Lợn ăn sâm, trâu uống rượu... hàng lạ bán cho nhà giàu
Ở Việt Nam, có những cách chăn nuôi rất lạ lẫm nhưng lại mang đến những hiệu quả không ngờ như: nuôi lươn trong can nhựa, cho lợn ăn sâm, nghe nhạc trữ tình, cho trâu uống rượu mỗi sáng.
Nuôi lươn trong can nhựa độc nhất vô nhị ở miền Tây
Trước ông nuôi lươn trong bể xi măng nhưng lươn chậm lớn và chết nhiều. Năm 2013, ông nghĩ ra cách nuôi lươn trong can nhựa dưới môi trường nước tự nhiên. Can nhựa được ông khoan lỗ rồi xỏ cây tre ngang sau đó cho lươn giống vào nuôi. Một can nhựa nuôi được khoảng 1kg lươn giống, khi xuất bán có thể đạt từ 15-16kg lươn thành phẩm, cho lợi nhuận gần 2 triệu đồng.
Nuôi lợn cho ăn sâm, nghe nhạc trữ tình bán cho nhà giàu
Ông Nguyễn Văn Thục (50 tuổi, Nam Định) chia sẻ trên Dân Việt, ông nuôi lợn theo quy trình hữu cơ, không sử dụng chất tăng trọng, không dùng thuốc kháng sinh, không cho lợn ăn cám công nghiệp... Lợn được ăn sâm, thảo quả và các loại thảo dược khác, còn được nghe nhạc trữ tình.
Lão nông này tự hào rằng, lợn của ông được cho ăn thức ăn sạch, cho ăn thuốc Nam và nghe nhạc trữ tình nên thịt lợn thuộc loại ngon nhất tỉnh Nam Định, bán ra thị trường giá cao hơn khoảng từ 5.000-10.000 đồng mỗi kg so với lợn thường. Mỗi tháng, ông bỏ túi hơn 100 triệu đồng.
Cách nuôi trâu, bò lạ lẫm: Mỗi sáng cho "tu" 1 cốc rượu to
Anh Hầu Đình Tuấn (trú xóm Pác Ca, tổ 6, thị trấn Thông Nông, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) cho biết trên Dân Việt, phần lớn mọi người vỗ béo trâu, bò bằng cỏ voi, cám và tinh bột. Nhưng anh lại có cách làm rất đặc biệt. Cứ vào buổi sáng, anh cho mỗi con trâu, bò uống một cốc rượu trắng. Nói là cốc, nhưng thực ra đó là 1 cái ca nhựa to đựng khá nhiều rượu... Theo anh Tuấn, khi uống rượu vào, trâu, bò sẽ chịu ăn và nhanh béo hơn.
Với "công nghệ" vỗ béo có một không hai, dù trâu hay bò, khi vào tay anh Tuấn chỉ chừng 45 ngày là được bán, cho lãi 3-4 triệu đồng/con. Mỗi tháng, anh bán được tầm 4-5 con, thu 15-20 triệu đồng.
Độc đáo thứ bia có tuổi đời hàng trăm năm của người Hà Nhì
Bia là thứ đồ uống truyền thống của dân tộc Hà Nhì. Nó có tuổi đời hàng trăm năm nhưng không phải ai cũng có cơ hội thưởng thức. Loại bia này không bán ở chợ vì người Hà Nhì chỉ làm đủ để nhà dùng và gần như nhà nào cũng tự làm.
Loại bia này không giống với bất cứ thứ bia giải khát mà người ta thường chưng cất từ đại mạch và hoa bia. Theo Dân Việt, người Hà Nhì làm bia rất cầu kỳ. Nếp trám đồ thành cơm rồi đem ủ. Men để ủ thành bia là được làm thủ công từ hạt cây rừng, nghiền nhỏ trộn với bột gạo nếp và ủ trong rơm. Càng ủ lâu, nước bia chuyển từ trắng sang vàng và uống càng ngon, mang hương vị đặc trưng.
Vùng đất trồng na lạ ra trái khổng lồ, ai thấy cũng trầm trồ
Trên mảnh vườn đồi, ông Trần Ngọc Huần (xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) trồng 100 cây na (mãng cầu) giống Thái Lan.
Ông Huần chia sẻ, cây na Thái ra hoa ngay sau 12 tháng trồng, trái to gấp 2-3 lần trái na truyền thống. Na Thái thịt dai, ngọt và ít hạt. Chỉ với gần 2 sào đất và trồng 100 gốc na, ông Huần thu được trên 50 triệu đồng.
Bộ sưu tập hàng nghìn cổ vật quý của 'vua đồ cổ' Ninh Bình
Ông Đinh Văn Dần (SN 1950) được mệnh danh là "vua đồ cổ" đất Ninh Bình. Hơn 40 năm nay, ông dày công sưu tầm được hàng nghìn cổ vật. Trong đó, có những món đồ thuộc hàng quý, hiếm ở Việt Nam. Ước tính, gia tài đồ sộ của ông Dần khoảng trên dưới 100 tỷ đồng.
Nhiều món đồ thuộc hàng “độc nhất, vô nhị”, được xếp vào hàng bảo vật quốc gia như bình gốm vẽ thiên nga thời Lê sơ (thế kỷ XV). Bên cạnh bình gốm thiên nga, ông còn sở hữu đôi bình gốm hoa nâu, in hoa sen được sản xuất thời Lý. Trong số các cổ vật, ông Dần dành nhiều tình cảm cho chiếc rìu độc bản từ thời Tiền văn hóa Đông Sơn 5.000 năm tuổi.
Báu vật sanh cổ trả triệu USD không bán, duối cổ giá 7 tỷ
Tác phẩm “Mộc thạch nghênh phong” của ông Bùi Văn Thái (Hoàng Mai, Hà Nội) được tổ chức Kỷ lục châu Á công nhận là "Cây sanh ôm đá nghệ thuật lớn, cổ nhất châu Á". Cây sanh này có độ tuổi khoảng 165 năm, thuộc dòng sanh lá mũi hài rất quý hiếm. Chủ nhân chia sẻ, 20 năm trước, có doanh nhân muốn đổi 8 lô đất ở Hà Nội để lấy cây sanh này nhưng ông không đồng ý.
Tác phẩm “Thành đồng Tổ quốc” của anh Dương Văn Mười (Thường Tín, Hà Nội) cũng là một cây sanh cổ vang danh trong làng cây cảnh. Anh Mười cho biết, cây có tuổi đời khoảng 200 năm, có đại gia trả gần 1 triệu USD nhưng anh không bán.
Ngoài “Thành đồng Tổ quốc”, anh Mười còn có tác phẩm “Tiên lão giáng trần”. Đầu năm nay, anh chuyển nhượng cho một người cùng ở Thường Tín với giá 16 tỷ đồng. Sau vài tháng, người này đã chuyển nhượng cho anh Toàn đôla (TP. Việt Trì, Phú Thọ) với giá 28 tỷ đồng làm “chấn động” giới chơi cây.
Trong khi đó, ngày 2/9, cây duối có tên Lão mai đại thọ của ông Hòa taxi (huyện Văn Giang, Hưng Yên) đã bán cho ông Trường Giấy (Hải Dương) được cho là với giá 7 tỷ đồng. Theo lời quảng cáo của chủ cây duối, đây là tác phẩm độc đáo, có tuổi đời vào khoảng 1.000 năm tuổi.
Lạ đời, cái chợ chỉ bán duy nhất một thứ cây đã chết
Theo Dân Việt, tại xứ U Minh Hạ (tỉnh Cà Mau), có khu chợ chỉ bán duy nhất một mặt hàng và cũng không có cảnh chào hàng hay rao bán. Người dân gọi là chợ tràm.
Tại chợ tràm U Minh Hạ, hoạt động mua bán diễn ra quanh năm. Mỗi ngày có hàng trăm thương lái đến thu mua, vận chuyển cừ tràm đi tiêu thụ khắp các tỉnh ĐBSCL và TP.HCM.
Vườn nho thân gỗ “độc lạ” của thầy giáo ở Cần Thơ
Khu vườn có hàng nghìn cây nho thân gỗ “độc lạ” của ông Huỳnh Công Thống - giáo viên dạy toán ở phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP.Cần Thơ - đang là điểm tham quan hấp dẫn với nhiều người.
Ông Thống cho hay, cây nho thân gỗ có thân giống cây ổi, trái giống trái sung, khi ăn có vị chua, chát, ngọt và mùi thơm. Đặc biệt, hạt cây nho thân gỗ to hơn trái nho dây. Hiện, ông Thống đang có nhiều hướng đi để tận dụng sự “độc lạ” của cây nho thân gỗ như: tạo cảnh quan để phục vụ du lịch, trái làm nước ép để phục vụ cho du khách, ngâm rượu.