Lừa bán cây cảnh: Kẻ dính án, người "hốt bạc"!

(Dân trí) - Cùng hành vi lừa đảo mua nho thân gỗ, lan đột biến nhưng cuối cùng mỗi dân buôn này lại nhận những cái kết khác nhau.

Lừa bán lan đột biến Hồng Minh Châu tiền tỷ bị bắt

Mới đây, khi phát hiện 2 chậu phong lan đột biến Hồng Minh Châu mua với giá 1,47 tỷ đồng là hàng giả, ông Đỗ Văn Thưởng (ngụ huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) đã báo công an.

Người bán 2 chậu lan này cho ông Thưởng là Bùi Văn Sỹ (34 tuổi) trú tại xã Đoàn Kết, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình.

Lừa bán cây cảnh: Kẻ dính án, người hốt bạc! - 1

Một chậu phong lan đột biến Hồng Minh Châu mà đối tượng Bùi Văn Sỹ (trú tại xã Đoàn Kết, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình) đã bán cho ông Đỗ Văn Thưởng (ngụ huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng)

Trước đó, ông Thưởng đã mua của Bùi Văn Sỹ 4 cây lan rừng Hồng Yên Thủy và 1 chậu Hồng Mỹ Nhân với giá 440 triệu đồng. Để tạo sự tin tưởng, đối tượng Bùi Văn Sỹ còn viết giấy cam kết về cây và chất lượng mặt hoa của những cây, chậu lan mà mình bán.

Tuy nhiên, bằng các biện pháp nghiệp vụ của cơ quan chức năng, đối tượng Sỹ đã thừa nhận số hoa lan đã bán cho ông Thưởng đều là hoa lan thông thường, chứ không phải là hoa lan đột biến quý hiếm.

Hiện vụ việc đang được Công an huyện Di Linh đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với Bùi Văn Sỹ.

Vườn lan đột biến trị giá hơn 60 tỷ đồng

Bỏ ra 30 tỷ đồng chi phí đầu tư, nhưng hiện nay giá trị vườn lan của anh Ngô Bình Trị (44 tuổi, ở huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) đã tăng gấp 2 lần với khoảng hơn 60 tỷ đồng.

Khu vườn được anh Trị xây dựng khép kín bằng khung sắt, rộng 200m2. Ngoài những cây lan đột biến thông thường, anh Trị sở hữu nhiều cây lan đột biến quý hiếm có giá vài tỷ đồng mỗi chậu như lan đột biến Bảo Duy, lan đột biến Vĩnh Khang, lan đột biến Người đẹp không tên…

Theo anh Trị, các loại lan đặc biệt này có giá 8 tỷ đồng/chậu (loại chưa ra hoa, thân dài hơn 30cm). 

Đó là chia sẻ của anh Trị, còn trên thực tế, khi cơn bão lan đột biến đi qua thì giá trị vườn thời điểm hiện tại không thực sự cao như vậy. Thậm chí, đầu ra với mặt hàng này đang là dấu hỏi lớn.

Cú lừa nho thân gỗ: Bán nhành "củi khô"

Nhập cây giống nho thân gỗ từ Lạng Sơn về Hà Nội bán online, một dân buôn đã khẳng định chắc chắn loại cây mình bán không thể ra quả. Tuy nhiên, mỗi ngày người này vẫn có 50 - 60 đơn hàng, mỗi đơn khách mua 5 - 6 cây.

Để tạo thêm lòng tin cho khách, người này đã lấy ảnh trên mạng để gửi đi, thay vì những cây nho nhìn như củi khô đã nhập.

Lừa bán cây cảnh: Kẻ dính án, người hốt bạc! - 2

Nho thân gỗ

Bán cây giả, nhưng ăn tiền thật. Trừ chi phí chạy quảng cáo facebook và chi phí thuê nhà để cắt tỉa cây, mỗi tháng người buôn này thu lãi 60 triệu đồng. Tháng nào thấp anh cũng lãi 35 - 45 triệu đồng. Cao điểm bán hàng nhất chính là thời điểm giữa mùa dịch.

“Đó là mới làm nhỏ, nếu làm lớn thì doanh thu của tôi còn cao nữa. Số tiền vốn bỏ vào chỉ khoảng gần 100 triệu đồng” - người này nói và cho biết thêm: Rủi ro duy nhất chỉ là khách nhận hàng không ưng ý sẽ trả lại, phía anh sẽ phải chịu phí vận chuyển.

Sơ-ri bonsai giá hiếm lạ của “tướng cướp hoàn lương”

Từng là “ông trùm xã hội khét tiếng một thời" với biệt danh “Dũng K cơ” khi lập “đặc khu” giữa vùng vàng. Đến khi hoàn lương chơi cây cảnh, anh Dũng cũng nổi danh không kém khi sở hữu rất nhiều sinh vật cảnh thuộc hàng hiếm lạ.

Đáng chú ý trong đó phải kể tới cây sơ-ri Mỹ đạt giải vàng triển lãm bonsai châu Á - Thái Bình Dương năm 2017.

Theo anh Dũng, những cây si rô , sơ-si trồng để lấy quả chứ ít người trồng làm cảnh nên những cây si rô anh sở hữu có tuổi đời rất cao, giá trị nghệ thuật lớn. Có cây lên đến hàng trăm triệu đồng.

Mới đây, một cây si-rô cổ thụ đạt Kỷ lục Guinness Việt Nam năm 2020 được rao bán với giá 7 tỷ đồng của bà Lê Thị Hoa (Cần Thơ).