Lỗ phát sinh của doanh nghiệp có vốn Nhà nước giảm
(Dân trí) - 45 trong số 270 doanh nghiệp có vốn Nhà nước kinh doanh lỗ năm 2021. Tuy vậy, tổng lỗ phát sinh năm này giảm 17% so với năm 2020.
Bộ Tài chính vừa có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại doanh nghiệp năm 2022 lần 2.
Đối với các doanh nghiệp có vốn Nhà nước, tổng hợp số liệu của 274 doanh nghiệp cho thấy tổng doanh thu năm 2021 là 74.300 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2020. Tổng lợi nhuận sau thuế là 4.900 tỷ đồng, giảm 5,8% so với năm 2020. Số phát sinh phải nộp ngân sách trong năm là 8.800 tỷ đồng, tăng 44% so với năm 2020.
Trong số 270 doanh nghiệp có 221 doanh nghiệp kinh doanh có lãi, 45 doanh nghiệp kinh doanh lỗ, tổng lỗ phát sinh năm 2021 là 274 tỷ đồng (giảm 17% so với năm 2020), 4 doanh nghiệp còn lại không báo cáo lãi, lỗ.
142 doanh nghiệp của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trên cả nước có tổng doanh thu năm 2021 là trên 1,07 triệu tỷ đồng.
Trong đó, tổng doanh thu của các doanh nghiệp do Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp làm đại diện chủ sở hữu là 692.000 tỷ đồng (tăng 10,2% so với năm 2020), chiếm 64,31% tổng doanh thu năm 2021. Tổng lợi nhuận sau thuế năm 2021 là 88.600 tỷ đồng. Tổng số lỗ phát sinh năm 2021 của 7 doanh nghiệp là 620 tỷ đồng (giảm 75,2% so với năm 2020). Tổng số lỗ lũy kế đến năm 2021 là 5.080 tỷ đồng.
134 trong số 142 doanh nghiệp kinh doanh có lãi, 7 kinh doanh lỗ. Số phát sinh phải nộp ngân sách Nhà nước năm 2021 là 71.000 tỷ đồng.
Tổng hợp số liệu của 64 doanh nghiệp có vốn Nhà nước thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ cho thấy tổng doanh thu năm 2021 là 515.000 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận sau thuế năm 2021 là 60.000 tỷ đồng.
Đối với các doanh nghiệp báo lỗ, tổng số lỗ phát sinh năm 2021 là 12.600 tỷ đồng. Tổng lỗ lũy kế đến năm 2021 là 27.800 tỷ đồng. Trong số 64 doanh nghiệp có 41 doanh nghiệp kinh doanh có lãi, 8 doanh nghiệp kinh doanh lỗ.
Cũng theo báo cáo, tính đến giữa tháng 10, có 3 bộ, cơ quan chưa gửi báo cáo đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại doanh nghiệp là Bộ Công Thương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ.
Một cơ quan gửi chưa đủ báo cáo đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại doanh nghiệp là Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Năm 2020 và năm 2021, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cũng là cơ quan gửi chưa đủ báo cáo kết quả giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại doanh nghiệp.
Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo các cơ quan đại diện chủ sở hữu nghiêm túc thực hiện lập và gửi các báo cáo về Bộ Tài chính theo đúng quy định của pháp luật.
Trường hợp các cơ quan đại diện chủ sở hữu gửi báo cáo 6 tháng và hàng năm về Bộ Tài chính chậm so với quy định thì các cơ quan đại diện chủ sở hữu phải tự chịu trách nhiệm và Bộ Tài chính sẽ không tiếp tục tổng hợp kết quả giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại doanh nghiệp đối với các trường hợp gửi báo cáo chậm so với quy định.