Không chỉ xe công, sắp tới khoán cả điện thoại, nhà công vụ!

(Dân trí) - Theo quy định tại dự Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) đang được Chính phủ trình Quốc hội thông qua, khoán kinh phí sẽ là phương thức được ưu tiên, chỉ khi không áp dụng được phương thức khoán mới áp dụng các phương thức khác. Ngoài ô tô công, còn khoán nhà công vụ, điện thoại công vụ tại nhà riêng, điện thoại di động và các tài sản khác.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng (ảnh: Quochoi.vn)
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng (ảnh: Quochoi.vn)

Gây thiệt hại phải bồi thường theo mức thiệt hại thực tế

Thay mặt Chính phủ, sáng nay (31/10), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày trước Quốc hội về dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi).

Theo đó, quy định tại dự thảo về quản lý, sử dụng tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã bổ sung một số hình thức mới trong đầu tư xây dựng, mua sắm, sử dụng, xử lý tài sản công.

Cụ thể, mua sắm tập trung; đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp theo hình thức đối tác công - tư (PPP), khoán kinh phí sử dụng tài sản công; huy động vốn để đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản tại đơn vị sự nghiệp công lập; ghi giảm tài sản do nguyên nhân bất khả kháng.

Riêng việc khoán kinh phí sử dụng tài sản được áp dụng đối với nhà công vụ, xe ô tô phục vụ chức danh và xe ô tô phục vụ công tác chung của cơ quan nhà nước; điện thoại công vụ tại nhà riêng, điện thoại di động và các tài sản khác theo chế độ quản lý, sử dụng đối với từng loại tài sản công do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

“Khoán kinh phí là phương thức được ưu tiên khi có nhu cầu sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị. Chỉ khi không áp dụng được phương thức khoán mới áp dụng các phương thức khác”, dự thảo Luật nêu rõ.

Ngoài ra, dự thảo Luật cũng quy định xử lý vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Theo đó, người có hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công mà gây thiệt hại cho Nhà nước thì phải bồi thường theo mức thiệt hại thực tế cho Nhà nước.

“Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người có hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công còn bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”, theo dự thảo.

Bên cạnh đó, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm giải trình và phải chịu trách nhiệm liên đới nếu để xảy ra vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình. Tùy theo mức độ bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Tài sản Nhà nước hơn 1 triệu tỷ đồng

Theo Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước (TSNN), tổng giá trị TSNN đến 31/7/2016 là 1.040.451,98 tỷ đồng (hơn 1 triệu tỷ đồng). Trong đó, tại các cơ quan nhà nước là hơn 281.000 tỷ đồng, tại các đơn vị sự nghiệp hơn 718.500 tỷ đồng, tại các tổ chức hơn 37.600 tỷ đồng, tại các ban quản lý dự án gần 3.200 tỷ đồng.

Toàn cảnh hội trường Quốc hội (Ảnh: Hoàng Long)
Toàn cảnh hội trường Quốc hội (Ảnh: Hoàng Long)

Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước hiện hành chưa điều chỉnh đối với các loại tài sản nhà nước khác như: tài sản của các dự án sử dụng vốn nhà nước, tài sản được xác lập quyền sở hữu thuộc về nhà nước, tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, đất đai, khoáng sản, rừng, nguồn lợi ở vùng trời, vùng biển, thềm lục địa, tần số vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh, tên miền Internet và các tài nguyên khác. Điều này làm hạn chế hiệu quả, hiệu lực trong quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

Bên cạnh đó, quy trình đầu tư, mua sắm, xử lý tài sản nhà nước bị phân tán do nhiều cơ quan, đơn vị cùng làm, tính chuyên nghiệp thấp, còn nặng về hành chính, bao cấp; hiệu lực, hiệu quả quản lý chưa cao.

Vai trò điều tiết của các cơ quan quản lý tài sản công hạn chế nên còn tình trạng nơi thừa, nơi thiếu tài sản, việc sử dụng tài sản sai công năng, sai mục đích gây lãng phí, thất thoát vẫn diễn ra. Luật hiện hành cũng chưa tách bạch giữa nhiệm vụ quản lý về tài sản nhà nước và cung cấp dịch vụ công trong quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

Bộ trưởng Bộ Tài chính nhận xét, tài sản nhà nước có phạm vi rất rộng tuy nhiên “công tác quản lý lại bị buông lỏng trong thời gian dài, hệ thống pháp luật chưa đầy đủ, chưa theo kịp với yêu cầu quản lý; ý thức trách nhiệm của nhiều cấp, ngành, nhiều cơ quan, đơn vị trong quản lý, sử dụng tài sản chưa cao; công nghệ quản lý còn lạc hậu; tổ chức bộ máy và nhân lực quản lý còn thiếu, chưa đồng bộ; chế tài xử lý vi phạm còn thiếu và thực hiện chưa nghiêm”.

Tài sản công có giá trị rất lớn và có ý nghĩa hết sức quan trọng trong quá trình phát triển của các quốc gia, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Tài sản công là nền tảng, là vốn liếng để khôi phục và xây dựng kinh tế chung, để làm cho dân giàu, nước mạnh, để nâng cao đời sống nhân dân”.

Theo nghiên cứu của các chuyên gia quốc tế, tổng giá trị tài sản công của mỗi quốc gia thông thường có quy mô bằng 4 lần GDP của quốc gia đó. Ở Việt Nam, tổng giá trị tài sản công còn có thể lớn hơn.

Bích Diệp