Lọc dầu Dung Quất sẽ cổ phần hoá ngay trong quý IV/2017

(Dân trí) - Chia sẻ tại buổi họp báo diễn ra chiều ngày 18/5, ông Trần Ngọc Nguyên, Tổng Giám đốc Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) - đơn vị quản lý, vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất cho biết, theo kế hoạch đã được phê duyệt, BSR sẽ thực hiện chào bán lần đầu cổ phiếu ra công chúng (IPO) trong quý IV/2017.

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).

Trong đợt IPO này, BSR dự kiến chào bán 5-6%, phần còn lại chào bán cho các nhà đầu tư định danh và các nhà đầu tư chiến lược.

"Chúng tôi đã cùng tư vấn để tính toán bán bao nhiêu phần trăm là hợp lý, nên kế hoạch đặt ra năm nay bán tối đa 5-6%. Tuy nhiên, còn phụ thuộc vào mức độ hấp dẫn của công ty và nhà đầu tư đánh giá như thế nào về tình hình tài chính của doanh nghiệp", ông Nguyên cho biết.

Theo ông Nguyên, là công ty có quy mô vốn lớn nên việc thực hiện chào bán cổ phiếu của BSR sẽ chia làm hai giai đoạn. Cụ thể, BSR sẽ tiến hành chuyển đổi thành công ty cổ phần và thực hiện chào bán cho cán bộ, nhân viên và IPO, hoàn thành trong năm 2017. Tiếp đến công ty sẽ hoàn tất việc chào bán cho nhà đầu tư định danh và nhà đầu tư chiến lược trong vòng 12 tháng, kể từ khi BSR trở thành công ty cổ phần.

Liên quan tới việc mới đây BSR đã gửi thư mời 15 quỹ đầu tư trong và ngoài nước mua cổ phần, ông Nguyên cho biết, hiện tại đã có đối tác quan tâm và họ đang yêu cầu làm rõ một số chỉ số.

"Về kế hoạch cổ phần, hiện công ty đã định giá xong và sẽ được công bố vào tuần tới. Phương án cổ phần hoá sẽ trình Bộ Công Thương trong tháng 6, dự kiến tới tháng 7-8 sẽ được phê duyệt. Với tỷ lệ bán chỉ bán 5-6% trong năm nay cũng bởi công ty không bán nhiều nếu không giá trị sẽ thấp đi. Song song với đó, chúng tôi cũng tìm đối tác chiến lược phát triển hoá dầu mua trên 36%", ông nói thêm.

Lãnh đạo đơn vị vận hành nhà máy Lọc dầu Dung Quất cũng cho biết thêm rằng, thời điểm này, BSR mới cổ phần hoá thì đã muộn và điều kiện khó khăn hơn rất nhiều so với thời điểm "hoàng kim" của ngành dầu khí nhưng "không thể không làm".

"Thời điểm mà nơi nơi đi đâu cũng bàn tới chuyện cổ phần, cổ phiếu, lúc đó cổ phần hoá Dung Quất thì thành công sẽ không ngờ. Giờ bối cảnh đã khác nhiều. Những bê bối trong ngành dầu khí làm ảnh hưởng lớn tới niềm tin nhà đầu tư cũng như giá dầu thô xuống cũng tác động tiêu cực. Thời điểm này giống như người lữ hành trễ chuyến tàu, nhưng muộn còn không làm. Phải làm bất chấp điều kiện hiện giờ khó khăn gấp nhiều lần 4-5 năm trước", lãnh đạo BSR nhấn mạnh.

“Việc tìm kiếm và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược có ý nghĩa rất quan trọng với BSR. Đó sẽ là các nhà đầu tư trong và ngoài nước có tiềm lực tài chính vững mạnh, có kinh nghiệm trong lĩnh vực lọc - hóa dầu và cam kết đồng hành lâu dài để hỗ trợ BSR nâng cấp, mở rộng nhà máy, mở rộng thị trường... BSR thuộc diện Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ. Do đó, Nhà nước không giới hạn tỉ lệ thoái vốn tại BSR” - ông Nguyên chia sẻ.

Về tình hình sản xuất kinh doanh, lãnh đạo BSR cho hay, tính từ khi Nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi) bắt đầu hoạt động năm 2009 đến tháng 5/2017, BSR đã đạt doanh thu 834.000 tỷ đồng, lợi nhuận 13.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh thu hằng năm có sự biến động, trong đó doanh thu năm 2013 ở mức 155.000 tỉ đồng, năm 2014 là 128.000 tỉ đồng nhưng năm 2015-2016 đã sụt giảm mạnh về mức tương ứng 96.000 tỷ đồng và 74.000 tỷ đồng.

Riêng trong năm tháng đầu năm 2017, doanh thu của đơn vị này đạt 35.000 tỷ đồng, vượt 18% so với kế hoạch; lợi nhuận vượt kế hoạch 1.600 tỷ đồng do Tập đoàn PVN giao.

Phương Dung