Luật Chứng khoán đặt cá nhân môi giới ra ngoài

Dự thảo Luật Chứng khoán đang được thảo luận tại Quốc hội sẽ xác định lại khái niệm “môi giới chứng khoán” theo hướng chỉ cho phép công ty chứng khoán thực hiện hoạt động này.

Cụ thể, tại điều 6, thuật ngữ “môi giới chứng khoán” được giải thích “là việc công ty chứng khoán làm trung gian thực hiện mua, bán chứng khoán cho khách hàng”.

Tại Nghị định 144 về thị trường chứng khoán, thuật ngữ này được xác định “là hoạt động trung gian hoặc đại diện mua, bán chứng khoán cho khách hàng để hưởng phí”. Như vậy có thể thấy dự thảo Luật Chứng khoán đã được “xiết chặt” hơn.

Tại diễn đàn Quốc hội ngày 26/5, đã có một số đại biểu đề nghị mở rộng hoạt động môi giới cho các tổ chức, cá nhân khác. Tại báo cáo giải trình tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 20/6, Ban thường vụ cho rằng kinh doanh chứng khoán là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, có độ rủi ro cao, sự hiểu biết của công chúng còn hạn chế.

Để đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư, dự thảo Luật chỉ cho phép công ty chứng khoán thực hiện hoạt động môi giới, không cho phép cá nhân hoạt động môi giới tự do nhằm ngăn chặn việc lợi dụng sự kém hiểu biết của công chúng, sử dụng chứng chỉ hành nghề để lừa đảo.

Tuy nhiên, tại phiên thảo luận sáng 20/6, nhiều lý lẽ không đồng tình với giải trình này. Đại biểu Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) cho rằng xét từ thực tế của Việt Nam, số lượng công ty cổ phần không phải nhỏ và sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới. Đây là cơ sở cho thị trường phi tập trung (OTC) phát triển mạnh và kéo theo là nhu cầu trao đổi, mua bán chứng khoán tăng cao.

“Lượng hàng hóa trên thị trường chứng khoán tăng sẽ cần một lực lượng môi giới hùng hậu để đáp ứng, nhất là cho thị trường OTC. Các công ty chứng khoán sẽ khó đảm đương được toàn bộ vai trò tìm nhà đầu tư. Nếu chỉ giới hạn hoạt động môi giới ở những công ty này sẽ là lực cản cho thị trường chứng khoán phát triển”, đại biểu này nhận xét.

Cũng theo ông Hậu, hiện nay tại các thành phố lớn xuất hiện nhiều địa điểm mua bán chứng khoán tự do như các dạng café chứng khoán. Ở đó, cổ đông và nhà đầu tư có thể gặp gỡ mua bán trực tiếp hoặc thông qua người môi giới để tìm đến nhau.

Thực tế hiện nay quy mô của thị trường không chính thức được ví với phần chìm của tảng băng và lớn gấp nhiều lần quy mô của thị trường tập trung. Trong số các doanh nghiệp đang niêm yết và đăng ký giao dịch tại hai trung tâm Hà Nội và TPHCM, số công ty có mức vốn điều lệ từ vài trăm tỷ đến ngàn tỷ chỉ đếm trên đầu ngón tay, đó là chưa kể đến tổng số cổ phiếu được lưu ký, giao dịch tập trung còn rất nhỏ.

Hoạt động môi giới, giao dịch của thị trường OTC trên thực tế hết sức sôi động nhưng không được phản ánh nhiều trên các phương tiện truyền thông cũng như trên các báo cáo hàng ngày.

Hoạt động môi giới trong thị trường không chính thức đang phát triển thông qua các công ty và cá nhân. Nhiều công ty và cá nhân đã trang bị cơ sở vật chất khá hiện đại để thực hiện dịch vụ này. Việc chào mua chào bán trên mạng Internet cũng như qua một số phương tiện truyền thông khác cũng rất phổ biến.

“Môi giới trên thị trường tự do có tiêu cực và lừa đảo không? Chắc chắn là có. Nhưng nhân tố tốt cũng rất nhiều. Tất nhiên, tất cả đều còn tự phát nhưng nếu quy định như trong dự thảo, hoạt động của họ hoàn toàn đặt ra ngoài vòng pháp luật. Như vậy chúng ta sẽ dẹp bỏ một lực lượng mạnh cho sự phát triển thị trường chứng khoán còn non kém của chúng ta” ông Hậu nói.

Tuy nhiên, tại phiên thảo luận, cũng có ý kiến đồng tình với việc hạn chế hoạt động môi giới chứng khoán của dự thảo với lý lẽ cho rằng hiện nay các ngân hàng thương mại hay các công ty bảo hiểm cũng đã thành lập công ty chứng khoán và thực hiện hoạt động môi giới, đủ sức cung cấp dịch vụ cho nhà đầu tư.

Theo kế hoạch, ngày 23/6 tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ lại có giải trình cụ thể các ý kiến của đại biểu trước khi đưa Luật Chứng khoán ra biểu quyết thông qua.

Theo Nguyễn Hoàng
VnEconomy