1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Bộ Tài chính "hứa" tiếp tục xem xét giảm thuế cho Lọc dầu Dung Quất

(Dân trí) - Bộ Tài chính cũng cho biết, sẽ nghiên cứu điều chỉnh thuế suất ưu đãi đối với công ty TNHH MTV Lọc hoá dầu Bình Sơn (BRS) - đơn vị vận hành Lọc dầu Dung Quất - nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp.

Từ đầu năm nay, Lọc dầu Dung Quất liên tiếp đề xuất Bộ Tài chính giảm thuế do lo ngại không đủ sức cạnh tranh với xăng dầu nhập khẩu.
Từ đầu năm nay, Lọc dầu Dung Quất liên tiếp đề xuất Bộ Tài chính giảm thuế do lo ngại không đủ sức cạnh tranh với xăng dầu nhập khẩu.

"Hứa" xem xét giảm thuế vào năm 2016

Bộ Tài chính vừa có công văn hồi âm Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam trả lời một số kiến nghị về lộ trình giảm thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với một số mặt hàng xăng dầu theo cam kết ASEAN.

Theo đó, về nội dung kiến nghị có lộ trình cắt giảm mức thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng dầu diesel, nhiên liệu bay, dầu hoả và dầu mazut, Bộ Tài chính cho biết, từ nay đến hết năm 2015 sẽ giữ ổn định mức thuế suất này ở mức 20% đối với xăng, 10% với dầu mazut và nhiên liệu bay, 13% với dầu hoả.

Từ ngày 1/1/2016 trở đi, do mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt từ ASEAN (ATIGA) đối với các mặt hàng dầu diesel, mazut, dầu hoả và nhiên liệu bay sẽ được cắt giảm về mức 0%. Theo đó, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu việc điều chỉnh thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng dầu (diesel, dầu hoả, mazut và nhiên liệu bay).

Bộ Tài chính cũng cho biết, sẽ nghiên cứu điều chỉnh thuế suất ưu đãi đối với công ty TNHH MTV Lọc hoá dầu Bình Sơn (BRS) - đơn vị vận hành Lọc dầu Dung Quất - nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp.

Dung Quất liên tiếp "kêu" lỗ từ đầu năm

Trước đó, vào giữa tháng 4/2015, Bộ Tài chính đã một lần cho phép điều chỉnh theo hướng giảm thuế nhập khẩu ưu đãi đối với xăng đã giảm từ 35% xuống 20%, các mặt hàng dầu cũng giảm tương ứng 10-15% sau khi BSR lên tiếng về việc Nhà máy lọc dầu Dung Quất có nguy cơ phải đóng cửa vì thuế nhập khẩu cao.

Tuy nhiên, chỉ hai ngày sau khi mức thuế đối với diesel được áp dụng ở mức 20% công ty Bình Sơn đã gửi kiến nghị lên Bộ Tài chính đề nghị tiếp tục giảm thuế nhập khẩu dầu để giảm khó khăn cho công ty. Trước đề xuất này, ngày 4/5, Bộ Tài chính tiếp tục đồng ý điều chỉnh giảm mức thuế nhập khẩu với mặt hàng nhiên liệu diesel cho ô tô giảm từ 20% xuống 12%, diesel khác giảm từ 20% xuống 12%, dầu nhiên liệu giảm từ 25% xuống 13%, dầu diesel sinh học (B5, B10) giảm từ 20% xuống còn 12% để "cứu" Lọc dầu Dung Quất.

Chưa dừng lại đó, mới đây, BSR và PetroVietnam tiếp tục kiến nghị Bộ Tài chính giảm thuế nhập khẩu các mặt hàng nêu trên xuống dưới 10% để vừa đảm bảo nguồn thu ngân sách, vừa đảm bảo cho tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, nếu Bộ Tài chính không giảm thuế thì thậm chí nhà máy lọc dầu Dung Quất có thể phải đình sản xuất và không sản xuất được.

Về đề xuất này, trao đổi với báo giới hơn 1 tháng trước, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai khẳng định: “Bộ Tài chính đã tiếp thu ý kiến, xem xét và giảm thuế phù hợp. Cho đến nay mức thuế nhập khẩu hiện hành cũng đã được giảm. Chúng tôi cũng đã nhận được văn bản của Tập đoàn Dầu khí, văn bản của nhà máy lọc dầu Dung Quất và đã trả lời trước mắt thuế nhập khẩu đối với xăng và dầu diesel giữ như hiện hành để tiếp tục theo dõi”.

Đặc biệt, theo lãnh đạo Bộ Tài chính, nếu có tác động bất lợi tới nhà máy lọc dầu Dung Quất và nếu thuế nhập khẩu hiện hành tạo ra việc khách hàng sẽ chuyển sang mua xăng dầu nhập khẩu mà không mua xăng dầu của nhà máy lọc dầu Dung Quất nữa thì Bộ Tài chính sẽ cùng với Bộ Công Thương theo dõi diễn biến.

“Còn hiện nay chúng tôi thấy với mức thuế nhập khẩu như hiện hành, vẫn đảm bảo được sản xuất kinh doanh cũng như hoạt động xuất nhập khẩu xăng dầu”, Thứ trưởng Vũ Thị Mai kết luận.

Phương Dung

Bộ Tài chính "hứa" tiếp tục xem xét giảm thuế cho Lọc dầu Dung Quất - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm