Mỗi tháng SCIC phải bán vốn tại 10 doanh nghiệp, 70-80% rất khó bán

(Dân trí) - Với số lượng doanh nghiệp đã thực hiện thoái vốn trong 3 tháng đầu năm là 7 doanh nghiệp so với kế hoạch 107 doanh nghiệp trong cả năm, tính ra từ nay đến cuối năm, SCIC phải thoái vốn mỗi tháng hơn 10 doanh nghiệp. Rủi ro là 70-80% trong số này thuộc diện khó bán, không hấp dẫn giới đầu tư.


SCIC vẫn muốn giữ 50% vốn tại FPT Telecom

SCIC vẫn muốn giữ 50% vốn tại FPT Telecom

Thông tin với báo chí sáng nay (19/4), ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cho biết, từ ngày 23/2/2017, SCIC đã có văn bản báo cáo với Bộ Tài chính và Thủ tướng Chính phủ về lộ trình và tiến trình thực hiện Quyết định số 58 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về phân loại những doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) mà SCIC có cổ phần nắm giữ.

Theo đó, theo kế hoạch của SCIC đã được Bộ Tài chính chấp thuận để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trong giai đoạn từ nay đến 2020, tổng công ty này sẽ cổ phần hóa (CPH) và bán vốn tại 5 DN, tiếp tục đầu tư và nắm giữ tại 3 DN, bán vốn cả giai đoạn 137 DN.

Cụ thể, 3 DN mà SCIC sẽ giữ lại vốn hiện có là Công ty cổ phần Đầu tư SCIC (100% vốn). Công ty Cơ khí khoáng sản Hà Giang (SCIC đang nắm 47% vốn) - đây là công ty khoáng sản có quy mô khá lớn và hoạt động tại địa bàn biên giới nhạy cảm về an ninh, SCIC cần giữ lại phần phủ quyết. Công ty Viễn thông FPT - FPT Telecom (SCIC đang giữ 50%). Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, SCIC vẫn chưa nhận được kết luận của Thủ tướng về kế hoạch này.

Theo kế hoạch kinh doanh mà SCIC đã sớm trình lên Bộ Tài chính và được Bộ Tài chính "tạm chấp thuận" để triển khai: Trong năm 2017, SCIC đặt mục tiêu doanh thu tăng 6% so với năm 2016, đạt trên 11.000 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế theo quy định về hạch toán của SCIC hiện hành dự kiến đạt trên 8.000 tỷ đồng, tăng 7%.

Nộp ngân sách Nhà nước (NSNN) trên 5.000 tỷ đồng, tăng khoảng 8%. Tổng chi phí gần 3.000 tỷ đồng (trong đó phần lớn là chi phí bán vốn còn chi phí hành chính cho bộ máy chỉ khoảng trên 100 tỷ đồng).

Tuy nhiên, kết thúc quý I/2017, doanh thu của SCIC ước tính mới đạt 639 tỷ đồng, chỉ bằng 22% so với cùng kỳ năm 2016 và bằng 6% kế hoạch mà Hội đồng thành viên đề ra (tạm tính). Lợi nhuận trước thuế ước đạt 584 tỷ đồng, bằng 7% kế hoạch năm 2017 (tạm tính) và bằng 28% so với cùng kỳ năm trước. Tương ứng, lợi nhuận sau thuế đạt 503 tỷ, bằng 29% so với cùng kỳ năm 2016.

Đáng chú ý, theo kế hoạch mà SCIC đặt ra, trong năm nay, tổng công ty này sẽ thực hiện bán vốn tại 107 DN trong đó có rất nhiều DN chuyển từ năm 2016 chuyển sang, vốn nhỏ, khó khăn không bán được. Thế nhưng, đến hết quý I, SCIC mới chỉ thực hiện bán vốn nhà nước tại 7 DN, với giá vốn là 37 tỷ đồng, giá trị thu được là 44 tỷ đồng, bằng 1,2 lần giá vốn. So với kế hoạch bán vốn đặt ra cho năm 2017, tính ra, từ nay đến cuối năm, SCIC còn phải thực hiện bán vốn Nhà nước tại 100 DN, bình quân mỗi tháng phải bán hơn 10 DN.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Chi cho hay, việc bán 100 DN còn lại trong năm là công việc rất đồ sộ và vất vả, song vẫn phải cố gắng hoàn thành. Rủi ro đối với tổng công ty này đó là, trong số 100 DN này có rất nhiều DN bán rất khó (ước tính có 70-80 doanh nghiệp thuộc diện này), không hấp dẫn được nhà đầu tư.

"Đây cũng chính là nguyên nhân lý giải cho các chỉ tiêu kinh doanh của SCIC thấp trong quý I, tỷ lệ doanh thu trên giá vốn thấp. Chúng tôi đã phải sử dụng rất nhiều biện pháp kỹ thuật để bán được những DN này mà vẫn bảo toàn được vốn", lãnh đạo SCIC chia sẻ.

Bích Diệp