Lộ diện 10 công ty bất động sản có doanh thu, lợi nhuận tăng "khủng"

Ninh An

(Dân trí) - Những "ông lớn" bất động sản lại không lọt top tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận ròng quý III. Điều bất ngờ là 2 doanh nghiệp có giá cổ phiếu giá "trà đá" lại lọt vào danh sách này.

Bức tranh tài chính của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán gần như đã hoàn thiện khi có gần 90 đơn vị công bố quý III/2022.

Theo số liệu cập nhật tới ngày 4/11, khoảng 50% doanh nghiệp có tăng trưởng doanh thu và 86,5% doanh nghiệp tăng trưởng về lợi nhuận quý vừa qua. 

Lộ diện 10 công ty bất động sản có doanh thu, lợi nhuận tăng khủng - 1

Kết quả kinh doanh cho thấy các doanh nghiệp bất động sản vẫn làm ăn khá tốt (Ảnh minh họa: Tiến Tuấn).

10 doanh nghiệp tăng trưởng doanh thu lớn nhất

Đứng đầu danh sách tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận là Tổng Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn (mã chứng khoán: SGR) khi doanh thu thuần gấp 178 lần so với cùng kỳ năm 2021. Quý vừa qua, công ty này ghi nhận 541,98 tỷ đồng lợi nhuận trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ vỏn vẹn 3,05 tỷ đồng.

Theo thông tin giải trình gửi lên Sở giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE), doanh thu thuần trong báo cáo tài chính hợp nhất tăng do tăng doanh thu dự án tại công ty mẹ. Công ty này hiện là chủ đầu tư của các dự án như Khu cư dân Phú Hội - Nhơn Trạch, chung cư An Phú River View, Chung cư Phú Định Riverside, Khu đô thị mới Nghĩa Hà - Quảng Ngãi...

Xếp thứ 2 trong danh sách là Công ty cổ phần DRH Holdings (mã chứng khoán: DRH) khi có mức doanh thu gấp 45 lần cùng kỳ. Doanh thu quý III vừa qua của DRH đạt mức 9,47 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ đạt... 210 triệu đồng.

Tuy vậy, toàn bộ doanh thu của DRH Holdings đến từ cung cấp dịch vụ. Mảng bất động sản không đóng góp đồng doanh thu nào cho công ty mặc dù đây là mảng kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp. DRH Holdings là chủ đầu tư của một số dự án như D-Vela Residences, Aurora Residences, Central Garden, Sybio Garden.

Những đơn vị bất động sản khác có doanh thu thuần tăng mạnh khác có thể kể đến như: Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (mã chứng khoán: AGG) gấp 26 lần, Đầu tư Năm Bảy Bảy (mã: NBB) gấp 22 lần, ANI (mã: SIC) gấp 15 lần, Đầu tư Thương mại Bất động sản An Dương Thảo Điền (mã: HAR) gấp 9 lần, Long Hậu (mã: LHG) gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái.

Trong danh sách 10 doanh nghiệp tăng trưởng về doanh thu quý III, Nam Long là đơn vị có vốn hóa lớn nhất, gần 9.000 tỷ đồng. Các doanh nghiệp khác đều có mức vốn hóa dưới 4.000 tỷ đồng. Thậm chí bé nhất là Công ty cổ phần Thế kỷ 21 (mã: C21) vốn hóa khoảng 234 tỷ đồng.

10 doanh nghiệp có tăng trưởng lợi nhuận lớn nhất

Đứng đầu về tăng trưởng lợi nhuận ròng là Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Bất động sản An Dương Thảo Điền (mã: HAR) với con số gấp 131 lần cùng kỳ năm ngoái. Quý vừa rồi doanh nghiệp này ghi nhận 3,92 tỷ đồng lợi nhuận ròng trong khi năm ngoái chỉ thu về cỡ 30 triệu đồng. Một số dự án của công ty này có thể kể đến như Khu biệt thự phức hợp Thảo Điền Midpoint Villas, Hệ thống trường song ngữ Việt Mỹ Vass,...

Nhờ doanh thu tăng mạnh nên 5 doanh nghiệp với các mã chứng khoán gồm AGG, LHG, SIC, VRG, DRH tiếp tục nằm trong danh sách những công ty có tăng trưởng lợi nhuận lớn nhất quý III.

Tuy không nằm trong top tăng trưởng doanh thu nhưng 2 "ông lớn" bất động sản gồm Công ty cổ phần Vincom Retail (mã chứng khoán: VRE) và Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - CTCP (mã chứng khoán: BCM) lại nằm trong top về tăng trưởng lợi nhuận.

Cụ thể, trong quý III vừa qua, lãi ròng của Vincom Retail gấp 33 lần cùng kỳ năm 2021 khi đạt 793 tỷ đồng. Trong khi năm ngoái các trung tâm thương mại của Vincom Retail buộc phải đóng cửa do giãn cách xã hội nên quý III năm 2021 chỉ đạt khoảng 24 tỷ đồng.

Với Becamex, nhờ hoạt động cốt lõi tăng trưởng nên lợi nhuận ròng cũng bứt phá trong quý III khi đạt mức 259 tỷ đồng, gấp 5 lần so với con số 50 tỷ đồng năm ngoái. Kết quả kinh doanh của Becamex tích cực do hưởng lợi chung từ xu hướng tích cực của nhóm doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp.

Kể từ đầu năm, khi dịch Covid-19 tại Việt Nam đã được kiểm soát, nhiều doanh nghiệp quay trở lại các khu công nghiệp (KCN) để tiếp tục sản xuất, kinh doanh. Không ít doanh nghiệp lớn như Samsung, LG Display, Xiaomi, Goertek… đều công bố kế hoạch mở rộng, tăng vốn, hoặc thuê mới nhà xưởng để bắt đầu sản xuất tại Việt Nam.

 

Mặc dù DRH Holdings, An Dương Thảo Điền đều nằm trong top doanh nghiệp tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận quý III nhưng giá cổ phiếu của 2 đơn vị này tại thời điểm ngày 4/11 đều chỉ ở mức "trà đá" từ 3.390 đồng đến 4.360 đồng/cổ phiếu.