Luật Quy hoạch sẽ chặn tình trạng "vẽ vội quy hoạch", chiều lòng đại gia?

(Dân trí) - Hiện nay có khoảng 19.200 quy hoạch riêng lẻ trên khắp cả nước, trong 2 - 3 năm qua, tiêu tốn hơn 8.000 tỷ đồng, tuy nhiên hiệu quả lại hạn chế, thậm chí là rào cản cho phát triển đất nước. Chính vì vậy, việc ra đời Luật Quy hoạch điều chỉnh chung trở nên rất cấp thiết cho sự phát triển đất nước, chống lợi ích cục bộ của bộ, ngành và địa phương.

Đây là khẳng định của ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tại Hội thảo mở rộng lấy ý kiến về Dự thảo Luật Quy hoạch được tổ chức sáng nay (4/4) tại Hà Nội.

Theo Bộ KH&ĐT, thời gian qua công tác quy hoạch đã có một số kết quả nhất định còn tồn tại quá nhiều bất cập như: chất lượng thấp, không gắn với nguồn lực thực hiện nên nhiều bản quy hoạch lập xong không có giá trị thực tế; quy hoạch chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu gắn kết dẫn tới hiệu quả thực hiện rất thấp, thậm chí còn kéo lùi sự phát triển.

Luật Quy hoạch đang được soạn thảo sẽ bao trùm rất và tác động nhiều ngành, lĩnh vực, trong đó có quy hoạch phát triển động đến lợi ích nhiều bộ, ngành và địa phương (ảnh minh hoạ)
Luật Quy hoạch đang được soạn thảo sẽ bao trùm rất và tác động nhiều ngành, lĩnh vực, trong đó có quy hoạch phát triển động đến lợi ích nhiều bộ, ngành và địa phương (ảnh minh hoạ)

Những hạn chế, yếu kém trên đã làm khó cho điều hành phát triển kinh tế - xã hội, gây lãng phí nguồn lực đất nước và cản trở việc đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.

Trong quá trình xây dựng, có thực tế một số bộ khi làm việc với tổ soạn thảo và đưa vấn đề ra Chính phủ, họ rất bằng lòng với dự thảo Luật Quy hoạch. Tuy nhiên, khi đưa ra Thường vụ Quốc hội hoặc họp ở Tổ công tác, chuyên ngành của Quốc hội thì công khai phản bác với nhiều lý do khác nhau.

Theo Thứ trưởng Đông, những ý kiến không nhất quán, nguyên nhân là chuyên môn sâu của từng ngành, mỗi ngành địa phương nên họ muốn bảo vệ. Họ nêu lợi ích cho mình chứ không có lợi cho đất nước, tuy nhiên, đã đến lúc phải dẹp lợi ích các bên, và đặt lợi ích quốc gia là tối thượng.

"Đã thành Nghị quyết rồi, thiểu số phải phục tùng đa số, nếu các bộ, ngành đưa vấn đề lên Quốc hội, tổ soạn thảo sẵn sàng lắng nghe. Còn những ý kiến riêng bên ngoài, chúng tôi coi đó là ý kiến ngoài luồng", Thứ trưởng Đông mạnh mẽ nói.

Theo ông Đông, cả nước có khoảng 19.200 quy hoạch riêng lẻ trên khắp cả nước, trong 2 - 3 năm qua, các quy hoạch này tiêu tốn hơn 8.000 tỷ đồng nhưng hiệu quả mang lại hạn chế, thậm chí là rào cản cho phát triển đất nước. Từ đó, mới có Nghị quyết, quyết định của Quốc hội, Chính phủ xây dựng Luật quy hoạch. Đến nay, sau 5 năm soạn thảo, tiếp thu, chỉnh lý, những vấn đề quy hoạch của bộ, ngành đã lộ ra nhiều điểm hạn chế. Chính vì vậy, việc ra đời Luật Quy hoạch không chỉ là cần thiết mà là cấp thiết cho phát triển đất nước.

Trả lời câu hỏi của PV Dân Trí về ý kiến cho rằng, Dự thảo Luật Quy hoạch hiện nay "với tay", "động chạm" đến quá nhiều ngành, lĩnh vực, trong đó có nhiều ngành đặc thù, chuyên môn chỉ ngành đó mới giải quyết được. Trong khi đó, có hiện tượng cơ quan Nhà nước khi xây dựng văn bản quản lý có cài cắm lợi ích, quy hoạch vẽ vội để chiều lòng "đại gia", doanh nghiệp lớn. Dự thảo Luật Quy hoạch đã nghiên cứu vấn đề này và khi ban hành có chấm dứt tình trạng trên hay không?

Ông Đông nhấn mạnh: "Những hiện tượng quy hoạch chiều lòng đại gia, vẽ vội để phục vụ doanh nghiệp thân hữu đang để lại nhiều ý kiến trong dư luận, xã hội, những cảm nhận đó trong nhiều trường hợp là khá rõ. Tôi khẳng định, Luật Quy hoạch ra đời thì lợi ích quốc gia là trên hết, sẽ không còn câu chuyện tùy tiện đưa vào quy hoạch như trước kia".

Ông Đông lý giải: Khi xây dựng Dự thảo Luật trên, cơ quan soạn thảo không chỉ tập hợp những kiến trúc sư chỉ biết đánh dấu chấm, tô màu mà tập hợp nhiều nhà kinh tế đưa ra ý kiến, đánh giá khách quan và làm sao để khi đưa vào một vấn đề quy hoạch phải có lợi ích quốc gia cao nhất.

"Bây giờ mới đi làm Luật Quy hoạch, phải nói rằng chúng ta đã quá chậm, quá muộn. Chính vì thế, các bộ, ngành đừng đặt ra đặc thù của đất nước để không muốn thay đổi, đừng duy trì cái êm ấm hiện để giữ lợi ích cho mình. Nước nào cũng có đặc thù, nhưng họ phải làm theo những cái nguyên lý cơ bản với những lẽ thường tình, những lợi ích nào lớn hơn như quốc gia, dân tộc thì phải được ưu tiên", Thứ trưởng Đông nói.

Theo ông Đông, khi xây dựng Luật Quy hoạch, Bộ KH&ĐT không có lợi ích của mình và Luật cũng không làm cho Bộ KH&ĐT. "Chúng tôi khẳng định, Luật Quy hoạch là lợi ích quốc gia, dân tộc, chứ không phải bảo vệ lợi ích của bộ, ngành nào. Chúng ta không thể đứng ngoài cuộc trong sân chơi thế giới và không có quyền lực thuộc về một phía trong xây dựng Luật Quy hoạch", Thứ trưởng Đông nói.

Nguyễn Tuyền