Lợi nhuận của SCIC “bốc hơi” 10.000 tỷ đồng sau kiểm toán
(Dân trí) - Nếu như theo báo cáo của SCIC, trong năm 2016, với thương vụ thoái vốn “khủng” khỏi Vinamilk, “siêu tổng công ty” này đã đạt được hơn 18.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, song tại báo cáo tài chính đã được kiểm toán bởi Deloitte thì mức lãi trước thuế lại chỉ còn hơn 8.000 tỷ đồng.
Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa công bố báo cáo tài chính năm 2016 đã được kiểm toán bởi Công ty kiểm toán Deloitte.
Theo đó, sau khi được kiểm toán, SCIC báo doanh thu cả năm ở mức 10.530,6 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm trước đó. Lợi nhuận thuần từ hoạt động đầu tư và kinh doanh vốn đạt 7.941,4 tỷ đồng, bằng 92,2% kết quả đạt được trong năm 2015.
Cộng với khoản lợi nhuận khác và phần lãi trong công ty liên kết, liên doanh, tổng công ty này đạt 8.097,6 tỷ đồng tổng lợi nhuận kế toán trước thuế trong năm vừa qua, giảm gần 581 tỷ đồng so với năm trước đó. Lợi nhuận ròng còn 7.426,3 tỷ đồng, bằng xấp xỉ 95% mức lợi nhuận ròng của 2015.
Như vậy, các số liệu kinh doanh sau kiểm toán đã giảm rất mạnh so với báo cáo mà SCIC từng công bố trước đây.
Theo con số công khai tại hội nghị tổng kết hoạt động năm 2016 và triển khai kế hoạch năm 2017 diễn ra hồi tháng 1/2017, lãnh đạo SCIC cho biết, các chỉ tiêu kinh doanh của tổng công ty này đều vượt kế hoạch và tăng so với năm 2015.
Trong đó, lợi nhuận trước thuế năm 2016 đạt 18.629 tỷ đồng, bằng 107% so với kế hoạch và gấp 2 lần so với thực hiện năm 2015. Lợi nhuận sau thuế năm 2016 đạt 15.826 tỷ đồng, bằng 107% so với kế hoạch và bằng 197% so với thực hiện năm 2015.
Mới đây, số liệu lại tiếp tục có sự thay đổi nhẹ theo báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh giai đoạn 2013 – 2016 của tổng công ty này. Theo đó, năm 2016, SCIC đạt tổng doanh thu 22.034 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 18.971 tỷ đồng.
Mặc dù, SCIC chưa có văn bản nào giải trình về sự thay đổi số liệu kết quả kinh doanh năm 2016, song có thể suy đoán là do có sự thay đổi về cách hạch toán nguồn thu từ một số thương vụ thoái vốn đầu tư của báo cáo trước và sau kiểm toán.
Vào ngày 12/12/2016, SCIC đã thực hiện bán cổ phần tại Vinamilk theo kế hoạch. Kết quả, SCIC đã bán hết được 60% số cổ phần chào bán (chiếm 5,4% vốn điều lệ), giá trị thu về là 11.286 tỷ đồng, gấp 28 lần so với giá vốn. Tại thương vụ này, SCIC đã thu về giá trị gia tăng tới hơn 800 tỷ đồng do bán được cổ phần tại mức giá 144.000 đồng/cổ phần (cao hơn so với giá thị trường ngày chốt phiên giao dịch là 133.700 đồng).
Như vậy, báo cáo tài chính hậu kiểm toán của SCIC có thể đã không được ghi nhận nguồn thu hơn 11.000 tỷ đồng từ thương vụ bán vốn Vinamilk. Điều này đã dẫn đến kết quả hoạt động kinh doanh năm 2016 của SCIC thậm chí còn “đuối” hơn cả năm 2015.
Bích Diệp