Lơ mơ định danh taxi công nghệ, “đau đầu” chuyện thất thu thuế

(Dân trí) - Vấn đề định danh hình thức doanh nghiệp kiểu Grab, Uber… vẫn còn vấp phải nhiều tranh cãi. Việc chưa định hình rõ ràng loại hình doanh nghiệp này không chỉ khiến các hãng taxi truyền thống thấy bất bình đẳng mà còn khiến cơ quan quản lý thuế “lúng túng”.

grab.jpg

Kinh doanh dịch vụ taxi công nghệ, nếu không định hình là dịch vụ vận tải sẽ khiến nhà nước khó thu thuế (Ảnh minh họa)

 

Khó kiểm soát nếu chưa định hình rõ ràng

Còn nhớ tại Hội nghị tổng kết cuối 2017, một lãnh đạo ngành thuế thừa nhận việc thu thuế từ những doanh nghiệp có mô hình kinh doanh mới mẻ như Uber, Grab gặp rất nhiều khó khăn.

Vị này cho hay, việc thu thuế các công ty này không chỉ Việt Nam gặp khó mà rất nhiều quốc gia trên thế giới cũng vấp phải lúng túng.

“Chúng ta chưa định hình được rõ ràng về hoạt động của họ nên không thể đưa ra giải pháp riêng lẻ kiểm soát, mà cần giải pháp của cả hệ thống”, vị này nói thêm.

Liên quan đến vấn đề về việc đóng thuế, một số hiệp hội taxi truyền thống trong nước trước đó đã nhiều lần có đơn kiến nghị về hoạt động thí điểm "taxi công nghệ" theo Quyết định 24 của Bộ GTVT.

Đại diện các hiệp hội này cho rằng việc quản lý "taxi công nghệ" không chặt chẽ đã dẫn đến tiền thuế nhà nước thất thu hoặc không thể đòi được rất lớn.

"Thực tế tại công văn số 15467/BTC-TCT ngày 15/11/2017 do Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng ký trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội đã nêu rõ:

Trong 03 năm (từ 2014 – 2016), Grab đã báo lỗ tới 938,261 tỷ đồng, được coi là công ty rủi ro cao về thuế", đại diện Hiệp hội taxi Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM cho biết.

Thậm chí giới taxi truyền thống còn cho rằng Grab đã "lách luật" để thu lợi, cũng chính vấn đề này đã gây ra sự bất bình đẳng, kém cạnh tranh trong kinh doanh với các doanh nghiệp khác.

Nói với Dân trí, một lãnh đạo Hiệp hội taxi Hà Nội cho biết họ đang phải đóng thuế VAT mức 10% trong khi Grab thì không. Các hãng taxi cũng đang chịu mức thuế thu nhập doanh nghiệp lên tới 22% trong khi con số này đối với những doanh nghiệp như Grab chỉ vỏn vẹn 3%. Ngoài ra, taxi tuyền thống buộc phải trích đóng BHXH cho tài xế trong khi Grab được “ngó lơ” vấn đề này.

"Ngay cả các hãng taxi mới ra đời như Be, họ có thể xuất ngay hóa đơn điện tử, chứng minh đóng thuế đàng hoàng, ngay sau mỗi cuốc xe và họ đăng ký dịch vụ kinh doanh vận tải. Như vậy mới công bằng, minh bạch", ông này nói.

“Điều này tạo nên sự bất bình đẳng, thiếu công bằng giữa các doanh nghiệp có cùng lĩnh vực cùng cấp kinh doanh vận tải. Cũng chính vì vậy mà Grab khăng khăng nhận họ là công ty cung cấp ứng dụng công nghệ thay vì doanh nghiệp kinh doanh vận tải”, ông này nhấn mạnh.

Việc chật vật thu thuế Grab, Uber… cũng đã từng “nóng” tại phiên thảo luận về dự Luật Quản lý thuế (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XIV vừa qua. Theo ý kiến một số đại biểu, phải có công thức tính thuế để cùng trên một sản phẩm dịch vụ xác định được thuế cấu thành trong nhóm sản phẩm đó và đưa ra mức tính thuế phù hợp. Cơ quan thuế cũng có điều kiện giám sát và thực hiện thu thuế, đồng thời các cá nhân, pháp nhân đăng ký với hãng cũng trở thành một doanh nghiệp thực sự, nghĩa là phải đăng ký là doanh nghiệp để cùng khai báo thuế.

Như vậy sẽ tạo ra sự bình đẳng với các đối tượng kinh doanh ngành nghề tương tự và chống thất thu thuế, bên cạnh đó cũng khuyến khích được các giải pháp công nghệ ứng dụng phục vụ cuộc sống.

Định danh rõ ràng, đảm bảo công bằng và minh bạch

Chỉ tính riêng phương tiện ô tô dưới 9 chỗ, sau 3 năm có mặt tại Việt Nam, lượng xe Grab, Uber tại một số đô thị đã ngang bằng, thậm chí tại TP.HCM, Hà Nội còn vượt cả taxi truyền thống.

Cụ thể, số liệu thống kê của Bộ Giao thông Vận tải cho thấy, nếu như, năm 2016, cả thị trường chỉ có 330 xe thì đến năm 2017, con số này tăng lên mức chóng mặt với 42.100 xe. Trong số này, Grab có hơn 34.700 xe; Uber 6.535 xe, còn lại là của một số đơn vị khác.

Sự gia tăng một cách chóng mặt của các nhóm phương tiện chạy Grab… đã đặt ra bài toán nan giải cho các nhà quản lý, trong đó có vấn đề về thuế. Như đã đề cập ở trên, việc còn “lơ mơ” trong cách định danh loại hình này khiến cơ quan thuế gặp nhiều khó khăn, nguy cơ thất thu thuế càng lớn.

Trong Dự thảo thay thế Nghị định 86 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô Chính phủ (lần thứ 7) đươc trình Chính phủ mới đây, cơ quan soạn thảo là Bộ GTVT khẳng định sẽ quản lý xe chở khách dưới 9 chỗ có ứng dụng phần mềm như đối với taxi sau khi tiếp thu các ý kiến. Bộ GTVT nhấn mạnh việc lựa chọn phương án trên nhằm hướng đến việc “công bằng, bình đẳng hơn về điều kiện kinh doanh vận tải…”.

Như vậy, nếu dự thảo được thông qua đồng nghĩa với việc những tranh luận xung quanh việc Grab, Goviet… là kinh doanh vận tải hay công nghệ đến hồi ngã ngũ. Trước đó, Grab liên tục khẳng định mình đang hoạt động với tư cách là nhà cung cấp ứng dụng kết nối, dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử trên nền tảng thiết bị di động chứ không kinh doanh vận tải.

Điều này có nghĩa, Grab/Uber chỉ phải tuân thủ các quy định về hoạt động kinh doanh thương mại và thương mại điện tử. Tuy nhiên nhiều chuyên gia đã lên tiếng khẳng định, hoạt động cung cấp phần mềm điện tử chỉ là một trong những cách thức vận hành mà Grab sử dụng để triển khai việc kinh doanh vận tải.

TS. Nguyễn Thị Dung, Giảng viên chính Đại học Luật Hà Nội nhấn mạnh: Cần định danh chính xác hình thức hoạt động của Grab/Uber là kinh doanh vận tải, hay là bên cung cấp ứng dụng kết nối để tháo gỡ những bất cập về lỗ hổng pháp lý có thể gây thất thu thuế.

Một số chuyên gia kinh tế khác cũng lên tiếng cho rằng việc định danh rõ ràng sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cơ quan quản lý trong việc thu thuế. Khi trở thành công ty kinh doanh vận tải, Grab hay các doanh nghiệp tương tự đều sẽ phải thực hiện các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải theo pháp luật Việt Nam. Tức là họ tham gia kinh doanh loại hình vận tải nào, phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm của loại hình vận tải đó. Họ cũng phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với tài xế cũng như trách nhiệm thuế như các doanh nghiệp taxi.

Lợi ích mà các doanh nghiệp như Grab và Uber… từng đem lại cho người tiêu dùng và thị trường vận tải là không thể phủ nhận. Song nếu rõ ràng cứ tiếp tục “thả nổi”, không có những giải pháp quản lý phù hợp thì những hệ luỵ là khó tránh khỏi…

Nguyễn Khánh 

banner_chan-bai.gif