Luật Phá sản: Muốn “chết” cũng không xong

Luật Phá sản dù bảo vệ quyền lợi của nhiều phía, nhưng thực tế vẫn chỉ là những quy định trên giấy. Nhiều doanh nghiệp muốn được “chết” mà vẫn không thể được.

Luật Phá sản: Muốn “chết” cũng không xong

Hiểu rõ các ích lợi của Luật Phá sản, ông Nguyễn T. – giám đốc một công ty xây dựng nộp đơn xin phá sản do đầu tư sai. Hiện tại doanh nghiệp của ông không thể trả nổi khoản nợ gần chục tỷ đồng. Nhưng chính ông cũng không ngờ mình dính vào mớ bùng nhùng suốt hai năm chưa giải quyết dứt điểm được, mà sự trắc trở đến từ cả doanh nghiệp lẫn tòa án xử lý vụ việc.

Nhọc nhằn xin “chết”

Ông T. cho biết, tòa tiến hành các thủ tục rất chậm, như triệu tập chủ nợ, xác định loại chủ nợ, các khoản nợ… Nhưng vướng mắc lớn nhất chính là xác định giá trị tài sản còn lại của doanh nghiệp. Theo ông T., nếu giải quyết nhanh chóng, số tài sản đó được doanh nghiệp khác tiếp quản để sản xuất thì còn giá trị đền bù cho các chủ nợ. Giờ đây, khối tài sản ấy chỉ bán được cho người mua ve chai. Tòa lần nữa phải tiến hành lại các thủ tục định giá ban đầu nên vẫn chưa thể tuyên bố doanh nghiệp phá sản.

Bi đát hơn ông T., chủ một doanh nghiệp kinh doanh nông sản tên H., muốn nộp đơn phá sản để giải thoát khỏi tình trạng không có lối ra trong kinh doanh, nhưng các chủ nợ gây sức ép để không phải ra tòa. Ông H. có các khoản vay từ cá nhân và ngân hàng nhưng đa phần là vay ngân hàng. Chính ông chủ lớn này đề nghị doanh nghiệp giải quyết món nợ theo cách khởi kiện vụ án dân sự chứ không đồng ý nộp đơn ra tòa xin phá sản. Theo ông H., lập luận của ngân hàng là các khoản vay nợ của doanh nghiệp đều có tài sản đảm bảo. Nếu phát mãi, họ sẽ thu hồi được gần hết món nợ. Còn theo Luật Phá sản, tài sản sẽ được chia theo quy định, đến lượt chủ nợ có khi không còn bao nhiêu. Chưa hết, nếu doanh nghiệp nộp đơn phá sản, có nghĩa món vay phải đưa vào lập dự phòng, mà thời gian tòa tuyên phá sản khá dài thì khoản nợ ấy bị treo lâu, dễ bị liệt vào nợ xấu, ảnh hưởng đến lợi nhuận cả năm.

Tại sao nên nỗi?

Theo báo cáo của 12/52 tòa án nhân dân cấp tỉnh, kể từ khi áp dụng Luật Phá sản (năm 2004) đến nay, những đơn vị này không thụ lý bất cứ yêu cầu phá sản của doanh nghiệp nào. Việc chậm chạp trong ra quyết định tuyên bố phá sản nằm ở những bất cập trong Luật Phá sản, mà gần đây giới thẩm phán tòa án đưa ra kiến nghị sửa đổi 57/95 điều khoản vì những quy định gây phiền hà và thiếu thực tế. Chẳng hạn, quy định hội nghị chủ nợ phải có mặt hơn 50% tổng số chủ nợ là một tỉ lệ cao, sẽ gây đình trệ trong việc giải cứu, tái cơ cấu doanh nghiệp. Hay có doanh nghiệp không còn đồng nào, cũng không còn tài sản nào để nộp lệ phí tòa án, mà không nộp lệ phí tòa án thì không xử được. Hoặc có những vụ phá sản mà chủ doanh nghiệp là người nước ngoài đã bỏ về nước thì tòa gặp rất nhiều khó khăn trong việc xử lý tài sản của doanh nghiệp ấy.

Luật sư Trần Đình Phương, Văn phòng Luật sư Trần và Liên danh, người nhiều năm tư vấn phá sản cho doanh nghiệp, cho biết: doanh nghiệp gặp nhiều bất lợi khi mở thủ tục phá sản. Đó là chủ doanh nghiệp bị tuyên phá sản không được quyền thành lập và giữ các chức vụ quản lý doanh nghiệp. Đây là hình phạt nặng và làm giảm tinh thần khởi nghiệp. Nếu kinh doanh lừa đảo thì đó là hình phạt hợp lý, nhưng việc mất hết tài sản do kinh doanh thất bại vì không may hay gặp rủi ro đã là một sự trừng phạt. Tại Việt Nam rất dễ chuyển từ vụ việc dân sự sang hình sự mà ngay trong Luật Phá sản cũng quy định khá rõ: Trong quá trình tiến hành thủ tục phá sản, nếu phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì thẩm phán phải gửi hồ sơ cho cơ quan viện kiểm sát nhân dân xem xét, khởi tố về hình sự.

Chưa kể, việc kéo dài thủ tục phá sản khiến khả năng thu hồi nợ gặp nhiều khó khăn và tài sản bị giảm giá trị. Điều này khiến cả chủ nợ và con nợ đều không muốn sử dụng thủ tục phá sản. Chẳng hạn, quy định trong Luật Phá sản chỉ được tuyên bố phá sản khi nào thu hồi hết nợ và thanh lý hết tài sản doanh nghiệp, nhưng trong thực tế, quy định ấy chỉ góp phần kéo dài vụ việc.

Những hệ lụy mang tên nợ xấu, rủi ro

Luật Phá sản hiện nay không chỉ đặt mục tiêu bảo vệ quyền lợi cho các chủ nợ mà còn có mục tiêu bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản và tạo cơ hội cho doanh nghiệp ấy tự tái tổ chức, phục hồi kinh doanh.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc chậm chạp ra quyết định tuyên bố phá sản tạo ra nhiều bất lợi và rủi ro trong các quan hệ kinh tế. Trong quá trình chờ tòa tuyên phá sản, các nguồn lực của doanh nghiệp dừng hoạt động, không những lãng phí mà còn liên lụy đến các doanh nghiệp đang hoạt động lành mạnh khác. Việc không cho doanh nghiệp “chết” là cách bóp méo và tạo ra ảo tưởng về một nền kinh tế lành mạnh. Chẳng hạn, thay vì để doanh nghiệp phá sản thì ngân hàng do sợ ảnh hưởng đến lợi nhuận đã cho đảo nợ, hay bơm vốn duy trì sự sống cho doanh nghiệp. Điều này chỉ làm tăng thêm rủi ro cho hệ thống ngân hàng, mà biểu hiện qua “nợ xấu” được nói nhiều trong thời gian qua.

Câu chuyện này tương đồng với sự e ngại phá sản các doanh nghiệp nhà nước làm ăn thất bại. Đó là nỗi sợ gây thất nghiệp ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng ngàn lao động, sợ ảnh hưởng đến thành tích của cơ quản quản lý nhà nước, sợ phơi bày các yếu kém quản lý. Trong khi đó, nếu cho những doanh nghiệp nhà nước yếu kém ấy phá sản thì không những ngưng được việc cung cấp tài chính một cách vô ích mà còn giúp tái cơ cấu doanh nghiệp, đặt ra nền tảng giám sát một cách minh bạch.
 
Thực tế từ những con số
 
Theo thống kê của tòa án nhân dân tối cao, từ năm 2008 đến năm 2011, ngành tòa án đã nhận được 636 đơn yêu cầu được phá sản, trong đó trả lại đơn 13 vụ, ra quyết định mở thủ tục phá sản 518 vụ, ra quyết định không mở thủ tục phá sản 9 vụ, ra quyết định đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản 18 vụ. Đặc biệt trong 636 đơn của bốn năm (2008 - 2011), tòa án chỉ ra được quyết định tuyến bố phá sản 45 vụ.
 
 
 
 
 
 
 
Theo Thái Thanh
Doanh Nhân