Lừa đảo giả mạo tăng mạnh, ngân hàng đồng loạt cảnh báo
(Dân trí) - Ngày càng có nhiều thủ đoạn lừa đảo mới, tinh vi nhắm đến các khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng. Chuyên gia cho biết từ đầu tháng 8 tới nay ghi nhận hàng trăm lượt báo cáo từ người dùng.
Ngân hàng: Cảnh báo và cảnh báo
SCB mới đây đã ra thông báo khuyến cáo khách hàng không truy cập vào đường link trong tin nhắn giả mạo ngân hàng cũng như không cung cấp các thông tin đăng nhập.
Cụ thể, ngân hàng này cho biết gần đây ghi nhận việc xuất hiện đối tượng mạo danh ngân hàng gửi tin nhắn SMS lừa đảo về việc tài khoản của khách hàng bị khóa hoặc đã đăng nhập ở một thiết bị khác, thông báo về đăng ký dịch vụ mới, tài khoản bị trừ tiền... Các đối tượng này yêu cầu khách hàng bấm vào đường link trong tin nhắn để hủy hoặc thanh toán dịch vụ.
Trong khi đó, VietABank lại cho biết qua điều tra và phản ánh của khách hàng, cơ quan chức năng phát hiện có một nhóm đối tượng giả mạo email hiển thị "Dich vu Khach hang Ngan hang", sử dụng biểu mẫu và logo thương hiệu của ngân hàng gửi thông báo sao kê thẻ tín dụng, với nội dung thông báo khách hàng đang có dư nợ thẻ tín dụng cần thanh toán. Kẻ gian sau đó gọi điện cho khách hàng và xưng là nhân viên ngân hàng hướng dẫn và thúc ép khách hàng thanh toán dư nợ.
VPBank tháng trước cũng phải gửi email cảnh báo tới khách hàng về chiêu thức giả mạo ngân hàng được dàn dựng, nhằm chiếm đoạt tài sản của khách hàng này.
VIB cũng đã đưa ra cảnh báo một số đối tượng lừa đảo đang sử dụng tin nhắn gửi khách hàng hướng dẫn đăng ký dịch vụ tài chính toàn cầu và yêu cầu khách hàng bấm vào link giả mạo, nhằm chiếm đoạt thông tin đăng nhập ứng dụng MyVIB/Internet Banking.
Hay như LienVietPostBank mới đây cũng cảnh báo việc bị mạo danh dưới tên LIENVIETCREDIT. Cụ thể, một số trường hợp mạo danh dưới tên LIENVIETCREDIT gửi tin nhắn qua điện thoại, email, tờ rơi thông báo giải ngân khoản vay hoặc thông báo khách hàng có khoản vay quá hạn cần phải chuyển tiền vào tài khoản do các đối tượng chỉ định. Nếu khách hàng không thực hiện chuyển tiền cho các đối tượng trên, sẽ gặp rắc rối về pháp lý.
"Chúng tôi nhận được báo cáo của nạn nhân gần như mỗi ngày..."
Trao đổi với Dân trí, một chuyên gia đến từ dự án Chống lừa đảo cho biết, từ đầu tháng 8 tới nay, hệ thống này ghi nhận hàng trăm lượt báo cáo từ người dùng về các nội dung lừa đảo. Hàng chục tên miền mạo danh các ngân hàng, tổ chức tài chính lớn tại Việt Nam xuất hiện.
"Chúng tôi đều nhận được báo cáo của nạn nhân gần như mỗi ngày, phản ánh về việc giả mạo ngân hàng", vị chuyên gia nói. Các chuyên gia tại đây vẫn phải chủ động tìm kiếm những website lừa đảo mạo danh ngân hàng để cảnh báo cho mọi người.
Vị chuyên gia cho biết, các tên miền lừa đảo này thường có dạng gần giống với tên miền chính. Nếu nhìn qua, người dùng thường chỉ để ý đến phần tên miền phụ, giống với tên ngân hàng và có thể lầm tưởng là website chính thức của ngân hàng bởi khi nhấn vào vẫn thấy hình ảnh, logo giống như thật. Các tên miền lừa đảo này phần lớn được phát tán qua SMS, email… để dụ người dùng bấm vào đường link lạ.
Để đảm bảo an toàn khi sử dụng dịch vụ, hàng loạt ngân hàng cũng ra khuyến cáo khách hàng về việc không bấm vào đường link được cung cấp trong tin nhắn hoặc email. Ngân hàng cũng khuyến cáo khách không cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu, OTP, số thẻ cho bất kỳ ai. Ngoài ra, các ngân hàng lưu ý, khách hàng cần cảnh giác cao độ với các cuộc gọi, tin nhắn hay email yêu cầu cung cấp thông tin.
Nhiều ngân hàng còn khuyến nghị khách hàng trình báo tới cơ quan Công an gần nhất, và thông báo tới bộ phận chăm sóc khách hàng theo đường dây nóng trong trường hợp không may vướng vào lừa đảo mạo danh ngân hàng.
Đại diện dự án Chống lừa đảo nhấn mạnh, người dùng cần kiểm tra kỹ trước khi truy cập các tên miền liên quan đến ngân hàng, tổ chức tài chính, không cung cấp thông tin của cá nhân cho bất cứ ai, kể cả người tự xưng là nhân viên ngân hàng qua điện thoại.
"Nếu cảm thấy có nghi ngờ, ngần ngại, phải gọi ngay lên tổng đài chăm sóc khách hàng mà mình đang sử dụng để kiểm tra", vị chuyên gia trên nói thêm.