1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

OPEC+ đồng ý tăng sản lượng giữa lúc thị trường dầu sôi sục

Nhật Linh

(Dân trí) - OPEC và các đồng minh sản xuất dầu mỏ đã nhất trí tăng sản lượng trong tháng 7 và tháng 8 với số lượng lớn hơn dự kiến khi thị trường dầu mỏ toàn cầu sôi sục vì chiến sự tại Ukraine.

OPEC+ đồng ý tăng sản lượng giữa lúc thị trường dầu sôi sục - 1

OPEC+ đồng ý tăng sản lượng giữa lúc thị trường dầu sôi sục vì cuộc chiến tại Ukraine (Ảnh: Reuters).

Theo đó, OPEC + sẽ tăng sản lượng thêm 648.000 thùng/ngày trong cả tháng 7 và tháng 8, kết thúc đợt cắt giảm sản lượng lớn nhất trong lịch sử mà tổ chức này đã thực hiện trong thời kỳ đại dịch Covid-19.

OPEC+ đã dần dần bơm vào thị trường gần 10 triệu thùng/ngày mà họ đã cắt giảm vào tháng 4/2020 khi đại dịch phá hủy nhu cầu tiêu thụ, khiến giá mỗi thùng dầu về âm (tức người bán phải trả tiền cho người mua). Trong những tháng gần đây, mỗi tháng OPEC đã nâng dần sản lượng từ 400.000 - 432.000 thùng/ngày.

Sau tuyên bố này, giá dầu đã đảo ngược mức giảm đầu phiên và đi lên. Kết thúc phiên giao dịch ngày 2/6, giá dầu WTI chốt ở mức 116,87 USD/thùng, tăng 1,4%, trong khi dầu Brent tăng 1,14% lên mức 117,61 USD/thùng.

Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh thế giới đang phải vật lộn với giá năng lượng tăng cao. Trước đó, các chính phủ, bao gồm cả chính quyền Tổng thống Mỹ Biden, đã kêu gọi các nhà sản xuất dầu mỏ tăng sản lượng trong một nỗ lực để kìm hãm "cơn điên" của giá dầu.

Hoan nghênh quyết định này của OPEC+, Thư ký báo chí Nhà trắng Karine Jean-Pierre cho biết Mỹ cũng sẽ tiếp tục sử dụng các công cụ để giải quyết áp lực về giá năng lượng.

Về lý thuyết, sản lượng cao hơn trong tương lai sẽ khiến OPEC+ phải chật vật để đáp ứng hạn ngạch sản xuất. Hơn nữa, số thùng dầu tăng thêm này vẫn không đủ để bù đắp cho khả năng mất hơn 1 triệu thùng/ngày từ Nga khi phương Tây gia tăng các lệnh trừng phạt đối với nước này.

Hôm đầu tuần, các nhà lãnh đạo EU đã đồng ý cấm nhập khẩu 90% dầu thô của Nga vào cuối năm nay như một phần trong gói trừng phạt thứ 6 của khối này đối với Nga.

Vào đầu tháng 3, sau khi cuộc chiến tại Ukraine diễn ra, giá dầu thô đạt mức cao nhất kể từ năm 2008 và duy trì ở mức 3 con số trong thời gian dài. Sự tăng giá nhanh chóng này là nguyên nhân chính khiến lạm phát tăng cao kỷ lục tại nhiều nền kinh tế. Tại Mỹ, giá xăng trung bình trên toàn quốc vào ngày 1/6 cũng đã lập mức cao kỷ lục mới, với 4,71 USD/gallon.

Giá dầu đã giảm vào đầu phiên giao dịch hôm qua khi Financial Times trích dẫn nguồn tin từ Saudi Arabia cho biết nước này nhận thức rằng nguy cơ thiếu nguồn cung và mất kiểm soát giá dầu "không có lợi cho họ".

Nguồn tin nói với Financial Times rằng Saudi Arabia, nhà lãnh đạo trên thực tế của OPEC, vẫn chưa nhận thấy được sự thiếu hụt thực sự trên thị trường dầu mỏ.

Tuy nhiên, tình hình có thể thay đổi khi các nền kinh tế toàn cầu mở cửa trở lại sau đại dịch, khiến nhu cầu về dầu thô tăng cao. Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, đang bắt đầu nới lỏng các hạn chế khi các ca nhiễm Covid-19 ngày càng giảm dần.

"Mặc dù đó không phải là một lời hứa suông, nhưng dường như Saudi Arabia đang ném cho phương Tây một cái xương", ông Matt Sumpson, nhà phân tích thị trường tại nền tảng giao dịch City Index có trụ sở tại Anh, viết trong một lưu ý sau tin tức trên.

"Điều này sẽ được các nhà lãnh đạo phương Tây đón nhận vì lạm phát và kỳ vọng lạm phát vẫn ở mức cao và các ngân hàng trung ương đang cố tăng lãi suất trước nguy cơ đẩy nền kinh tế của họ rơi vào suy thoái", ông cho biết thêm.

Cuộc họp tiếp theo của OPEC và các đồng minh sẽ diễn ra vào ngày 30/6 tới.

Theo CNBC

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm