Bán hàng lậu online thu gần 650 tỷ đồng: "Bắt lỗi" chuyển phát nhanh!
(Dân trí) - Ông Trần Hữu Linh cho biết: Vụ kho hàng giả bán qua facebook rất phức tạp, kho hàng ở các tỉnh biên giới và việc chuyển hàng có sự tham gia của đơn vị chuyển phát nhanh.
Tại Hội nghị toàn quốc sơ kết 6 tháng của Ban chỉ đạo 138/CP và Ban chỉ đạo 389 Quốc gia diễn ra ở Hà Nội sáng nay (23/7), ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương đã thông tin về hoạt động của nhóm bán hàng qua mạng tại kho hàng lậu khủng ở Lào Cai.
Tổng cục trưởng Linh cho biết: "Vừa qua lực lượng Quản lý thị trường đã cùng phối hợp với cục Cảnh sát công nghệ cao, Bộ Công an triệt phá thành công kho hàng giả, hàng lậu quy mô lớn và chuyên nghiệp do một đối tượng rất trẻ 28 tuổi cầm đầu ở Lào Cai. Doanh thu của kho này mỗi tháng hơn 10 tỷ đồng, tổng doanh thu từ 10/2018 đến nay doanh thu hơn 649 tỷ đồng".
Ông Linh lưu ý: "Một kho hàng tại biên giới phía bắc có doanh thu lớn, chủ yếu bán hàng qua mạng xã hội cho thấy sự phức tạp của loại hình hàng giả và hàng buôn lậu hiện nay. Đồng thời, phạm vi hoạt động của nó không chỉ xảy ra ở các thành phố lớn nữa".
Lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, các đối tượng buôn hàng giả đã và đang thuê cả nhà chung cư, nhà ngõ hẻm để tàng trữ, cất giấu hàng giả.
Thậm chí, theo ông Linh, các công ty chuyển phát nhanh cũng tham gia trực tiếp vào quá trình vận chuyển hàng hóa, thu tiền hộ cho các đối tượng. Chính vì vậy, thời gian tới công tác chống hàng giả, hàng gian lận thương mại cần sự vào cuộc của nhiều ngành, lĩnh vực như công an, thuế, ngân hàng và thông tin truyền thông và cả hải quan.
Đặc biệt, đại diện Bộ Công Thương đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy nhanh việc đàm phán với các nền tảng Facebook, Zalo nhằm kiểm soát người kinh doanh trên hạ tầng mạng xã hội, ngăn chặn lợi dụng mạng xã hội để kinh doanh hàng giả.
Đại diện Bộ Công Thương cho biết, sau dịch Covid-19, thương mại điện tử bùng nổ trên mạng xã hội qua hình thức livestream, điều này dẫn đến hoạt động của các tổ chức hàng giả, hàng gian lận phức tạp.
Ông Linh cho biết: "Trước kia hàng giả, hàng gian lận thương mại chủ yếu xuất hiện trên thương mại điện tử ở các website rao bán hàng hóa, nhưng nay xuất hiện nhiều ở nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo. Hiện Việt Nam có khoảng 60 triệu tài khoản Facebook, mỗi tài khoản có thể bán và mua hàng online, hình thức bán hàng chủ yếu là livestream, ở nhiều địa điểm khác nhau, rất khó phát hiện".
Trước đó, như Dân trí đưa tin ngày 8/7 vừa qua, gần 100 cảnh sát cơ động và lực lượng quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra kho hàng rộng hơn 10.000 m2 tại Lào Cai.
Đối tượng cầm đầu là Trần Thành Phú - chủ kho hàng lậu "khủng" ở Lào Cai và 5 đối tượng trong nhóm đã bán hàng lậu qua hình thức livestream với số doanh thu từ tháng 10/2018 đến nay ước đạt hơn 649 tỷ đồng.
Tổng kho hàng khủng của nhóm đối tượng có 237 chủng loại hàng hóa với tổng số 158.014 đơn vị sản phẩm. Trong đó, gồm 151.326 đơn vị sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ (hàng lậu) và 6.688 đơn vị hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu của các thương hiệu nổi tiếng thế giới.
Theo đại diện Quản lý thị trường, để thực hiện kinh doanh online, nhóm đối tượng trả gần 400 triệu đồng/tháng để chạy quảng cáo trực tuyến và cước điện thoại hơn 120 triệu đồng/tháng.
Cá biệt, các nhân viên livestream bán hàng của kho này được trả lương khủng lên đến 80 triệu đồng/người/tháng để cho người chuyên làm quảng cáo trực tuyến trên mạng bán hàng.