1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Loạt doanh nghiệp có dư nợ vay USD lớn đối mặt với áp lực kép

Thảo Thu

(Dân trí) - Loạt doanh nghiệp có dư nợ vay USD lớn đang chịu áp lực kép bởi tỷ giá và lãi suất USD, đồng thời đối mặt rủi ro tăng chi phí trả lãi, đánh giá lại khoản vay.

Những doanh nghiệp có dư nợ nghìn tỷ đồng bằng USD 

Các doanh nghiệp có dư nợ vay bằng USD lớn nhất hiện chủ yếu tập trung ở lĩnh vực bất động sản, hàng không, xuất nhập khẩu, nhiệt điện…

Khi tỷ giá tăng, các doanh nghiệp này phải chịu thêm tiền lãi. Mức vay càng lớn, tiền lãi càng nhiều. Theo đó, tỷ giá USD/VND đã tăng hơn 4,7% từ đầu năm. Nhiều nhà băng ngày 30/9 đã chính thức niêm yết giá bán USD vượt mức 24.000 đồng/USD. 

Một số doanh nghiệp hiện có dư nợ cho vay bằng USD lớn là Vingroup (mã: VIC), Novaland (mã: NVL), Vietnam Airlines (mã: HVN), Tổng công ty Phát điện 2 (mã: GE2), PV Power (mã: POW), PV Drilling (mã: PVD), Thủy sản Minh Phú (mã: MPC)...

Xét tỷ lệ dư nợ bằng USD trên tổng dư nợ, PV Drilling và Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng có tỷ lệ lên tới 100%. Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công 97,4%, Thủy sản Minh Phú 93,9%...

Trong cơ cấu nợ bằng USD của PV Drilling, 77% tổng nợ vay USD theo Libor 3 tháng + 3% thả nổi; 13% tổng nợ vay USD theo Libor 3 tháng + 3,8% (tối thiểu 4,8%/năm) thả nổi; 10% tổng nợ vay USD theo Libor 6 tháng + biên độ. Các khoản nợ bằng USD của Thủy sản Minh Phú thì chủ yếu là các khoản vay ngắn hạn, lãi cố định từ 1,6-3,3%/năm.

Tổng Công ty Phát điện 3 có khoảng 36.868 tỷ đồng dư nợ vay bằng USD, chiếm 86,6% tổng dư nợ.

Vietnam Airlines thì ghi nhận 21.815 tỷ đồng dư nợ vay bằng USD, trên tổng 32.888 tỷ đồng dư nợ, tương đương tỷ lệ 66,3%. Trong đó, lãi suất các khoản vay này phổ biến trong khoảng 2,99-4,53%/năm.

Novaland có tổng dư nợ 68.567 tỷ đồng, trong đó 14.821 tỷ đồng dư nợ được thực hiện bằng USD, chiếm 21,6% tổng dư nợ. Các khoản vay USD của Novaland được áp dụng lãi suất khoảng 5,25-6%/năm. Ngoài ra, có khoảng 2.400 tỷ đồng được áp dụng lãi suất thả nổi Libor + 5,5%/năm.

Tổng công ty Phát điện 2 (GE2) cũng có dư nợ vay USD 12.669 tỷ đồng, chiếm 35,2% tổng dư nợ. Trong đó, 6.116 tỷ đồng là vay với lãi suất thả nổi Libor 6T + biên độ, còn lại được áp dụng lãi suất cố định.

Loạt doanh nghiệp như Tập đoàn PC1, Tổng Công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí, Thủy sản Minh Phú... ghi nhận xấp xỉ 4.000 tỷ đồng nợ vay được thực hiện bằng USD.

Loạt doanh nghiệp có dư nợ vay USD lớn đối mặt với áp lực kép - 1

Nhóm doanh nghiệp bất động sản có dư nợ vay bằng USD lớn (Ảnh: Hữu Nghị).

Áp lực kép

Trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể còn tiếp tục tăng lãi suất, tỷ giá USD/VND trong nước cũng luôn ở mức cao, Công ty chứng khoán VNDirect nhận định loạt doanh nghiệp có dư nợ vay USD lớn đối mặt với rủi ro về tăng chi phí trả lãi và đánh giá lại khoản vay.

Theo công ty chứng khoán này, biến động bất lợi của tỷ giá hối đoái và lãi suất đồng USD tăng cao làm gia tăng chi phí đối với những doanh nghiệp có cơ cấu nợ lớn bằng đồng bạc xanh.

Với hình thức trả lãi, công ty chứng khoán này nhận định những doanh nghiệp có khoản vay bằng đồng USD với lãi vay cố định và/hoặc thả nổi đều phải chịu áp lực tăng chi phí lãi vay, và lỗ tỷ giá (đánh giá lại khoản vay) do ảnh hưởng bất lợi của biến động tỷ giá và lãi vay đồng USD.

Theo đó, đồng USD mạnh lên kéo theo việc giá trị của chi phí lãi vay lẫn giá trị nợ gốc đều sẽ tăng lên khi quy ra VND. Thêm vào đó, những doanh nghiệp sử dụng khoản vay USD với lãi suất thả nổi sẽ chịu áp lực lớn hơn những khoản vay có lãi suất cố định.

Nguyên do là ngoài chịu tác động về tỷ giá lên chi phí lãi và nợ gốc, khoản vay thả nổi chịu thêm áp lực tăng chi phí lãi vay khi lãi suất khoản vay bằng đồng USD tăng lên, do Fed thắt chặt chính sách tiền tệ.

Loạt doanh nghiệp có dư nợ vay USD lớn đối mặt với áp lực kép - 2

Hàng loạt doanh nghiệp Việt với dư nợ vay bằng USD lớn đối mặt với rủi ro tăng chi phí lãi và lỗ tỷ giá khi đánh giá lại khoản vay (Ảnh: Tiến Tuấn).

Với thời hạn trả lãi, những doanh nghiệp có tỷ trọng nợ vay ngắn hạn lớn sẽ bị tác động tiêu cực hơn những đơn vị có tỷ trọng nợ vay dài hạn lớn.

Fed với quan điểm "diều hâu" hơn về thắt chặt chính sách tiền tệ, sẽ gây áp lực lớn lên tỷ giá hối đoái, khiến giá trị các khoản vay ngắn hạn tăng về nợ gốc, gây những rủi ro về dòng tiền với doanh nghiệp khi phải xoay xở để trả nợ gốc và chi phí lãi vay.

Hơn nữa, khi khoản nợ vay ngắn hạn đáo hạn, khả năng cao doanh nghiệp sẽ phải vay mới với lãi suất cao hơn để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, làm gia tăng chi phí lãi vay.

Ngược lại, những doanh nghiệp có tỷ trọng cao khoản vay USD dài hạn sẽ chưa phải đối diện với việc đáo hạn nợ gốc. Tuy nhiên, biến động bất lợi của tỷ giá khiến các doanh nghiệp này phải đánh giá lại khoản vay và ghi nhận lỗ kế toán trên báo cáo kết quả kinh doanh, cũng như gia tăng chi phí lãi vay.

Trong dài hạn, VNDirect cho rằng những doanh nghiệp có tỷ trọng nợ vay dài hạn bằng đồng bạc xanh lớn có thể đỡ áp lực hơn. VNDirect dự báo áp lực tỷ giá có thể hạ nhiệt và VND tăng giá so với USD trong năm 2023.