sử dụng tài sản công cần phải cải cách chế độ tiền lương. Không thể tiền khoán mà lại gấp mấy lần tiền lương!

Như đã đưa tin, theo dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) vừa được Chính phủ trình Quốc hội sáng nay (31/10), quy định về quản lý, sử dụng tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã bổ sung một số hình thức mới trong đầu tư xây dựng, mua sắm, sử dụng, xử lý tài sản công.

Trong đó, khoán kinh phí sẽ là phương thức được ưu tiên khi có nhu cầu sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị. Chỉ khi không áp dụng được phương thức khoán mới áp dụng các phương thức khác.

Việc khoán kinh phí sử dụng tài sản được áp dụng đối với nhà công vụ, xe ô tô phục vụ chức danh và xe ô tô phục vụ công tác chung của cơ quan nhà nước; điện thoại công vụ tại nhà riêng, điện thoại di động và các tài sản khác theo chế độ quản lý, sử dụng đối với từng loại tài sản công do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

Luật sư Trương Trọng Nghĩa, đại biểu Quốc hội đoàn Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) đã có cuộc trao đổi với phóng viên Dân Trí và một số báo chí bên hành lang Quốc hội sáng nay về nội dung trên:

Luật sư, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (ảnh: Bích Diệp)
Luật sư, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (ảnh: Bích Diệp)

Trong dự thảo Luật có quy định về khoán kinh phí sử dụng tài sản công.Theo ông, cần phải làm gì để cơ chế khoán có tác dụng thật sự chứ không chỉ là “trên giấy”?

- Theo tôi, việc khoán sử dụng tài sản công nên đặt trong một dự án Luật khác rộng hơn. Tôi ví dụ, lương của anh 10 triệu trong khi chi phí cho công việc lên tới 30 triệu đồng, nếu khoán 30 triệu này thì thành ra bây giờ lộ ra chi phí gấp 3 lần lương! Như thế có hợp lý hay không?

Cho nên phải tính toán lại. Một số quốc gia có quy định, trong chi phí lương để sử dụng cho cá nhân đã bao gồm phần dành cho đi lại, học hành… Những chi phí đó được đưa vào lương. Nếu tách ra lương và chi phí đi lại như thế này thì sẽ có một số điểm không hợp lý.

Tôi cho rằng, việc khoán có thể thí điểm bước đầu, nhưng về cơ bản, cơ chế này phải đặt trong cải cách chế độ tiền lương đối với cán bộ công chức. Cái gì đưa vào lương? Cái gì còn lại là Nhà nước phải chi? Phải tách bạch rõ ràng, nhưng hiện nay chúng ta chưa làm được điều này.

Ông nhận định như thế này về tình trạng lãng phí trong sử dụng tài sản công (xe công, nhà công vụ…) thời gian qua?

- Như tôi đã nói ở trên, do chưa tách bạch được chi phí nên có tình trạng một số chi phí từ nguồn ngân sách, một số tài sản công vừa qua lại được sử dụng để phục vụ cho lợi ích cá nhân. Ngược lại, cũng có một số người phải sử dụng một phần lương của mình để trang trải cho công việc.

Do đó, để giải quyết cơ bản chi phí cho các cá nhân là cán bộ công chức thì phải giải quyết đồng bộ với cơ cấu tiền lương, thu nhập cho hợp lý.

Khi đã giải quyết được “phần gốc” này thì sẽ trả lời được những câu hỏi như cán bộ đi làm bằng phương tiện gì, điện thoại sử dụng thế nào, nhà ở ra sao...

Khi chi trả tất cả vào lương thì anh đi thuê nhà như thế nào đó là việc của anh, dùng 100m2 hay 50m2 là quyền cá nhân anh. Lúc đó, không có vấn đề nhà công vụ, cũng không có xe công vụ. Các Bộ trưởng, Thứ trưởng, công chức… đều có xe riêng, nếu không thì đi bus, tàu điện ngầm, đi các phương tiện công cộng khác. Trong cơ cấu tiền lương đã tính đến tất cả các chi phí đó rồi.

Giải quyết được vấn đề tiền lương trên cơ sở như vậy thì mới hợp lý. Chứ bây giờ lương 10 triệu mà khoán chi phí đến mấy chục triệu, gấp mấy lần lương thì rõ ràng khó giải thích, nhân dân nghe cũng không thể nào chấp nhận được!

Vậy theo ông cần quy định cụ thể vấn đề này trong luật như thế nào?

- Theo tôi, không nên tách chi phí công ra khỏi lương vì tôi nghĩ sẽ không làm được chuyện đó! Nếu khoán thì khoán đến mức độ nào, cấp nào, đến Thứ trưởng hay Bộ trưởng, hay là Phó Thủ tướng? Rồi các cán bộ Đảng thì khoán ra sao?

Có thể thí điểm trước ở một số trường hợp, nhưng để giải quyết tận gốc vấn đề thì phải có giải pháp tổng thể, đi từ vấn đề thu nhập, tiền lương của cán bộ, công chức.

Cá nhân ông có cảm nhận, suy nghĩ gì khi vừa qua Thủ tướng đã làm gương trong việc đi công tác nước ngoài bằng máy bay thương mại?

- Tôi rất hoan nghênh việc này. Trong một số giai đoạn, một số lãnh đạo đã bớt việc sử dụng chuyên cơ để giảm lãng phí.

Điều đó không những giảm lãng phí mà nhân dân nhìn vào cũng rất hoan nghênh, rút ngắn khoảng cách giữa lãnh đạo và người dân, lãnh đạo trở nên gần gũi, hòa đồng hơn. Không ít lãnh đạo trên thế giới cũng làm như vậy, cũng đi bộ, đi xe đạp, cũng sử dụng các phương tiện giao thông công cộng.

Tuy vậy, điều này cũng đặt ra yêu cầu đối với những ngành dịch vụ công là phải làm sao đảm bảo được an toàn cho các lãnh đạo cấp cao, đồng nghĩa với việc đảm bảo tốt hơn an toàn cho nhân dân.

Tôi nhận thấy, việc làm của Thủ tướng là rất đáng ủng hộ và hoan nghênh!

Nhìn chung về dự luật đang được Chính phủ trình Quốc hội lần này, ông có có đánh giá như thế nào?

- Chúng ta đã có Luật quản lý tài sản Nhà nước nhưng chưa đầy đủ cho nên cần thiết phải sửa đổi, bổ sung vào dự luật lần này. Đây là một hướng đi đúng đắn, nhất là trước tình hình sử dụng tài sản công vừa qua rất lãng phí, nhiều trường hợp có hiện tượng tham nhũng.

Tuy nhiên, theo đánh giá của tôi, đây là một luật rất khó, càng khó hơn khi Việt Nam có một số yếu tố đặc thù không giống các nước khác nên chúng ta cũng không thể sao chép mà phải có những giải pháp riêng.

Tôi lấy ví dụ, ở Việt Nam có khái niệm “tài sản sở hữu toàn dân” do Nhà nước quản lý, trong đó, phần lớn tài nguyên quốc gia do Nhà nước quản lý. Trong tài sản Nhà nước có khu vực kinh tế Nhà nước quy mô rất lớn. Từ đó đặt ra cho dự luật này có những điểm rất phức tạp.

Để luật này đạt được các yêu cầu đề ra, qua nghiên cứu dự thảo tôi cho là còn phải sửa đổi và bổ sung nhiều bởi dự luật có những điểm mới nhưng chưa hoàn thiện. Tôi sẽ góp ý cụ thể hơn tại các phiên họp tới.

Xin cảm ơn ông!

Bích Diệp