1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Lực lượng lao động gen Z thay đổi thế nào sau hơn 2 năm đại dịch?

Cẩm Hà

(Dân trí) - Thế hệ Z (gen Z) điển hình gia nhập lực lượng lao động theo cách riêng của họ, đòi hỏi nhiều sự thay đổi táo bạo chưa từng thấy ở các thế hệ trước.

Gen Z hiện là nhóm trẻ nhất trong lực lượng lao động và họ đang thay đổi mọi thứ. Đối với họ, môi trường làm việc tốt là điều quan trọng nhất và một công việc có ý nghĩa là công việc có thể tạo ra sự khác biệt, phù hợp với quan điểm xã hội, đồng thời mang lại cho họ sức khỏe tinh thần.

Lực lượng lao động gen Z thay đổi thế nào sau hơn 2 năm đại dịch? - 1

Gen Z điển hình đang tham gia lực lượng lao động với các yêu cầu công việc riêng (Ảnh: iStock).

Nếu công việc không đáp ứng được những yêu cầu đó, những người trẻ không ngần ngại bỏ việc để tìm một công việc tốt hơn. Đó là lý do tại sao thế hệ này đang giúp dẫn đầu làn sóng "đại từ chức" cùng với thế hệ Millennials (gen Y). Tuy nhiên, nhiều người cũng đang trải qua "cú sốc chuyển đổi" sau khi bắt đầu công việc mới, nhận ra rằng đó không phải là những gì họ nghĩ.

Mở đường cho sự thay đổi trong lực lượng lao động sau đại dịch

Gen Z không tuân theo các chuẩn mực được thực hiện bởi gen Y. Thay vào đó, họ đặt ra những chuẩn mực mới tại nơi làm việc. Họ đòi hỏi sự cân bằng tốt hơn giữa công việc và cuộc sống, và điều này khiến các nhà quản lý thuộc gen Y đau đầu, tờ New York Times tiết lộ

Goldberg viết trong một bài báo rằng những người trẻ tuổi 20 đang "ủy quyền" cho sếp, yêu cầu làm việc ít hơn khi họ đã hoàn thành nhiệm vụ trong ngày và tự đặt giờ làm việc của mình. Đó là một sự tương phản rõ nét so với gen Y - những người thường xuyên phải tăng ca và luôn trong tình trạng làm việc quá tải.

Đây được coi là một phần của làn sóng sống chậm lại, một sự thay đổi có mục đích nhằm cân bằng công việc và cuộc sống tốt hơn thông qua các giờ nghỉ giải lao không chính thức hoặc chỉ trả lời email vào một số ngày trong tuần.

Nhiều người thuộc gen Z vỡ mộng với môi trường làm việc hiện tại và cho rằng nó không tốt đối với sức khỏe tinh thần của họ.

"Tôi sống trong một xã hội coi trọng năng suất lao động hơn sức khỏe, và vì vậy tôi luôn chán nản và lo lắng", một người dùng TikTok có tên Rama nói trong một video. "Tôi cười, nhưng bên trong tôi vô cùng đau lòng. Tôi làm một lúc 3 công việc, nhưng tôi vẫn cảm thấy mình làm chưa đủ".

Trên Reddit, rất nhiều gen Z ủng hộ phong trào anti-work (tẩy chay công việc), bao gồm lối sống không cần làm việc. Theo Insider, phong trào này giống với các phong trào tương tự do thanh niên khởi xướng ở các quốc gia khác, đặc biệt là Trung Quốc. Theo đó, thay vì tìm cách tăng năng suất và trở nên cạnh tranh hơn trong công việc, những người trẻ tìm kiếm hạnh phúc và thư giãn trong cuộc sống.

Những người theo phong trào anti-work sẵn sàng từ chối làm việc. Kade, một công nhân gen Z ở Kansas, đã bỏ công việc làm nhân viên phục vụ sau khi công ty ra quy định cấm nhân viên sử dụng điện thoại trong ca làm việc, và nếu bị phát hiện thì có thể bị tịch thu điện thoại.

Kade nói với Insider: "Tôi nghĩ rằng tôi có thể trở thành một phần của một phong trào (anti-work). Tôi không muốn tiếp tục chịu đựng những thứ này".

Lực lượng lao động gen Z thay đổi thế nào sau hơn 2 năm đại dịch? - 2

Gen Z mong muốn cân bằng công việc và cuộc sống tốt hơn (Ảnh: Recruiter).)

Giám đốc điều hành của LinkedIn, Ryan Roslansky, coi làn sóng từ chức là một "cuộc đại cải tổ". Người lao động bỏ việc để tìm kiếm một công việc tốt hơn. Nhóm của ông nhận thấy rằng tỷ lệ thay đổi công việc trên LinkedIn đã tăng 54% so với cùng kỳ năm trước, trong đó số tỷ lệ đổi công việc của gen Z tăng 80% và gen Y là 50%.

Khảo sát của Bankrate vào tháng 7/2021 cho thấy gần gấp đôi số công nhân gen Z muốn thay đổi công việc. Xu hướng này tiếp tục trong năm 2022. 66% người lao động gen Z dự định nghỉ việc trong năm nay, theo một báo cáo gần đây của nền tảng thu hút nhân tài Lever sau khi thăm dò ý kiến của 1.200 nhân viên toàn thời gian.

Một trong những yếu tố dẫn đến điều này là Gen Z không được tiếp tục làm việc từ xa. Gen Z điển hình thường có xu hướng bỏ việc hơn là quay lại văn phòng làm việc toàn thời gian.

Một báo cáo mới từ Viện nghiên cứu ADP khảo sát trên 32.000 công nhân trên toàn thế giới cho thấy 71% người từ 18 đến 24 tuổi nói rằng nếu cấp trên nhất quyết yêu cầu họ quay lại làm việc toàn thời gian tại văn phòng, họ sẽ xem xét tìm kiếm một công việc khác.  Đó là một tỷ lệ cao hơn so với những người lao động lớn tuổi.

"Tôi nghĩ rằng đối với gen Z, sự thay đổi sang làm việc tại nhà là điều khá tự nhiên", Nela Richardson, nhà kinh tế trưởng của ADP nói với tờ Insider. "Đó như là một phần mở rộng đời sống xã hội ở một khía cạnh nào đó, bởi vì họ chưa được gắn kết với nơi làm việc. Và do đó, những thách thức họ phải đối mặt khi quay trở lại làm việc càng lớn hơn".

Richardson nói thêm: "Đây là những người lao động trẻ chưa bao giờ thực sự làm việc tại công ty và thực lòng không biết họ đang thiếu điều gì ở nơi làm việc".

Như Erifili Gounari, 22 tuổi, người sáng lập và Giám đốc điều hành của The Z Link, trước đây đã nói với Insider rằng: "Chúng tôi coi trọng những thứ như tự do và sự linh hoạt. Vì vậy, đối với tôi, việc không cần phải có văn phòng và để mọi người làm việc ở bất cứ đâu họ muốn giúp tạo ra một văn hóa công ty tốt hơn nhiều, bởi vì mọi người đều cảm thấy độc lập hơn".

Hối hận về công việc mới sau "cú sốc thay đổi"

Theo cuộc khảo sát đầu năm nay trên 2.500 công nhân của The Muse, 72% người tìm việc cho biết họ đã trải qua cú sốc chuyển đổi sau khi bắt đầu vai trò mới. Kathryn Minshew, người đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của The Muse, định nghĩa đây là việc bắt đầu một công việc mới chỉ để khám phá ra rằng công việc và công ty này hoàn toàn không giống với những gì họ nghĩ.

Minshew cho biết: "Đây là một sự thay đổi mang tính thế hệ được thúc đẩy bởi gen Z và gen Y trẻ hơn. Họ tin rằng mối quan hệ giữa người lao động và người lao động nên là một con đường hai chiều. Đại dịch khiến nhiều người nhận ra rằng cuộc đời ngắn ngủi, và họ chọn làm những điều họ muốn".

Lực lượng lao động gen Z thay đổi thế nào sau hơn 2 năm đại dịch? - 3

Nhiều Gen Z hối hận khi công việc mới không giống như họ nghĩ (Ảnh: CE).

Đó là một phần của một xu hướng lớn hơn. Theo cuộc khảo sát Harris Poll mới đây của USA Today với 2.000 người Mỹ trưởng thành, một số người lao động bị hấp dẫn bởi viễn cảnh mức lương cao hơn mà không tính đến các yếu tố công việc khác. Hậu quả là, họ bị mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống, và nhận thấy vai trò mới không giống như mong đợi.

Gen Z quan tâm nhiều hơn đến sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống và hạnh phúc cá nhân, theo một báo cáo của Firstup. Những người lao động trẻ tìm kiếm công việc với các lợi ích như thời gian nghỉ có lương, những ngày chăm sóc sức khỏe tinh thần hoặc các hoạt động cộng đồng.

Họ đánh giá cao những nhà tuyển dụng ưu tiên sức khỏe tinh thần của nhân viên. Điều đó có thể là do thế hệ này dễ bị trầm cảm hơn. Gần một nửa gen Z (46%) trong số 23.000 người được Deloitte khảo sát nói rằng họ hay cảm thấy căng thẳng hoặc lo lắng.

Ngoài ra, gen Z cũng muốn làm việc tại những nơi có ý nghĩa về cả sự nghiệp của họ và tác động đối với thế giới. Báo cáo của Lever cho thấy: 42% gen Z muốn làm việc tại công ty mang lại cho họ cảm giác có mục đích hơn là công ty trả lương cao. Họ cũng muốn làm việc cho công ty có những hành động ủng hộ hoặc giải quyết các vấn đề về công bằng xã hội.

Hơn một nửa (56%) gen Z cho biết sẽ nghỉ việc nếu công việc ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân của họ, theo một nghiên cứu toàn cầu của Randstad Workmonitor. Gần một nửa trong số 35.000 người được khảo sát nói rằng họ sẽ không chấp nhận một công việc tại một công ty không phù hợp với quan điểm của họ về các vấn đề xã hội và môi trường.

"Tôi muốn tạo ra sự khác biệt trước khi muốn kiếm tiền", Aryaansh Rathore, người sáng lập 16 tuổi của Bread, một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Dubai, cho hay.

Công nghệ tiên tiến giúp kích hoạt chuỗi kinh doanh của gen Z, thường bắt đầu từ những năm niên thiếu. Khảo sát 1.000 người trẻ bởi Trung tâm Động học Thế hệ cho thấy 62% gen Z có kế hoạch kinh doanh riêng trong tương lai.

Emma Havighorst, sinh viên tốt nghiệp năm 2020, nói với Insider rằng: "Gen Z luôn đổi mới và mạnh mẽ. Cách chúng tôi nhìn thế giới rất khác so với các thế hệ trước".

Theo Business Insider