Lo quà Tết sớm, nhà giàu về tận bản mua ngựa bạch nấu cao
Gần 4 tháng nữa mới đến Tết Nguyên Đán 2021, thế nhưng nhiều nhà giàu Việt đã tìm về các bản làng ở Thái Nguyên, Bắc Kạn, Ba Vì... mua những chú ngựa bạch, thuê giết lấy thịt ngựa ăn và làm cao ngựa để biếu Tết.
Những năm gần đây, thịt ngựa được coi là đặc sản vì chúng rất thơm ngon, lại có tác dụng chữa bệnh. Tuy nhiên, số hộ nuôi ngựa tại các bản làng hiện cũng đã giảm dần. Chưa kể, nhiều người Việt có quan niệm, cuối tháng cuối năm ăn thịt ngựa để giải xui. Vì thế, thịt ngựa rất được nhiều nhà giàu Việt sành ăn chuộng mua, nhất là thịt ngựa bạch.
Chia sẻ về điều này, anh Nguyễn Huy Hoàng, một người kinh doanh bất động sản ở Thái Hà, Hà Nội - nói, cứ đến khoảng tháng 9 âm lịch, gia đình anh thường tổ chức một chuyến đi cuối tuần về một bản làng ở Thái Nguyên. Ngoài giúp xả stress cho gia đình, anh còn tranh thủ tìm kiếm 1-2 chú ngựa bạch của người dân trong bản có nhu cầu muốn bán.
Sau đó, anh thuê người giết mổ lấy thịt ngựa và nội tạng về ăn để giải xui. Còn phần xương, anh sẽ thuê người nấu cao ngựa để biếu khách hàng, người thân, đối tác làm ăn trong dịp Tết Nguyên Đán cổ truyền sắp tới.
Theo anh Hoàng, những năm trước phải đến cuối tháng 11 âm lịch anh mới về bản đặt mua thịt ngựa. Nhưng năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên kinh tế và công việc gặp nhiều khó khăn. Kênh đầu tư bất động sản của anh bị giảm sút đáng kể. Chính vì thế, cá nhân anh và nhiều thành viên trong gia đình do đều làm kinh doanh đất đai rất muốn được ăn thịt ngựa nhằm giải xui sớm cho 3 tháng cuối năm thêm khởi sắc.
“Cứ vài anh chị em trong gia đình chung nhau tiền mua một con ngựa bạch. Sau đó, thuê giết mổ lấy thịt tươi, nội tạng làm một mâm cỗ cúng chỉ toàn thịt ngựa. Muốn ăn lúc nào thì lên bản tìm ngựa, xong là người ta mách ngay người giết mổ để thuê”, anh Hoàng nói.
Do ngựa bạch là giống ngựa quý, có thể dùng thịt và xương để làm thuốc chữa bệnh nên giá 1 chú ngựa bạch thường dao động từ 20-30 triệu đồng (với những chú ngựa 1-3 tuổi). Riêng những chú ngựa bạch trưởng thành (4-5 tuổi) có giá từ 40-50 triệu đồng.
“Tất cả những chú ngựa bạch ở bản đều được người dân trong bản hay các hộ nuôi tự nhiên. Hàng ngày chúng đi rông tự nhiên và ăn các loại cây cỏ ở ngoài đồng hay các triền núi. Khi ngựa về chuồng mới cho thêm thức ăn là hạt ngô, cám gạo hoặc cỏ voi để bổ sung dinh dưỡng cho đàn ngựa béo tốt. Do ngựa được nuôi thả tự nhiên như vậy nên thịt ngựa ăn rất lành, ngon và ít chất béo”.
Anh Hoàng cho hay, giá mỗi cân thịt ngựa khá đắt đỏ. Ngoài mua cả con, khách có thể mua lẻ. Thịt ngựa có giá từ 300.000-500.000 đồng/kg tùy loại. “Giá thịt ngựa đắt tùy theo từng màu lông và tùy loại thịt. Trong đó, giá ngựa bạch đắt hơn những chú ngựa màu", anh nói.
Ngoài ra, nếu mua lẻ, thịt thăn lưng, thịt bắp giá 300.000-400.000 đồng/kg, các loại khác giá thấp hơn, từ 200.000-230.000 đồng/kg. Giò ngựa cũng được nhiều khách đặt mua có giá từ 350.000 đồng/kg
Nhiều người mua thịt ngựa còn làm ruốc hoặc cao ngựa để đem biếu. Giá 1kg ruốc ngựa gần 1 triệu đồng. Còn giá 1 kg cao ngựa bạch cũng lên tới cả chục triệu đồng. Vì quý hiếm và tốt cho sức khỏe nên nhiều người giờ đã đặt mua trước về làm quà biếu Tết.
Ngựa bạch 100% là ngựa địa phương nên hiện không còn nhiều. Muốn đặt, phải báo trước người dân trong bản cả tuần mới mua được 1 con.
“Ngựa nuôi tại địa phương còn khá ít. Vì vậy những bạn bè nhờ mình mua ngựa để giết thịt và làm cao ngựa thì phải đặt trước ít nhất cả tuần. Thời điểm này, mua thịt ngựa còn rẻ, chứ đến cuối năm giá thịt ngựa, cao ngựa sẽ tăng cao do nhiều người làm cỗ Tết, làm quà biếu và ăn thịt ngựa giải xui”, anh Hoàng chia sẻ.