Lòng tham “nuôi” tín dụng đen

Khi viết “Trăm điều khốc hại chẳng qua vì tiền” đại thi hào Nguyễn Du đã không nghĩ rằng, vài chục năm sau, Karl Marx khẳng định, khi lợi nhuận đạt tới 300% thì nhà tư bản có thể làm bất cứ việc gì cho dù có thể bị “cắt cổ”.

Ma lực của kim tiền có thể ghê gớm đến mức băng hoại xã hội. Tín dụng đen chính là “quái thai” của xã hội kim tiền.

 

Cuộc chiến chống tín dụng đen ở nước ta đã thu được những kết quả khả quan. Các tội phạm tín dụng “cổ cồn” cũng như áo ngắn lần lượt sa lưới pháp luật. Tín dụng đen tưởng đã chết vùi chết dập sau khi Luật Ngân hàng và Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực, nào ngờ nó lại góp “gió” đến mức thành “bão” tín dụng đen.
 
Lòng tham “nuôi” tín dụng đen

 

Vậy tín dụng đen là cái giống gì? Tín dụng đen là cụm từ hay được dùng để chỉ các hoạt động cho vay dân sự không qua hệ thống ngân hàng chính thức. Tín dụng đen thường diễn ra như những hoạt động ngầm, âm thầm, không ồn ào, nhưng hệ lụy của nó thì có thể là khuynh gia bại sản, thậm chí có những tình huống siết nợ bạo lực, đẫm máu và nước mắt, gây bất an cho xã hội…

 

Liên tiếp tại các địa phương, các vụ vỡ hụi, vỡ nợ đang gây tai họa ghê gớm cho đời sống của người dân. Tín dụng đen trở thành dịch bệnh lây lan từ biên giới phía bắc đến phía nam, từ đồng bằng đến trung du, miền núi… nhưng đều có một điểm chung là các vụ vỡ nợ tín dụng đen thường xảy ra ở khu phố, làng quê nơi mà các đối tượng đi vay luôn lợi dụng các mối quan hệ bà con làng xóm, thậm chí cả họ hàng thân thuộc để được vay một cách dễ dàng hơn.

 

Chủ nợ bị hấp dẫn bởi mức lãi suất cao ngất ngưởng, thường lại cả tin vào các con nợ bằng cách ứng xử duy tình. Trong khi lãi suất của ngân hàng cao nhất cũng chỉ là 15%/năm thì lãi suất tín dụng đen có thể lên 10%/tháng.

 

Lòng tham trở thành mảnh đất màu mỡ cho tín dụng đen. Vì duy tình nên nghĩ rằng, người hàng xóm hay bà con của mình sẽ không thể lừa mình. Nhưng các vụ vỡ nợ liên tiếp đã chỉ ra rằng, “cho vay bằng niềm tin” chính là yếu tố đem lại rủi ro lớn, khi tiền thì thật, mà niềm tin thì chưa chắc đã là thật. Cho đến khi đứng trước nguy cơ mất trắng, người ta mới thừa nhận rằng, vì lòng tham mà nên nỗi. Thời buổi này làm gì có mức lãi suất cao ngất trời như vậy? Những vụ vỡ nợ, vỡ hụi ở thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Tây Ninh, Tiền Giang, Quảng Ngãi, Lâm Đồng, Điện Biên, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Quảng Ninh… xảy ra mới đây đã và đang gây hiệu ứng xấu trong dư luận xã hội.

 

Nỗi đau nhân lên gấp bội ở những nơi cơn bão tín dụng đen tràn qua như thị trấn Phú Minh ở Phú Xuyên; thị trấn Phùng ở Đan Phượng, Hà Nội... Nhiều gia đình đang yên ấm bỗng chốc “tan đàn sẻ nghé”, vợ phải xa chồng, con phải lìa mẹ. Một bầu không khí ảm đạm bao trùm khắp các làng quê vốn thanh bình yên ả. Cá biệt, có người định tìm đến cái chết, giải thoát cho bản thân… Những người đi gom tiền thì bị sức ép đòi tiền, người trót thế chấp sổ đỏ thì bị ngân hàng thông báo đòi nhà. Còn những người đã đưa giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì đang sống trong tâm trạng thấp thỏm lo âu vì không biết tài sản của mình đã bị cầm cố ở đâu.

 

Các vụ tín dụng ở Hà Nội được thực hiện với thủ đoạn không mới so với những vụ vỡ hụi của hàng chục năm trước đây. Vẫn là đối tượng lợi dụng mối quan hệ quen biết, tạo dựng niềm tin, trả lãi suất cao hơn lãi suất ngân hàng… nhưng vẫn có rất nhiều người rơi vào cái bẫy tín dụng đen. Chỉ có điều khác là, giờ đây số tiền chiếm đoạt lớn hơn nhiều, đối tượng cũng tinh vi hơn khi chúng biết nhằm vào những gia đình có kinh tế khá giả, có uy tín và có khả năng huy động vốn.

 

Trong vụ vỡ nợ tín dụng đen tại thị trấn Phùng, lời khai của các chủ nợ của vợ chồng Quang, Quyên, đồng thời cũng đang là “con nợ khủng” của những “cầu dưới” đã phần nào lý giải được nguyên nhân vì sao ngay cả những người nông dân hiền lành, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, thậm chí, cả người tu hành cũng bị “xoáy” vào cơn lốc tín dụng đen mà số tiền khi bị vỡ nợ khiến người ta phải giật mình.

 

Câu chuyện của chị D, một trong các chủ nợ của Quyên sẽ giúp hình dung được về “bức tranh” ảm đạm của các vụ vỡ nợ tín dụng đen đang hoành hành tại Hà Nội thời gian qua. Trước đây, D từng có công việc ổn định tại một ngân hàng. Dạo đó, thấy người ta huy động vốn ngon lành, D và chồng cũng bàn bạc nhau huy động vốn để cho vay tiếp. Mỗi tháng D hưởng chênh lệch tiền lãi là 30 triệu đồng. “Ngồi mát, ăn bát vàng”, D lao vào vòng xoáy của tín dụng đen như một con thiêu thân, tổng số tiền vợ chồng D đang nợ khoảng 10 tỉ đồng. “Có lúc, túng quẫn hai vợ chồng bàn nhau hay là uống một liều thuốc ngủ cho quên đi tất cả. Nhưng rồi lại nghĩ đến 3 đứa con nhỏ, đứa bé nhất mới được 5 tháng tuổi. Giờ em đã mất phương hướng và không còn khả năng trả nợ”, D giãi bày.

 

Tại thành phố Lạng Sơn, cặp vợ chồng siêu lừa Nguyễn Văn Trung và Tạ Bích Liên bằng chiêu lãi suất cao đã ẵm mấy trăm tỉ đồng rồi bỏ trốn. Thủ đoạn của cặp vợ chồng này “xưa như diễm” mà vẫn lừa được rất nhiều người. Món hời lãi suất siêu cao khiến người ta vay mượn cầm cố để cho Trung - Liên vay. Có căn nhà đang xây cũng thế chấp được để vay tiền ngân hàng chuyển vào tài khoản Trung - Liên sử dụng.

 

Gần đây là vụ vỡ hụi gây chấn động tại khu chợ Thủ (thuộc Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương), hàng chục tiểu thương ở khu chợ này đang lao đao vì số tiền lên đến hàng chục tỉ đồng. Bằng hình thức vừa chơi hụi vừa cho vay tiền, vàng nên chủ hụi dễ dàng huy động, lôi kéo nhiều tiểu thương tham gia vào các dây hụi của mình. Trong đó, người tham gia ít nhất cũng vào khoảng 100 triệu đồng, người nhiều nhất lên đến trên 1 tỉ đồng. Do không thể đòi lại số tiền khoảng 30 cây vàng đã đóng hụi nên bà N.T.H đã bị sốc nặng, đột quỵ rồi tử vong tại bệnh viện.

 

Những vụ lừa hụi quy mô lớn liên tiếp diễn ra tại nhiều tỉnh, thành cho thấy, còn nhiều bất cập trong quy định của pháp luật. Khi cơn lãi suất lên đến đỉnh điểm, lắm người không chỉ dốc toàn bộ số tiền tiết kiệm được mà còn giấu gia đình cắm sổ đỏ vay tiền ngân hàng, đi huy động anh em, họ hàng, người thân giúp để có tiền đóng hụi.

 

Thực tế từ các vụ vỡ nợ trên cho thấy, khả năng thu hồi nợ trong vụ việc này là rất khó thực hiện. Bởi các khoản tiền từ tín dụng đen đã bị chia ra rất nhiều phần. Một phần về tay những người được hưởng lợi từ tín dụng đen mang lại, số tiền này đã đưa vào ăn chơi, việc này kéo dài trong một thời gian, không có khả năng thu hồi. Một phần khác được đưa vào kinh doanh bất động sản, trong khi đó thị trường này hiện đang “đóng băng”, một số người để có tiền trả nợ buộc phải chấp nhận bán với giá thấp hơn rất nhiều so với giá tiền đã bỏ ra mua.

 

Số tiền vỡ nợ rồi sẽ được làm rõ nhưng khả năng thu hồi của các chủ nợ rất mong manh. Đau đớn nhất là những người đi vay để cho vay, được ít lãi vài tháng đầu để rồi mất trắng, lấy gì trả nợ?

 

Lòng tham khiến người ta như thiêu thân lao vào lửa lãi suất nên chết cháy!

 

Theo Minh Nghĩa

Petrotimes