1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Lo sợ hiện hữu, tỷ phú ngoại đánh chiếm trụ cột kinh tế Việt Nam

Các đại gia ngoại tiếp tục đổ tiền vào những lĩnh vực xương sống của nền kinh tế Việt Nam và tạo dựng một vị thế rất vững chắc khiến cộng đồng doanh nghiệp Việt lo ngại.

Thâu tóm doanh nghiệp mũi nhọn

Công ty TNHH SSJ Consulting Việt Nam, một công ty con thuộc Tập đoàn Sumitomo của Nhật Bản, vừa đăng ký mua 29,7 triệu cổ phần GMD của CTCP Gemadept (tương ứng 10% cổ phần biểu quyết đang lưu hành). Giao dịch dự kiến thực hiện từ 5/7 đến 2/8/2019.

Gemadept được biết đến là một công ty lớn trong lĩnh vực vận tải biển và logistics tại Việt Nam. Doanh nghiệp này sở hữu rất nhiều cảng biển quan trọng, trong đó có 3 cảng biển tại Hải Phòng: Nam Hải Đình Vũ, Nam Hải và Nam Hải ICD và cảng quốc tế như Gemadept Dung Quất, Gemadept Nhơn Hội...

SSJ Consulting Việt Nam đăng ký mua cổ phần GMD trong bối cảnh công ty hàng đầu trong lĩnh vực vận tải biển và logistic tại Việt Nam vừa qua việc hủy bỏ một số ngành nghề kinh doanh liên quan đến việc giới hạn tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài dưới 49%.

Lo sợ hiện hữu, tỷ phú ngoại đánh chiếm trụ cột kinh tế Việt Nam - 1

Dòng vốn ngoại dồn dập đổ vào nền kinh tế Việt Nam.

Nếu mua thành công, tỷ lệ nắm giữ vốn của các cổ đông trong nước tại GDM còn rất ít, phần lớn là của các quỹ đầu tư và tổ chức nước ngoài. Các thành viên HĐQT và ban lãnh đạo người Việt tại Gemadept hầu hết không nắm giữ hoặc nắm giữ rất ít cổ phiếu tại doanh nghiệp này.

Tính tới hết quý 1/2019, trừ bà Thúy Hương (thành viên HĐQT) nắm giữ 7,15%, còn lại đều nắm giữ một tỷ lệ rất thấp. Chủ tịch GMĐ Đỗ Văn Nhân và người liên quan nắm giữ chưa tới 0,8% cổ phần; Phó chủ tịch Chu Đức Khang không nắm cổ phần nào; các phó chủ tịch khác không nắm giữ hoặc nắm giữ khoảng 0,2%... 

Trước đó, trong năm 2017, Gemadept cũng đã bán một phần mảng vận tải biển và logistics cho Tập đoàn CJ của Hàn Quốc.

Cụ thể, hồi tháng 10/2017, Gemadept đã bán 50,9% vốn của Gemadept Shipping Holding và 50,9% vốn của Gemadept Logistics Holding cho CJ Logistics, một Công ty thuộc Tập đoàn CJ Group của Hàn Quốc.

Khi về tay NĐT ngoại, Gemadept bắt đầu tái khởi động các dự án đình đám, trong đó có cảng nước sâu Gemalink với vốn đầu tư 520 triệu USD. Đây là dự án cảng nước sâu duy nhất khu vực Cái Mép - Thị Vải với tổng diện tích lên tới 72ha, có khả năng tiếp nhận loại tàu hàng lớn nhất thế giới hiện nay.

Gần đây, giới đầu tư cũng chứng kiến cú rót vốn mạnh của các NĐT Nhật vào doanh nghiệp tôm lớn nhất Việt Nam. Đối tác Nhật (Mitsui) có thể nâng sở hữu tại Minh Phú lên trên 35% tại thời điểm hoàn tất giao dịch, (tương đương 70,2 triệu cổ phiếu).

Lo sợ hiện hữu, tỷ phú ngoại đánh chiếm trụ cột kinh tế Việt Nam - 2

Hãng bia lớn nhất Việt Nam đã rơi vào tay người Thái.

Tại mảng đồ uống, nước giải khát, ông lớn số 1 ngành bia Việt Nam: Sabeco đã trở thành công ty nước ngoài, chính thức từ bia nội thành bia ngoại sau khi cổ đông Nhà nước thoái vốn, nhận 5 tỷ USD từ ThaiBev của tỷ phú người Thái Charoen Sirivadhanabhakdi.

ThaiBev - thông qua công ty con Fraser & Neave - hiện cũng nắm giữ khoảng 20% cổ phần của Vinamilk trị giá gần 2 tỷ USD sau quá trình khoảng 15 năm liên tục mua cổ phiếu của doanh nghiệp sữa số 1 Việt Nam. 

Nắm mạng lưới bán lẻ, đè luôn sản xuất đầu ngành

Trong mảng vật liệu xây dựng, các NĐT nước ngoài, trong đó chủ yếu là đại gia Thái Nawaplastic Industries (thuộc Tập đoàn SCG) nắm giữ gần 65% cổ phần doanh nghiệp nhựa lớn nhât Việt Nam: Nhựa Bình Minh (BMP). Riêng SCG nắm hơn 54%. Tỷ lệ NĐT ngoại tại Nhựa Tiền Phong (NTP) cũng rất lớn.

Hơn nửa thập kỷ trước, SCG của Thái Lan cũng đã thâu tóm thương hiệu gạch hàng đầu Prime.

Công ty Siam Cement thuộc Tập đoàn SCG của Thái Lan cũng đã chính thức sở hữu 100% dự án hóa dầu Long Sơn (tổng đầu tư 5,4 tỷ USD) sau khi ký hợp đồng với PetroVietnam để mua lại 29% cổ phần nhà máy hóa dầu này.

Lo sợ hiện hữu, tỷ phú ngoại đánh chiếm trụ cột kinh tế Việt Nam - 3

Đại gia ngoại tấn công bán lẻ nội.

Trong tháng 4, công ty Nhật Bản Taisho đã chi thêm gần 2,5 ngàn tỷ đồng để nâng sở hữu tại Dược Hậu Giang (DHG) lên gần 51%, chi phối doanh nghiệp dược hàng đầu Việt Nam. Dược Hậu Giang như vậy chính thức trở thành công ty con của Taisho.

Nhà đầu tư Nhật, Singapore, Hàn,... cũng dồn dập đổ tiền vào các ông lớn hàng đầu khác của Việt Nam như ông trùm bán lẻ xăng dầu Petrolimex, ngân hàng thương mại cổ phần Vietcombank, Techcombank, PVOil, Vinhomes,...

Bán lẻ Việt Nam là một mảng thu hút sự quan tâm đặc biệt của các NĐT nước ngoài. Hàng loạt ông lớn như Thái, Hàn, Nhật, Mỹ,... dồn dập đổ tiền vào xây dựng hoặc thâu tóm các chuỗi bán lẻ tại thị trường có quy mô 180 tỷ USD tại Việt Nam như Big C, Lotte, AEON, Circle K,...

Việc chiếm được mảng phân phối, bán lẻ đồng nghĩa với có thể chi phối, nắm quyền điều khiển hoạt động sản xuất, nhất là trong bối cảnh hội nhập về kinh tế trong khu vực ngày càng sâu rộng.

Lo sợ hiện hữu, tỷ phú ngoại đánh chiếm trụ cột kinh tế Việt Nam - 4

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng ghi dấu ấn trong mảng bán lẻ nhưng đang đầu tư trong nhiều lĩnh vực.

Gần đây, Vụ Big C Việt Nam đưa ra thông báo tạm dừng hoạt động thu mua các sản phẩm may mặc từ các nhà cung cấp ngành hàng may mặc tại Việt Nam kể từ tháng 7/2019 vừa qua đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo nguy hiểm cho nền kinh tế Việt Nam.

Năm 2018 là năm mọi ân hạn WTO dành cho Việt Nam đã hết. Theo đó, Việt Nam không được ngăn chặn các NĐT, không được áp dụng hàng rào thuế quan khác biệt, không được quản lý xuất nhập khẩu bằng hạn ngạch,... Đây là lý do mà các NĐT sẵn sàng đổ tiền tỷ USD vào chiếm lĩnh nền kinh tế, từ mảng bán lẻ cho tới các ngành trụ cột của nền kinh tế. 

Hiện tại, Việt Nam chứng kiến một số tập đoàn trong nước cũng xây dựng được mạng lưới bán lẻ cũng như hệ thống phân phối tốt như Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang, MWG của ông Nguyễn Đức Tài,...

Tuy nhiên, các tập đoàn này cũng bán cổ phần khá nhiều cho các NĐT nước ngoài. Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng và Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang đã bán cổ phần cho tập đoàn SK Group của Hàn Quốc với tổng trị giá lên tới khoảng 1,5 tỷ USD (riêng Vingroup hơn 1 tỷ USD). Hơn thế, tình trạng vay nợ của nhiều tập đoàn lớn cũng khiến nhiều người lo ngại.

Theo M. Hà

VietnamNet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm