1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Ông Trương Văn Phước: Ổn định tỷ giá là "phòng tuyến sông Cầu"

Thảo Thu

(Dân trí) - Nhấn mạnh việc giữ ổn định tỷ giá, ông Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, ổn định tỷ giá là "phòng tuyến sông Cầu", nếu vỡ là lạm phát "tràn" vào.

"Ổn định lãi suất mới là tốt nhất"

Tại phiên tọa đàm cấp cao "Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững" trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022, ông Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia Việt Nam, nhận định lạm phát toàn cầu là hiện tượng phổ biến. Ông đề cập đến câu chuyện lạm phát và lãi suất cùng chiều tăng với nhau.

Ông nhận định, thông thường, khi lãi suất tăng, cầu tín dụng sẽ giảm. Đây là mong muốn hạ bớt cầu tín dụng ở các quốc gia có lạm phát cao và làm dịu đi thị trường tiền tệ đang "nóng".

Ông Trương Văn Phước: Ổn định tỷ giá là phòng tuyến sông Cầu - 1

Ông Trương Văn Phước gọi việc giữ ổn định tỷ giá là "phòng tuyến sông Cầu" (Ảnh: QH).

Sau dịch Covid-19, các nước sử dụng biện pháp tăng tiền lương để kéo lao động trở lại. Điều này lại gây ra hiệu ứng nan giải: giá tăng khiến tiền lương tăng và ngược lại. "Bên cạnh đó, tăng lãi suất suy cho cùng là làm cho đồng nội tệ tăng lên", ông nói. Trước câu hỏi nên tăng hay giảm lãi suất, ông cho rằng ổn định lãi suất mới là tốt nhất.

Ông Trương Văn Phước cũng nhấn mạnh việc phải giữ ổn định tỷ giá. Ông gọi đây là "phòng tuyến sông Cầu", nếu vỡ "phòng tuyến" này thì lạm phát sẽ "tràn" vào.

Ông nhận định Ngân hàng Nhà nước đã làm tốt việc giữ tỷ giá quy đổi USD sang đồng Việt Nam bình quân tăng gần 0,6% và cho thị trường dao động trong biên độ 3%. "Sự lây lan của lạm phát tại Việt Nam sẽ bị ngưng lại bởi phòng tuyến tỷ giá", ông nói.

Mức tăng lãi suất 14% là phù hợp

Ông Phạm Thanh Hà, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết mức tăng trưởng tín dụng 14% là phù hợp, cao hơn 2 năm trở lại đây và vẫn khuyến khích các ngân hàng thương mại cho vay hết mức này.

Đánh giá chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, trong hơn 10 năm qua, ông cho rằng các biện pháp hành chính đã thể hiện hiệu quả. Trước năm 2011, tăng trưởng tín dụng ở mức trên 30% và đây là mức cao. Còn 10 năm trở lại đây, Ngân hàng Nhà nước điều hành tăng trưởng tín dụng ở mức 12-14%.

Ông lưu ý thêm, góp phần tăng trưởng kinh tế cần nhiều nguồn vốn khác nhau, không chỉ là tín dụng ngân hàng. "Các kênh dẫn vốn cho nền kinh tế gồm cổ phiếu, trái phiếu, đầu tư công, nguồn vốn đầu tư nước ngoài…", ông nói.

Ông nhấn mạnh việc cần khơi thông đầy đủ các kênh vốn này, nhất là trong bối cảnh nhiều năm trở lại đây, áp lực tăng trưởng tín dụng luôn ở mức cao. Sau 10 năm, quy mô nền kinh tế tăng 2,7 lần nhưng quy mô tín dụng tăng tới 4,4 lần.

Ông Trương Văn Phước: Ổn định tỷ giá là phòng tuyến sông Cầu - 2

Ông Phạm Thanh Hà, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết mức tăng trưởng tín dụng 14% là phù hợp (Ảnh: QH).

Đừng chỉ trông chờ vốn ngân hàng

Ông Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nhận định tín dụng không thể tăng mãi ở mức 13-15% mà sẽ phải giảm. Ông cho rằng việc phát triển các thị trường vốn còn lại quan trọng.

Ông Thành nhắc lại câu chuyện mới đây Chính phủ ban hành nghị định 65 sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 153 năm 2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. "Quy định chặt chẽ hơn nhưng vẫn để "cửa" cho doanh nghiệp phát hành, giải quyết một phần vấn đề dòng tiền", ông nói.

Về điều hành chính sách tiền tệ nói chung, ông Phạm Thanh Hà cho biết Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải giải bài toán với nhiều yếu tố khác nhau, mục tiêu đặt ra vẫn là kiểm soát lạm phát, bên cạnh đảm bảo an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, thanh khoản cho các thị trường tiền tệ, ngoại hối. Các biến số như lãi suất, tỷ giá... được đưa vào bài toán tổng thể này.

Ông nhận định năm nay, tình hình thế giới phức tạp, khó lường. Rủi ro của các nền kinh tế, hệ thống tài chính, ngân hàng lớn. "Kìm hãm lạm phát là ưu tiên hàng đầu của nhiều nền kinh tế lớn", ông nói.

Ngân hàng trung ương của nhiều nước trên thế giới đã chần chừ tăng lãi suất, do đánh giá lạm phát là tạm thời khi đứt gãy chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, lạm phát kéo dài hơn dự kiến, cho thấy vấn đề phức tạp và các ngân hàng trung ương đã phải tăng mạnh lãi suất, dẫn đến nguy cơ suy thoái.

Trước bối cảnh đó, Ngân hàng nhà nước gặp nhiều khó khăn trong điều hành và đã sử dụng nhiều biện pháp để ổn định thị trường tiền tệ. "Áp lực lạm phát vẫn lớn. Việc kìm hãm lạm phát trong năm 2023 sắp tới sẽ gặp nhiều áp lực nên cần chú trọng công tác này", ông nói.