Luật thuế giá trị gia tăng “vấp” phản ứng

(Dân trí) - Đề xuất sửa luật Thuế Giá trị gia tăng của Bộ Tài chính vấp nhiều ý kiến phản biện khá “căng” của các thành viên UB Thường vụ QH trong phiên thảo luận ngày 18/3 khi dự thảo sửa 7 nội dung quan trọng, trong đó 6 nội dung xin giao Chính phủ quy định.

Tờ trình của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Luật Thuế giá trị gia tăng đề xuất điều chỉnh quy định về nhóm đối tượng không chịu thuế. Qua rà soát 25 nhóm hàng hoá, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng, Chính phủ đề nghị bổ sung các loại hình sản phẩm bảo hiểm liên quan đến con người, bảo hiểm nông nghiệp và bảo hiểm an ngư.

 

Về việc tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ, cơ quan soạn thảo (Bộ Tài chính) đề nghị bổ sung ngưỡng tính thuế để áp dụng phương pháp khấu trừ thuế giá trị gia tăng đối với doanh nghiệp, Hợp tác xã và cơ sở kinh doanh đăng ký tự nguyện.

 

Bộ Tài chính cũng nêu cách xác định giá trị theo phương pháp trực tiếp, nâng mức tiền thuế đầu vào tối thiểu để được hoàn thuế đối với đầu tư và xuất khẩu từ 200 triệu đồng lên 500 triệu đồng…
 
Luật thuế giá trị gia tăng “vấp” phản ứng
Thuế giá trị gia tăng hiện bị "phê" về việc chưa phân tách được cụ thể, hợp lý đối tượng chịu thuế. (ảnh minh họa)

  

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, một trong những mục tiêu sửa luật là để đồng bộ với việc sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, qua đó vừa bảo đảm yêu cầu nuôi dưỡng nguồn thu, vừa bảo đảm tỷ lệ động viên hợp lý vào ngân sách nhà nước.

 

Theo thống kê, hiện có khoảng 550.000 tổ chức kinh tế đang kê khai và nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ. Trong đó có khoảng 1/3 là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và rất nhỏ, doanh thu chưa tới 1 tỷ đồng/năm, số thu thuế giá trị gia tăng chiếm khoảng 0,3% tổng thu về thuế giá trị gia tăng.

 

Đối với hầu hết doanh nghiệp nhỏ, rất nhỏ, việc tổ chức bộ máy kế toán chưa bảo đảm tuân thủ theo Luật Kế toán, không ít doanh nghiệp thiếu ý thức tuân thủ quy định của pháp luật về kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng. Một số ít doanh nghiệp lợi dụng cơ chế thông thoáng trong việc thành lập doanh nghiệp để thành lập doanh nghiệp mua bán hoá đơn, thậm chí lập khống hoá đơn cho các doanh nghiệp khác để kê khai khấu trừ đầu vào, vừa ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường kinh doanh, vừa gây thất thu ngân sách nhà nước…

 

Thẩm tra dự thảo luật, UB Tài chính - Ngân sách cho rằng phạm vi sửa đổi, bổ sung luật tương đối hẹp. Khi chỉ sửa đổi, bổ sung 7 điều mà có tới 6 nội dung giao Chính phủ quy định. Gồm các quy định liên quan đến hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu; mức ngưỡng doanh thu; cơ sở kinh doanh đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế; tỷ lệ % giá trị gia tăng trên doanh thu; những trường hợp phải nộp thuế theo phương pháp khấu trừ…

 

Nhấn mạnh với những bất cập được cơ quan thẩm tra nêu, chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng chất lượng dự án luật chưa đảm bảo trình Quốc hội xem xét chứ chưa nói đến việc thông qua ngay tại kỳ họp tới theo đề nghị.

 

“Tôi thấy dự thảo chỉ sửa 7 nội dung, nhưng đều là những điểm rất quan trọng, liên quan đến quyền, nghĩa vụ công dân, chính sách thuế, nguồn thu ngân sách... Trong đó lại có 6/7 nội dung giao Chính phủ quy định là không ổn” – ông Lý đề nghị “trả” lại cơ quan soạn thảo chỉnh sửa dự thảo, trình lại trong phiên họp tháng 4 tới của UB Thường vụ.

 

Trong khi đó, theo chiến lược cải cách thuế giai đoạn 2011-2020, thì việc cải cách thuế giá trị gia tăng cần đạt được mục tiêu “giảm bớt nhóm hàng hóa dịch vụ chịu thuế suất 5%, tiến tới chỉ còn một mức thuế suất”. Song Chính phủ vẫn đề nghị giữ mức thuế suất 10% và chưa thu hẹp nhóm thuế suất 5%.

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt câu hỏi, ban soạn thảo đã tính hết chưa, liệu có nội dung nào cấp thiết hơn cho phát triển và tăng trưởng trong giai đoạn khó khăn này không. Ông Hùng yêu cầu các cơ quan soạn thảo, thẩm tra dự luật rà soát kỹ để đảm bảo tầm nhìn dài hạn cũng như giải quyết được hết những bức xúc đang tồn tại trong thực tế.

 

“Luật vừa ban hành 2009, sửa nhiều lần quá mà vẫn còn bất cập. Song song với việc hoàn thiện dự luật, Bộ Tài chính cần phải tích cực chuẩn bị các điều kiện triển khai thi hành Luật sớm, nếu thông qua theo quy trình hai kỳ họp, để đến tận tháng 7/2014 mới thực hiện thì là muộn, trong khi tình hình rất bức thiết” - Chủ tịch Quốc hội bình luận.

 

“Gật đầu” với quan điểm “sửa linh hồn của sắc thuế là thuế suất theo tinh thần cải cách thuế để đến 2020 phải sửa thêm, Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đề nghị nghiên cứu áp dụng một mức thuế suất thống nhất khi sửa đổi lần này.

 

P.Thảo