1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Loại dầu Nga, châu Âu chuyển hướng mua dầu Mỹ nhiều hơn

Nhật Linh

(Dân trí) - Châu Âu đã vượt qua châu Á trở thành khách hàng mua dầu thô lớn nhất của Mỹ, lần đầu tiên trong 6 năm qua.

Bloomberg trích dẫn dữ liệu từ Cục Điều tra Dân số Mỹ cho biết, 5 tháng đầu năm nay, châu Âu đã nhập 213,1 triệu thùng dầu của Mỹ, trong khi đó, châu Á nhập khoảng 191,1 triệu thùng. Đây là lần đầu tiên trong 6 năm qua, châu Âu mua dầu thô của Mỹ nhiều hơn cả châu Á.

Loại dầu Nga, châu Âu chuyển hướng mua dầu Mỹ nhiều hơn - 1

Lần đầu tiên trong 6 năm qua, châu Âu mua dầu thô của Mỹ nhiều hơn cả châu Á (Ảnh: Reuters).

Sự thay đổi này là kết quả của việc chuyển hướng dòng chảy của dầu sau cuộc chiến tại Ukraine và các lệnh trừng phạt từ Mỹ và châu Âu áp lên Moscow để phản ứng với cuộc chiến.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, dầu thô của Mỹ có khả năng không đủ để lấp đầy khoảng trống do dầu Nga để lại khi lệnh cấm vận dầu thô của châu Âu có hiệu lực vào cuối năm nay. Điều này có nghĩa châu Âu cần đẩy mạnh nhập khẩu từ châu Á.

Ông Jonathan Leitch từ Turner Mason & Company tin rằng sự thiếu hụt nhập khẩu dầu từ Nga sang EU có thể lên tới hơn 700.000 thùng/ngày và EU sẽ phải tìm các nguồn mới để bù đắp khoảng trống này.

Trung Quốc và Ấn Độ có thể nằm trong số những nguồn này, Leitch nói với UBS trong một cuộc gọi gần đây. Tuy nhiên, cả hai nước này đang hạn chế xuất khẩu khi họ tìm cách hạ nhiệt giá dầu và nhiên liệu trong nước.

Ngay cả Mỹ và các nhà sản xuất ở Trung Đông của OPEC cũng không thể đáp ứng đủ nhanh để lấp đầy khoảng trống này.

Nói với Bloomberg, Christopher Haines từ Energy Aspects cho biết, tỷ lệ nhập khẩu dầu từ Mỹ vào châu Âu sẽ không thay đổi trong một thời gian ngắn khi châu Âu giảm phụ thuộc vào dầu Nga.

Vấn đề là, đối với cả châu Âu và châu Á, sản lượng dầu thô của Mỹ tăng không đủ nhanh để đáp ứng nhu cầu của hai khu vực này. Điều này, cùng với những nghi ngờ về khả năng tăng sản lượng của OPEC, cho thấy giá dầu có thể sẽ tiếp tục leo thang.

Thực tế, sau khi rớt khỏi ngưỡng 100 USD/thùng hôm đầu tuần, giá dầu đã tăng trở lại 2% vào đầu phiên 15/7, trong bối cảnh chuyến thăm Saudi Arabia của Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ không đề cập gì đến việc gia tăng sản lượng.

Đầu sáng nay (16/7) trên thị trường châu Á, giá dầu Brent giao dịch ở mức 101,2 USD/thùng, tăng 2,08% trong 24 giờ qua. Trong khi đó, dầu WTI tăng 1,89% lên mức 97,59 USD/thùng.

Giá dầu được hỗ trợ khi Mỹ không hy vọng các nước Ả rập sẽ tăng nguồn cung cho thị trường ngay lập tức hoặc thậm chí công bố một kế hoạch tăng sản lượng.

Bloomberg đưa tin, sẽ không có một tuyên bố công khai nào về việc gia tăng sản lượng nguồn cung dầu sau chuyến thăm Saudi Arabia của Tổng thống Biden. Một quan chức Mỹ cũng cho Reuters biết, Mỹ không hy vọng các nước Ả rập sẽ tăng sản lượng ngay lập tức.

Theo Bloomberg, OilPrice