1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Loạt tàu nhà hàng trên sông Sài Gòn chờ được giải cứu trước nguy cơ phá sản

Việt Đức

(Dân trí) - Không thể hoạt động vì dịch, phí thuê cầu bến được miễn giảm nhưng vẫn "quá sức chịu đựng", các doanh nghiệp sở hữu tàu nhà hàng nổi trên sông Sài Gòn cùng kiến nghị lãnh đạo TPHCM hỗ trợ để tồn tại.

Lãnh đạo 4 doanh nghiệp kinh doanh tàu du lịch nhà hàng trên sông Sài Gòn gồm: Công ty TNHH Thuyền buồm Đông Dương, Công ty TNHH TM Hào Huy (tàu Elisa), Công ty TNHH TM DL tàu Bến Nghé, Công ty Cổ phần Du thuyền Việt (tàu Saigon Princess, Avalon Siem Reap, Mekong Princess) vừa đồng ký tên vào lá đơn gửi các cơ quan, ban ngành của TPHCM để kêu cứu. 

Theo các doanh nghiệp này, đại dịch Covid-19 bùng phát, kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch nói chung và các doanh nghiệp du lịch đường sông nói riêng. Do đặc thù kinh doanh, các chủ tàu nhà hàng tại TPHCM phải đầu tư phương tiện chở khách với giá trị lớn, trả phí thuê cầu cảng hàng tháng rất cao. 

Đơn cử như Công ty Thuyền Buồm Đông Dương thuê chỗ đậu cho 2 phương tiện nhưng do thị trường khó khăn nên thực chất chỉ khai thác một tàu, hàng tháng phải trả số tiền thuê cầu cảng là 300 triệu đồng. Dịch bệnh kéo dài, các doanh nghiệp không hoạt động được, nếu có cũng lỗ, dẫn đến tài chính kiệt quệ, nguy cơ phá sản đang hiện hữu trong khi vẫn phải trả phí thuê cầu bến. 

Bên cạnh đó, các chủ tàu cho rằng còn nhiều điểm bất cập với hoạt động của mình. Tàu nhà hàng du lịch trên sông Sài Gòn theo quy định được trả mức phí thuê cầu bến và trả phí điện nước theo biểu giá của bến thủy nội địa. Tuy nhiên, do các tàu nhà hàng đều phải neo đậu tại cảng Sài Gòn nên phải chịu áp dụng mức phí của cảng biển, cao hơn nhiều so với khung giá của bến thủy nội địa. 

Loạt tàu nhà hàng trên sông Sài Gòn chờ được giải cứu trước nguy cơ phá sản - 1

Các doanh nghiệp kinh doanh tàu nhà hàng trên sông Sài Gòn kêu cứu (Ảnh: HH).

Năm 2017, các doanh nghiệp đã kiến nghị tạo hành lang mềm để phân biệt ranh giới hoạt động giữa tàu nhà hàng với tàu du lịch quốc tế để từ đó có giải pháp kiểm soát người lên xuống tàu và áp dụng mức phí phù hợp nhưng chưa được giải quyết. 

Kết quả là hiện nay các tàu nhà hàng rất khó khăn vì vừa chịu mức phí quá cao, vừa chịu sự kiểm soát của lực lượng biên phòng do khách đi tàu biển quốc tế và khách đi tàu đường thủy nội địa ra vào chung một cổng. Sự chồng lấn này còn gây nhiều trở ngại cho khách hàng.

Các doanh nghiệp tàu nhà hàng cũng cho biết thời gian qua đã được Trung tâm Dịch vụ Hàng hải Cảng Sài Gòn giảm giá thuê cầu bến với mức tối đa 50%. Các doanh nghiệp mong muốn, kiến nghị được hỗ trợ nhiều hơn tuy nhiên chưa được chấp thuận.

Các đơn vị kinh doanh tàu nhà hàng mong muốn lãnh đạo TPHCM, các sở ngành có giải pháp hỗ trợ, nhiều hơn mức 50% phí thuê cầu bến đang áp dụng để cứu một loại hình du lịch mà theo họ có tính đặc thù, có truyền thống hoạt động trên sông Sài Gòn hàng chục năm nay và được du khách quốc tế đánh giá cao, được ngành du lịch ghi nhận.

Theo đại diện các doanh nghiệp, Chính phủ đang áp dụng nhiều hình thức hỗ trợ để doanh nghiệp tồn tại với các doanh nghiệp. Với các tàu nhà hàng, hình thức hỗ trợ phù hợp nhất chính là tạo điều kiện về chỗ neo đậu cho tàu không tính phí hoặc áp dụng mức phí phù hợp nhất để giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn chưa có tiền lệ.