Lọc dầu Dung Quất "than" sắp hết chỗ chứa hàng tồn kho

(Dân trí) - PVN cho biết, do một số khách hàng đề nghị giảm lượng hàng, giãn lịch nhận hàng và từ chối mua hàng bổ sung… gây tồn kho sản phẩm ở mức khá cao tại một số thời điểm, nhiều khả năng sẽ vượt khả năng chứa vào cuối năm nay.

Từ đầu năm nay, Lọc dầu Dung Quất liên tiếp đề xuất Bộ Tài chính giảm thuế do lo ngại không đủ sức cạnh tranh với xăng dầu nhập khẩu.
Từ đầu năm nay, Lọc dầu Dung Quất liên tiếp đề xuất Bộ Tài chính giảm thuế do lo ngại không đủ sức cạnh tranh với xăng dầu nhập khẩu.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vừa có báo cáo gửi lên Văn phòng Chính phủ và Bộ Tài chính về tác động của chính sách thuế nhập khẩu ưu đãi đối với sản phẩm của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.

Theo đó, PVN cho biết, ngoài sản phẩm xăng hiện đang có cùng mức thuế nhập khẩu, các sản phẩm như dầu diesel và xăng máy bay Jet A-1 đều có sự chênh lệch so với mức thuế suất ưu đãi đặc biệt quy định trong các FTA. Với mức chênh lệch trong giai đoạn hiện nay đến hết năm 2015 là 5% và 10% trong năm 2016, giá các sản phẩm này của Dung Quất cao hơn so với giá nhập khẩu có xuất xứ form D tương ứng 5% và 10%.

“Kể từ giữa tháng 8/2015, nhu cầu dầu diesel trong nước thấp hơn cùng kỳ các năm trước và khách hàng ưu tiên nhập khẩu để hưởng lợi thế chênh lệch thuế. Một số khách hàng đề nghị giảm lượng hàng, giãn lịch nhận hàng và từ chối mua hàng bổ sung… gây tồn kho sản phẩm ở mức khá cao tại một số thời điểm”, PVN cho biết.

PVN cho biết, đến tháng 12/2015, nếu thuế nhập khẩu không được điều chỉnh giảm thì công tác tiêu thụ dầu diesel của Lọc dầu Dung Quất sẽ gặp nhiều khó khăn, nhiều khả năng khách hàng sẽ từ chối hoặc hạn chế mua hàng đối với mặt hàng này do chênh lệch thuế nhập khẩu diesel Dung Quất với hàng nhập khẩu ưu đãi lên tới 10% kể từ năm 2016.

Trong tháng 12/2015, dự kiến nhà máy sẽ sản xuất khoảng 620-630 nghìn m3 xăng dầu. Với lượng khách hàng cam kết tiêu thụ hàng tháng khoảng 520 nghìn m3 thì còn dư một lượng 100-110 nghìn m3 xăng dầu (trong đó có 60-70 nghìn m3 dầu diesel).

“Nếu thuế nhập khẩu không điều chỉnh giảm thì nguy cơ khách hàng bỏ hàng hoặc đẩy lùi lịch lấy hàng sang năm 2016 là rất có thể. Giả sử nửa cuối tháng 12 khách hàng không lấy hàng theo lịch và đẩy sang tháng sau thì lượng hàng tồn kho dự kiến khoảng 190 nghìn m3, trong khi sức chứa tối đa của nhà máy là 150 nghìn m3 cho dầu diesel”, văn bản của PVN nêu rõ.

Đối với các sản phẩm hoá dầu, PVN cho biết thêm, sau giai đoạn đầu tiêu thụ thuận lợi, hiện cũng gặp khó khăn do chênh lệch mức thuế nhập khẩu và thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt.

Với tình hình tiêu thụ trên, PVN tiếp tục kiến nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu đối với mặt hàng dầu diesel về 7% và các sản phẩm hoá dầu về 0% cho những tháng cuối năm 2015.

Phương Dung

Lọc dầu Dung Quất "than" sắp hết chỗ chứa hàng tồn kho - 2