Loại bỏ 99% dòng thuế: Thế mạnh "tỷ USD" của Việt Nam rộng cửa vào EU

(Dân trí) - Theo các chuyên gia phân tích từ VNDirect, EVFTA (FTA giữa Việt Nam và EU) có thể mang lại cơ hội lớn cho ngành dệt may Việt Nam từ thị trường khổng lồ này.

Như tin đã đưa, Ủy ban châu Âu (EC) ngày 25/6 đã thông báo về việc Liên minh châu Âu (EU) sẽ ký thỏa thuận thương mại và đầu tư với Việt Nam vào ngày 30/6 tới đây. Thỏa thuận được cho là sẽ mang lại lợi ích chưa từng có cho doanh nghiệp, người tiêu dùng và người lao động EU, Việt Nam.

Loại bỏ 99% dòng thuế: Thế mạnh tỷ USD của Việt Nam rộng cửa vào EU - 1

Ngành dệt may được hưởng lợi lớn từ EVFTA (nguồn ảnh: TTXVN)

Theo các chuyên gia phân tích từ VNDirect, EVFTA (FTA giữa Việt Nam và EU) có thể mang lại cơ hội lớn từ thị trường khổng lồ.

EU là đối tác thương mại dệt may quan trọng của Việt Nam. Giá trị xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang EU đạt 4,2 tỷ USD trong năm 2018, tương đương 11,6% tổng xuất khẩu dệt may của Việt Nam.

EVFTA sẽ loại bỏ 99% dòng thuế đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU (hiện ở mức 10% - 12%) và cũng kích thích đầu tư từ EU vào Việt Nam qua đó cải thiện chuỗi giá trị ngành dệt may.

Theo ước tính của VNDirect, khoản cắt giảm thuế cho các nhà nhập khẩu từ các hiệp định này có thể lên tới 484 triệu USD (với mức thuế suất trung bình là 10%, sau khi loại trừ trùng lặp với các FTA trước đó), do đó có khả năng tăng cường xuất khẩu đến các địa điểm này.

Trong khi đó, một FTA rất quan trọng khác với Việt Nam là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) lại chủ yếu giúp cải thiện tâm lý của ngành dệt may do có sự trùng lặp với các FTA trước đó.

Sau khi Hoa Kỳ rút khỏi TPP năm 2017, 11 quốc gia khác đã nhóm lại và hình thành một thỏa thuận thương mại mới gọi là CPTPP (với các quy tắc tương tự) đã chính thức có hiệu lực vào ngày 14 tháng 1 năm 2019 sau khi các nước đăng ký vào ngày 3 tháng 8 năm 2018. CPTPP sẽ ngay lập tức loại bỏ 95-98% dòng thuế và phần còn lại trong năm năm tới.

Tuy nhiên, BVSC lưu ý rằng phần lớn tác động từ CPTPP bị trùng lặp với VJEPA đã ký trước đó với Nhật Bản, đối tác thương mại lớn nhất của ngành dệt may Việt Nam với giá trị xuất khẩu đạt 4 tỷ USD trong 2018, so với các thành viên CPTPP (với tổng giá trị XK dệt may là 5 tỷ USD). Do đó, hiệu quả thực tế đối với ngành dệt may Việt Nam từ CPTPP là không đáng kể.

Khu vực FDI đóng một vai trò quan trọng trong ngành dệt may Việt Nam do lần lượt chiếm 70% và 60% giá trị xuất khẩu hàng dệt và may mặc của cả nước.

Khu vực FDI đã ghi nhận tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) của giá trị xuất khẩu 2013-16 ở mức 10,9% so với tốc độ tăng trưởng giá trị xuất khẩu của khu vực trong nước ở mức 8,0% trong cùng kỳ, phần lớn nhờ vào kỳ vọng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được phê chuẩn.

Dòng vốn FDI vào ngành công nghiệp dệt may Việt Nam tạm dừng vào năm 2017, sau khi Mỹ (quốc gia lớn nhất) rút khỏi TPP và chỉ phục hồi vào năm 2018 khi việc phê chuẩn CPTPP sắp xảy ra.

Theo quan điểm của VNDirect, sau khi đàm phán thành công CPTPP và EVFTA, kỳ vọng FDI sẽ tiếp tục đà tăng trưởng trong những năm tiếp theo, cụ thể vào ở các sản phẩm dệt, sợi và nhuộm do nhu cầu đối với các sản phẩm thượng nguồn trong nước sẽ ngày càng lớn nhờ vào quy tắc xuất xứ đặt ra từ các hiệp định này.

Bên cạnh đó, VNDirect nhận thấy cơ hội đầu tư vào phân khúc thượng nguồn dự kiến sẽ rất lớn. Hiện nay, ngành dệt may Việt Nam có năng lực tương đối mạnh về may và sản xuất hàng may mặc, nhưng tương đối yếu trong sản xuất các sản phẩm thượng nguồn (bao gồm cả sợi và vải, do thâm dụng vốn), hình thành một “nút thắt cổ chai” trong cả chuỗi giá trị ngành.

VNDirect cũng lưu ý rằng, hai hiệp định thương mại EVFTA và CPTPP có các bộ Quy tắc xuất xứ rất nghiêm ngặt về mặt sử dụng nguyên liệu để các nhà xuất khẩu có thể hưởng lợi từ các ưu đãi thuế.

Quy tắc xuất xứ của EVTFA là “từ vải trở đi” và đối với CPTPP là “từ sợi trở đi”. Những quy tắc này có nghĩa là các nhà xuất khẩu hàng may mặc phải mua các nguyên liệu theo như yêu cầu trong nước hoặc từ các quốc gia thành viên khác trong hiệp ước thương mại.

Mai Chi