1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Lô sữa rửa mặt Hada Labo bị thu hồi tại Việt Nam: Bóc hồ sơ doanh nghiệp

Huỳnh Anh

(Dân trí) - Một lô sản phẩm Hada Labo Perfect White Cleanser do Rohto Việt Nam sản xuất vừa bị Bộ Y tế thu hồi vì kém chất lượng. Tập đoàn Nhật Bản Rohto Pharmaceutical làm ăn ra sao?

Rohto Pharmaceutical là một công ty dược phẩm có trụ sở tại Osaka (Nhật Bản) hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp. Năm 1997, công ty gia nhập thị trường Việt Nam và thành lập các nhà máy sản xuất để phục vụ thị trường khu vực châu Á - Thái Bình Dương. 

Ông lớn ngành dược phẩm sở hữu nhiều thương hiệu như Acnes, Hada Labo, Acnes, Sunplay, Oxy, V.Rohto… Người dân có thể dễ dàng bắt gặp các sản phẩm của thương hiệu này tại các siêu thị, cửa hàng mỹ phẩm hay các sàn thương mại điện tử. Trên thị trường, các dòng sản phẩm của Rohto Pharmaceutical thường được bán với mức giá trong khoảng từ 50.000 đến 200.000 đồng.

Đáng chú ý, mới đây một lô sản phẩm Hada Labo Perfect White Cleanser
(sữa rửa mặt) do Rohto Việt Nam sản xuất vừa bị Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) quyết định đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc vì kém chất lượng.

Cụ thể, mẫu thử tại kho dược phẩm của công ty không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu vitamin E. Cục Quản lý dược đã đề nghị những cơ sở kinh doanh trên địa bàn ngừng sử dụng lô sản phẩm này và tiến hành thu hồi lô, xử lý các đơn vị vi phạm theo quy định.

3.png

Lô mỹ phẩm Hada Labo Perfect White Cleanser (Ảnh: Hada Labo).

Tập đoàn đang có khoảng 6.355 nhân viên hoạt động tại 15 thị trường với nhiều công ty con hiện diện ở Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á. Bên cạnh đó, công ty cũng có 2 nhà máy sản xuất tại Nhật Bản và 6 nhà máy sản xuất tại Mỹ, Anh, Trung Quốc, Việt Nam và Indonesia.

Về tình hình kinh doanh, trong năm tài chính kết thúc vào 31/3/2023, Rohto Pharmaceutical đã ghi nhận doanh thu hợp nhất tăng 10% lên mức 199 tỷ yên (khoảng 34.700 tỷ đồng). Thu nhập ròng của công ty mẹ cũng tăng lên mức 21 tỷ yên (khoảng 3.651 tỷ đồng).

Tuy nhiên, đây là mức tăng trên nền thấp của năm 2022, khi doanh số bán hàng giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Năm nay, hoạt động kinh tế đã được cải thiện, tâm lý người tiêu dùng phục hồi nên doanh số của công ty cũng được thúc đẩy tăng trưởng.

"Ông lớn" dược phẩm này cũng dự báo triển vọng kinh tế trong năm 2023 vẫn còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, chiến tranh Nga - Ukraine, giá nhiên liệu đầu vào tăng cao… Chính vì vậy, trong năm tài chính tiếp theo, công ty đặt mục tiêu doanh thu thuần tăng trưởng 9% là 218 tỷ yên (khoảng 34.900 tỷ đồng). Lợi nhuận công ty mẹ là 19,5 tỷ yên (khoảng 3.400 tỷ đồng), không tăng nhiều so với mức thực hiện của năm 2022.